Xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 11:00, 25/06/2022

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên luôn là nội dung cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng.


Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là một trong các giải pháp làm cho Đảng vững mạnh. Trong ảnh: Đồng chí Vũ Hồng Hiên, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã thảo luận Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và thống nhất cao ban hành Nghị quyết về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Những điểm nhấn quan trọng

Nghị quyết có nhiều điểm nhấn quan trọng. Đó là xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc, từ cơ sở. Quan điểm chỉ đạo là tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí quan trọng trong hệ thống tổ chức của Ðảng. Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng phải gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của cấp ủy và bí thư cấp ủy. Các cấp uỷ viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng ở đảng bộ, chi bộ nơi mình sinh hoạt; gương mẫu tham gia sinh hoạt Đảng và chịu trách nhiệm khi tổ chức đảng nơi mình đang sinh hoạt yếu kém. Quan tâm xây dựng, tạo nguồn cán bộ cơ sở, lựa chọn bí thư chi bộ từ đảng viên ưu tú, có phẩm chất, năng lực tốt, được đảng viên, quần chúng tín nhiệm. Xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.  

Nghị quyết đưa ra mục tiêu cụ thể về kết nạp đảng viên và đánh giá tổ chức cơ sở đảng. Cụ thể, đến năm 2025, hằng năm có trên 90% số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 95% số bí thư, phó bí thư cấp uỷ cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 90% các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; phấn đấu 100% số thôn, bản có đảng viên. Giai đoạn 2020-2025, phấn đấu tỷ lệ kết nạp đảng viên mới hằng năm đạt từ 3-4% tổng số đảng viên. Đến năm 2030, hằng năm có trên 90% số tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; phấn đấu 100% số bí thư, phó bí thư cấp uỷ cơ sở có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; phấn đấu 100% số trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên. Phấn đấu 100% số thôn, bản, tổ dân phố có chi bộ; giai đoạn 2025-2030, phấn đấu tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đạt từ 3-4% tổng số đảng viên...

4 nhóm việc chính

Để triển khai hiệu quả nghị quyết này, cần tập trung vào 4 nhóm việc chính. Đó là triển khai tốt việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết thật sâu đến cán bộ, đảng viên. Tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về nghị quyết trên các kênh thông tin. Tăng cường đối thoại, mở chuyên mục hỏi - đáp, tọa đàm tìm hiểu về nghị quyết. Chuẩn bị tốt đội ngũ báo cáo viên. Nâng cao chất lượng các hội nghị quán triệt, triển khai học tập nghị quyết, nhất là đối với các hội nghị ở cơ sở. Khắc phục cho được tình trạng học nghe một chiều không đối thoại, không thảo luận... Thông qua học tập, mỗi cấp ủy, MTTQ và các đoàn thể, từng cán bộ, đảng viên phải nắm chắc nội dung của nghị quyết, nhất là quan điểm chỉ đạo và những giải pháp căn cơ; phải thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do có nhiều chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt".

Tiếp theo đó là hành động phải quyết liệt với quyết tâm chính trị cao. Trước hết, cấp ủy các cấp phải xây dựng cho được chương trình hành động của cấp mình thật cụ thể, phù hợp với đặc thù của đơn vị với phương châm “5 rõ”. Chương trình hành động phải được xây dựng trên cơ sở rà soát đánh giá thực trạng thật khách quan ưu điểm, khuyết điểm của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên ở đơn vị mình. Đồng thời bám sát vào mục tiêu và 4 nhóm giải pháp của nghị quyết nêu ra. Trên cơ sở đó, vận dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị để đưa ra chương trình hành động cụ thể, khoa học. Xác định rõ những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt của đảng bộ, chi bộ. Tạo môi trường để đảng viên rèn luyện, phấn đấu, nâng cao bản lĩnh chính trị...

Một giải pháp nữa là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Qua đó kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời củng cố các tổ chức đảng yếu kém; xử lý nghiêm các đảng viên thoái hoá, biến chất, vi phạm pháp luật và kỷ luật đảng, kịp thời và kiên quyết đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Cuối cùng, cần sự vào cuộc với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị.  MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội thông qua các hoạt động của mình, phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội, thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, tạo sự đồng thuận nhất trí cao. 

LÊ VĂN BẰNG
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy