Bí quyết tăng sức đề kháng cho trẻ để phòng bệnh mùa nóng
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:18, 26/06/2022
1. Nguyên nhân suy giảm sức đề kháng ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm sức đề kháng ở trẻ nhỏ. Từ sau 6 tháng tuổi là thời kỳ trẻ bắt đầu ăn dặm bổ sung và giai đoạn trẻ đi nhà trẻ, sang một môi trường hoàn toàn mới.
Những thay đổi trong sinh hoạt khi trẻ tiếp xúc với bên ngoài, cộng với thời tiết nắng nóng… khiến cho trẻ dễ có nguy cơ ốm vặt, mắc các bệnh truyền nhiễm như: Viêm họng, viêm mũi, viêm phổi… từ đó hệ miễn dịch của trẻ suy giảm. Khi ốm trẻ sẽ lười ăn, điều này khiến cho trẻ bị suy giảm sức đề kháng.
Một vấn đề gặp phải ở giai đoạn này là do cha mẹ hạn chế không cho con tiếp xúc với môi trường bên ngoài, vì nghĩ sức đề kháng của con còn non nớt, môi trường nóng bức, khói bụi nên sợ trẻ có nguy cơ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng, việc khuyến khích con trẻ vận động hợp lý và phù hợp với lứa tuổi, thời gian vào sáng sớm hoặc chiều muộn sẽ giúp ích cho việc tăng cường hệ miễn dịch và phát triển thể chất cho trẻ tốt hơn.
Điều dễ nhận thấy là ở thời gian này là trẻ hay ốm vặt, nên bị lỡ lịch tiêm phòng vaccine, chính vì thế khiến cho các kháng thể hữu hiệu khó có thể phát huy đầy đủ sức mạnh bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
2. Nhận biết khi sức đề kháng ở trẻ bị suy giảm
Nhìn chung với trẻ nhỏ hệ miễn dịch còn non nớt, nên môi trường, thời tiết nóng bức khắc nghiệt rất dễ khiến trẻ bị nhiễm bệnh bởi các virus, vi khuẩn tấn công. Chưa kể, khi mắc bệnh liên tục, trẻ sẽ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn: Sức khỏe giảm sút, chán ăn, mệt mỏi kéo dài, sụt cân, đề kháng kém, từ đó càng dễ tiếp tục mắc bệnh.
Và câu hỏi đặt ra được nhiều bậc cha mẹ băn khoăn là dấu hiệu nào cho thấy trẻ suy giảm sức đề kháng. Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Khi sức đề kháng bị suy giảm, trẻ sẽ thường xuyên ốm vặt, chán ăn. Các biểu hiện có thể thấy là trẻ thường xuyên mắc bệnh vặt như: Ho sốt, sổ mũi, viêm họng, đứng cân hoặc chậm tăng trưởng. Nấm miệng hoặc nấm da kéo dài… Thậm chí nặng hơn là viêm phổi, ốm nặng, mất nước… phải nhập viện.
Trẻ xuất hiện tình trạng mất nước qua biểu hiện khô da, niêm mạc môi lưỡi khô hoặc trẻ hay khát nước, mắt trũng, tiểu ít hơn, khi khóc không có nước mắt… Trẻ có biểu hiện lười ăn và có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như (tiêu hóa kém, kém hấp thu…). Điều này khiến trẻ thiếu dinh dưỡng, dẫn đến còi cọc và chậm phát triển.
3. Bí quyết để tăng sức đề kháng phòng bệnh mùa nóng
Trong mùa nóng cần cho trẻ uống đủ nước, bổ sung các loại nước trái cây nhiều vitamin như nước cam, dừa, dưa hấu… Chế độ ăn cần được chú trọng đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (ưu tiên các thực phẩm thanh mát, bổ dưỡng mùa nóng). Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc...
Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ. Các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám, sữa chua… cũng giúp tăng sức đề kháng cho trẻ.
Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C. Uống thêm các loại nước ép khác cũng giúp trẻ tăng cường sức đề kháng trong mùa nóng.
Cha mẹ cũng cần tập cho trẻ một lối sống lành mạnh: Đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D...
Điều quan trọng cha mẹ cần giữ môi trường sạch sẽ để tăng sức đề kháng cho trẻ. Môi trường sống cần thông thoáng và sạch sẽ để loại trừ mầm bệnh ra khỏi môi trường sống của trẻ. Mở cửa sổ vào ban ngày để đón gió trong lành và nắng sớm cho trẻ.
Tuyệt đối không hút thuốc lá để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm khói thuốc lá, sẽ gây hại đến sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, nên dạy cho trẻ tập thói quen vệ sinh thân thể, tắm gội thường xuyên, đánh răng sạch sẽ để phòng chống các vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh.
Thường xuyên cho trẻ vận động cơ thể để giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, vào mùa nóng thì chọn thời gian sớm hoặc chiều tối để cho trẻ đạp xe, bơi lội, đá bóng… sẽ giúp trẻ ăn được nhiều hơn, năng động, hòa đồng và nhất là tăng cường kháng thể tự nhiên hiệu quả.
Giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn trong việc củng cố, cải thiện sức đề kháng của trẻ. Vì thế, nên tập cho trẻ đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Nếu thiếu ngủ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn do giảm các tế bào miễn dịch tự nhiên và còn khiến cho trẻ khó chịu, tinh thần không tỉnh táo.
Ngoài ra, cha mẹ hướng dẫn, khuyến khích trẻ rửa tay, ra ngoài cần đeo khẩu trang… cũng là một biện pháp phòng bệnh lây nhiễm hiệu quả cho trẻ.
Theo Sức khỏe và Đời sống