Phát triển môn bơi lội trong cộng đồng dân cư

Xã hội - Ngày đăng : 05:55, 25/06/2022

Với hệ thống sông ngòi, ao hồ dày đặc và hệ thống ao bơi, bể bơi ngày càng nhiều cùng thành tích bơi lội của các thế hệ vận động viên, Hải Dương cần chú trọng phổ biến môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe của nhân dân và phòng chống tai nạn đuối nước.


Bơi lội cần được phát triển mạnh mẽ hơn để nâng cao sức khỏe và phòng chống tai nạn đuối nước. Ảnh: THẾ ANH

Tập luyện bơi lội không những rèn luyện sức khỏe, góp phần giáo dục thể chất mà còn là yếu tố cực kỳ quan trọng để phòng chống các vụ đuối nước.

Từ quần chúng tới đỉnh cao

Nhận thức được tầm quan trọng của bơi lội đối với việc nâng cao thể chất và phòng chống tai nạn, thực hiện đề án xây dựng ao bơi hợp vệ sinh khu vực nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới, đến ngày 23.6, Hải Dương đã xây dựng và hoàn thiện 36 ao bơi, bến bơi hợp vệ sinh ở 12 huyện, thị xã, thành phố. Ở TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Kim Thành... còn có hàng chục bể bơi tiên tiến hợp vệ sinh phục vụ thiếu niên, học sinh và nhân dân. Các bể bơi gắn liền với trường học, khu dân cư đều phát huy tác dụng tốt.

Trong nhiều thập kỷ qua, Hải Dương luôn là một trong 10 tỉnh, thành phố, ngành dẫn đầu cả nước về phong trào tập luyện bơi lội. 

Về thành tích gần đây, ngày 21.5, tại Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội) diễn ra các cuộc tranh tài của bộ môn lặn SEA Games 31, kình ngư Phạm Thị Thu của Hải Dương giành tấm huy chương vàng đầu tiên. Kết thúc kỳ SEA Games này, nữ kình ngư quê huyện Bình Giang đã giành 2 huy chương vàng và phá 2 kỷ lục SEA Games. Trước đó, từ ngày 25.11-1.12.2021, Đội tuyển bơi-lặn Hải Dương dự Giải bơi-lặn các vận động viên xuất sắc quốc gia năm 2021 tại Quảng Ninh, giành tổng cộng 21 huy chương. Trong đó, đội lặn giành 4 huy chương vàng, đều thuộc về kình ngư Phạm Thị Thu ở các nội dung 50 m, 100 m vòi hơi chân vịt, 100 m khí tài và 200 m chân vịt đôi. Tại nội dung bơi, đoàn Hải Dương giành tổng cộng 6 huy chương vàng...

Trong lịch sử, Hải Dương đã đào tạo và tuyển chọn được nhiều lớp vận động viên ưu tú. Năm 1943, tại Giải bơi vô địch Đông Dương diễn ra trên sông Sài Gòn, kình ngư Nguyễn Văn Cử, người Kim Thành giành chức vô địch. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, vận động viên Nguyễn Chí Lập đã cùng đồng đội giành huy chương vàng Ganefo Jakarta 1963 tại Indonesia. Đó chính là niềm tự hào của nền thể thao miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hằng năm, đoàn vận động viên bơi lội Hải Dương tham gia các giải bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng toàn miền Bắc và toàn quốc đều giành thứ hạng cao. Năm 1957, đoàn vận động viên Hải Dương giành chức vô địch toàn miền Bắc. Các giải bơi: vượt sông Hồng (Hà Nội), sông Đào (Nam Định), sông Văn Úc (Hải Phòng), biển Cửa Lục (Quảng Ninh), sông Mã (Thanh Hóa), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), sông Nhật Lệ (Quảng Bình)... những kình ngư Hải Dương tham dự đã giành nhiều thành tích xuất sắc. Đặc biệt, 2 lần tổ chức Giải bơi vượt sông truyền thống Bạch Đằng diễn ra tại sông Thái Bình (Hải Dương) các năm 1974 và 1979 đoạn từ Văn Thai (xã Cẩm Văn, Cẩm Giàng) về cầu Phú Lương (TP Hải Dương), Hải Dương đều giành giải ba toàn đoàn.

Để có những thành tích trên, do tỉnh đã tận dụng vị trí địa lý thuận lợi và nhận thức rõ lợi ích, tác dụng của tập luyện bơi lội. Hải Dương là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng bể bơi đơn giản gắn liền với sân vận động, trường học. Xã Nam Chính (Nam Sách) là nơi có bể bơi đầu tiên của cả nước đã phấn đấu toàn Chi đoàn biết bơi, toàn Đoàn xã biết bơi, toàn xã Nam Chính biết bơi, xóa nạn "mù bơi" trong toàn xã. Xã được Tổng cục Thể dục thể thao và Trung ương Đoàn Thanh niên tặng cờ thi đua tiên tiến về phong trào tập luyện bơi lội.


Tập bơi không những nâng cao thể chất mà còn phòng chống đuối nước hiệu quả. Ảnh: HOÀNG HÀ

Tác dụng thiết thực

Từ xa xưa, ông cha ta đã có câu "Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo", với hàm ý, trẻ con biết bơi lội sẽ mang lại an toàn cho bản thân chúng và gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra. Tập luyện bơi lội chẳng những rèn luyện sức khỏe, góp phần giáo dục thể chất, kéo dài tuổi thọ, phát triển toàn diện các tố chất nhanh-mạnh-bền-khéo, mà còn có tác dụng chữa bệnh. Đặc biệt bơi lội góp phần chữa bệnh cong vẹo cột sống đối với thanh thiếu niên. Bơi lội còn có tác dụng rất rõ rệt đối với hệ thống tuần hoàn, hệ bài tiết, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ hô hấp, giúp cho cơ bắp phát triển cân đối, toàn diện, thân hình thon đẹp. Luyện tập bơi lội giúp người tập rèn luyện ý chí, lòng dũng cảm, tính cần cù, chịu khó, ý thức tập thể, tính đồng đội rất cao.

Thường xuyên tập luyện bơi lội sẽ hình thành sức mạnh, sức nhanh, sức bền, linh hoạt, khéo léo. Từ đó, nâng cao khả năng vận động, góp phần phục vụ sản xuất, phục vụ quốc phòng, phòng chống lũ lụt...

Hải Dương nằm giữa trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, hồ ao, sông ngòi dày đặc, tạo điều kiện thuận lợi cho lớp lớp con em gắn liền với sông nước và là điều kiện cần thiết để rèn luyện, tập bơi phổ thông. Mặc dù vậy, những năm qua trong toàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Điều này đòi hỏi bơi lội phải là một nội dung cần được các cấp, ngành, địa phương quan tâm đẩy mạnh và phát triển hơn nữa trong các cộng đồng dân cư.

TRỊNH CÔNG QUYỀN