Luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:03, 21/06/2022

Gần như đã trở thành thông lệ, những ngày tháng 6, kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6), trên các trang mạng xã hội như RFI, VOA, BBC, RFA… liên tục đăng tải nhiều thông tin có nội dung xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch lại tung ra những luận điệu xuyên tạc rằng: “Việt Nam đã tước đoạt quyền tự do phát biểu, tự do thông tin của người dân”; “vi phạm trầm trọng quyền tự do báo chí”…  Đây là những luận điệu rất phản động, nhằm gây nhiễu thông tin, vu khống, xuyên tạc trắng trợn quyền tự do thông tin, báo chí của công dân Việt Nam.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam chẳng có sự “tước đoạt” nào cả. Nhà nước Việt Nam đã ban hành Luật Báo chí, Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin và các luật, bộ luật có liên quan, quy định rõ về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; tổ chức và hoạt động báo chí...

Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 11, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định rõ công dân có quyền: “Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Đặc biệt, trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến phát triển internet đây là công cụ quan trọng, nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hiện nay, nước ta nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới, với gần 70% số người sử dụng, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (hơn 51%). Thông qua các trang thông tin điện tử và mạng xã hội, người dân có thể tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, đăng tải hay lan truyền bất cứ thông tin gì thông qua tài khoản cá nhân của mình như Facebook, YouTube, Viber, Zalo… Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và có sức lan truyền nhanh chóng như hiện nay. Nhân dân có thể tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình các kỳ đại hội của Đảng, góp ý vào các dự thảo luật, các chế độ chính sách… Tuy nhiên, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết trừng trị những tổ chức, cá nhân lợi dụng vấn đề này để có những hành vi tung tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, kéo bè, lập phái chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam là một chiêu trò, thủ đoạn cũ rích nhưng hiện nay đã được điều chỉnh hết sức tinh vi, xảo quyệt luôn được những tổ chức, cá nhân cực đoan, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng.

Trước sự xuyên tạc trắng trợn của các phần tử cơ hội chính trị, thế lực thù địch, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng internet, trang bị cho mình những kỹ năng tự sàng lọc thông tin, bồi dưỡng hình thành thói quen hành động và ứng xử tích cực, có văn hóa trên môi trường mạng. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí và bảo đảm quyền thông tin của mọi công dân trước pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, nắm chắc luật báo chí, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mỗi công dân. Trên cơ sở đó, quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên lĩnh vực thông tin, báo chí, phát ngôn bảo đảm đúng pháp luật...

NGUYỄN THANH