[Audio] Nhớ thương sạp báo vỉa hè

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 15:45, 21/06/2022

Ở TP Hải Dương hiện nay chỉ còn duy nhất một sạp bán báo giấy ở đại lộ Hồ Chí Minh, bên cạnh Bưu điện tỉnh. Nơi đây vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều người thích đọc báo giấy vào mỗi sớm mai.



Một thời xôn xao


.Sạp bán báo giấy duy nhất còn lại ở gần Bưu điện tỉnh

38 năm gắn bó với nghề bán báo cũng là chừng ấy thời gian bà Đặng Thị Điệp, chủ sạp báo giấy cuối cùng của TP Hải Dương chứng kiến những đổi thay của độc giả. Bà Điệp kể: “Hơn 20 năm trước, ngay cạnh cửa hàng của tôi còn có 4-5 sạp báo khác. Ngoài ra còn có vài quầy bán báo nữa ở đầu các phố Ngân Sơn, Trần Hưng Đạo. Ngày đó cứ đầu giờ sáng là khách đến mua báo nườm nượp, đông vui. Tôi phải luôn chân, luôn tay dập ghim, rồi chuyển báo cho khách. Có thời điểm tôi còn phải thuê thêm 2-3 người bán cùng vì khách mua quá đông. Có ngày tôi bán được cả nghìn tờ”.

Bây giờ đã thành thói quen, hằng ngày dù có khách hay không thì bà Điệp cũng dậy từ rất sớm ra cửa hàng nhận báo, sắp đặt gọn gàng những tờ báo giấy còn thơm mùi mực. Sạp báo giấy này đã giúp bà Điệp nuôi các con ăn học thành người và nay là nơi bà tìm niềm vui lúc tuổi già.

Thời kỳ các sạp báo ăn nên làm ra cũng là lúc đội ngũ những người bán báo dạo ở TP Hải Dương khá phát triển. Họ len lỏi khắp các phố phường từ sáng sớm đến chiều muộn để đưa những tờ báo giấy đến tận tay bạn đọc. Ông Nguyễn Văn Cẩn đang làm nghề xe ôm ở cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh từng có 5 năm đi bán báo dạo nhớ lại: “Hồi đó bán báo dạo cũng là nghề được nhiều người lựa chọn bởi nhu cầu đọc báo giấy của người dân khá nhiều. Đều đặn 5 giờ sáng, không kể ngày nghỉ tôi ra xe Hải Âu lấy báo, phân loại rồi đạp xe đến các quán cà phê, quán ăn sáng, cổng bệnh viện, chợ Bắc Kinh để rao bán. Bây giờ công nghệ thông tin phát triển, báo giấy ít người mua và nghề bán báo dạo cũng không còn mấy ai làm nữa”.


Ông Đỗ Văn Trọng vẫn giữ thói quen mua và đọc báo giấy từ năm 1992

Báo giấy đã từng là “món ăn” tinh thần không thể thiếu của nhiều người dân. Giới trẻ ngày nay gần như ít đọc báo giấy. Họ đọc báo, tìm kiếm thông tin trên các trang báo điện tử, mạng xã hội... 

Còn người mua tôi còn bán

Có thời điểm bà Điệp muốn chuyển nghề nhưng vì những độc giả quen thuộc và bản thân cũng ham đọc báo giấy nên bà quyết giữ sạp bán báo này dù lượng người mua không nhiều. Bà Điệp cho biết: “Với tôi, sạp báo có nhiều kỷ niệm và cũng là nơi tôi trao niềm vui đến nhiều người”.

Niềm vui mà bà Điệp nói ở đây chính là những tin tức nóng hổi được bà giới thiệu mỗi lần có khách đến mua báo. Bao nhiêu năm bán báo giấy là từng ấy năm bà Điệp đam mê đọc báo. “Hôm nào nghỉ bán là thấy nhớ. Đi muộn một vài phút đã có người gọi điện hỏi. Đó là các cụ cao tuổi, những người đã nghỉ hưu vẫn giữ thói quen đọc báo giấy”, bà Điệp nói.


Bà Đặng Thị Điệp chủ sạp báo giấy cuối cùng của TP Hải Dương vẫn duy trì bán báo 38 năm nay

Khách quen sạp báo của bà Điệp hiện nay chủ yếu là người cao tuổi, thỉnh thoảng có người trẻ đến mua báo Bóng đá, báo Thanh niên để tra cứu thông tin rồi bỏ đó không đọc. Một số phụ huynh tìm mua báo Tuổi trẻ cười cho con đọc dịp hè... nhưng số lượng cũng không nhiều. Ông Đỗ Văn Trọng (hơn 80 tuổi, ở phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) sáng nào cũng phải mua một vài tờ báo để đọc. Ông Trọng cho biết: “Từ năm 1992 đến nay, tôi luôn giữ thói quen mua và đọc báo giấy hằng ngày. Mọi tin tức thời sự trong nước, quốc tế qua báo giấy tôi đều nắm được. Báo giấy vẫn có nhiều chuyên mục hay mà nghe đài, xem ti vi tôi không thấy có. Bây giờ mỗi sáng tôi mua 3 tờ báo là Tiền Phong, Pháp luật và Đời sống, Bóng đá để đọc. Đọc báo xong tôi có thể chia sẻ thông tin với các bạn trong tổ hưu trí, nói chuyện với các con, cháu”.

Sự phát triển của công nghệ đã khiến báo giấy không còn thu hút được nhiều bạn đọc như trước nhưng đây vẫn là nơi cung cấp thông tin phong phú, đa dạng, hấp dẫn và vì thế sạp báo 38 năm của bà Điệp vẫn còn tồn tại để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trung thành với báo giấy.

HẢI MINH