Hậu Covid-19, ca sĩ Anh Thơ bị quên lời nhiều
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 13:04, 24/06/2022
Mở màn, ca sĩ Anh Thơ khiến khán giả đắm chìm vào bản Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Hẳn cô chọn ca khúc mở màn này là có ý riêng của mình.
Tình ca được yêu thích vì ca từ giản dị, chân thành. Tình ca trải dài theo tiếng ru à ơi vang vọng ngàn đời của người mẹ Việt Nam. Những khoảnh khắc lịch sử, những địa danh tiêu biểu của đất nước xuất hiện trong bài hát. Anh Thơ hát lúc nỉ non, ngọt ngào, da diết như lời ru của mẹ, khi lại vang vọng, thánh thót như tiếng gọi của hồn thiêng non sông đất nước. Tiếng hát thánh thót, cao vút, mượt mà của nữ ca sĩ đã đưa khán giả tới những miền cảm xúc khác nhau.
Dù Tình ca nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác cách đây 70 năm - thời gian dài như một đời người, nhưng sự hòa quyện nhuần nhuyễn tâm tình nhân dân lẫn tự tình nghệ sĩ đã vang lên những thanh âm của tình yêu mãi mãi với dân tộc Việt Nam. Giống như Anh Thơ, suốt chặng đường theo đuổi nghệ thuật của mình, cô đã vẽ nên dáng hình núi sông bằng giọng hát cao vút và thánh thiện. Tiếng hát của Anh Thơ đã vẽ dáng hình quê hương thân thương đến độ, ai nghe cũng nhận cô là đồng hương của mình, là hàng xóm, là người làng bên.
Chương 1 của Live concert Thơ đã khép lại với Tình đất (Tuấn Phương), Khúc hát sông quê (Lê Huy Mậu/Nguyễn Trọng Tạo), Hồ trên núi (Phó Đức Phương)... là tình yêu của nữ ca sĩ dành cho quê hương, xứ sở.
Chùm ca khúc về Tây Bắc: Chiếc khăn Piêu (Doãn Nho), Thơ tình của núi (An Thuyên), Người vùng cao là thế (Văn Hạnh).,.. mở màn chương 2. Chất giọng của Anh Thơ là soprano (nữ cao), vừa là ca sĩ, vừa là giảng viên thanh nhạc tại Nhạc viện nhưng khi hát Anh Thơ rất giản dị, không phô trương quá nhiều kỹ thuật nên được khán giả ở nhiều tầng lớp khác nhau yêu thích. Với chùm ca khúc về Tây Bắc, nữ ca sĩ như kéo cả núi rừng đại ngàn với bóng hình của núi, hương rừng, tiếng chim hót lảnh lót… về sân khấu. Bằng mắt nhìn, tay nghe, khán giả đã cảm nhận núi rừng Tây Bắc hùng vĩ rất Thơ.
Cặp song ca Trọng Tấn - Anh Thơ luôn ghi dấu ấn trong lòng khán giả nhưng ở live concert này, Anh Thơ lại chọn Tấn Minh để hát cùng. Nữ ca sĩ chia sẻ, với show này cô muốn hướng dòng nhạc trữ tình một chút nên mời Tấn Minh. Hai ca khúc Sao em lỡ vội lấy chồng, Tuỳ hứng qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến đã được Anh Thơ – Tấn Minh song ca đầy ngọt ngào. Không còn khoe quãng giọng vút cao, khán giả đắm chìm vào những thanh âm ngọt ngào và sự biến hóa tài tình của bộ đôi nghệ sĩ.
Tại chương trình, Anh Thơ dành lời tri ân cho nhà giáo Hồ Mộ La – người đã dìu dắt cô từ những ngày đầu đi hát. Anh Thơ bảo, không có cô giáo Hồ Mộ La, sẽ không có Anh Thơ của ngày hôm nay vì khi học hát cổ điển khó quá, Anh Thơ đã định từ bỏ nhưng khi cô giáo nói “khó không hát thì về quê mà cuốc đất”. Chính sự “mắng mỏ” đầy yêu thương đã giúp nữ ca sĩ vượt khó, vượt khổ để rèn luyện.
Anh Thơ cũng dành lời tri ân ngọt ngào cho mẹ - người phụ nữ đã vì cô mà hy sinh nhiều. “Tuổi thơ của tôi, 10 tuổi đã buôn bán ở ngoài chợ, đã kiếm được những đồng tiền riêng cho mình. Mẹ luôn bảo: Con Thơ vứt đâu nó cũng sống được”, Anh Thơ chia sẻ trên sân khấu.
Chương 3 Người đàn bà đi tìm mặt trời lại là thân phận của những người phụ nữ, 1 chương tự sự cao trào. Với những ca khúc như: Người đàn bà đi tìm mặt trời (Đức Tiến), Mùa thu cho em (Phạm Duy), Khúc mùa thu (Phú Quang),… dường như đó là lời tự sự của chính Anh Thơ và Anh Thơ đang hát cho chính mình, cho những người phụ nữ như mình.
Không phải là ca sĩ xuất sắc trong việc giao lưu với khán giả, cũng không có cách kể chuyện cuốn hút người nghe nhưng bù lại Anh Thơ lại có giọng hát khiến người nghe bị thôi miên. Anh Thơ thú nhận, hậu Covid-19, cô bị quên lời nhiều và ngay tại live concert này, với bài Nàng thơ xứ Huế, đoạn sau nữ ca sĩ cũng ‘đơ’ trên sân khấu vì không nhớ lời. Anh Thơ xin lỗi khán giả và không quên hài hước bảo “Lời thì quên mà tiền thì lại chả quên bao giờ”.
Theo Vietnamnet