Khai thác "viên ngọc thô" du lịch Thanh Hà

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:50, 27/06/2022

Mới đây, tôi cùng một nhóm đồng nghiệp có dịp về thăm tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn ở thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà).


Du khách thích thú được nhìn ngắm, thu hoạch vải tại vườn

So với cách đây vài năm, lần này trở lại tôi thấy chị chủ vườn vải đã biết cách làm du lịch. Nếu như mấy năm trước, khu vực này mới chỉ có gia đình chị Phạm Thị Liêm mở vườn đón khách thì nay mấy hộ xung quanh cũng sắm thuyền, tổ chức đưa khách đi du ngoạn ngắm vải dọc sông Đồng Mẩn. Ngoài đưa khách tham quan dọc sông, giữa những luống vải, chị Liêm còn thả sen, làm cầu để khách có thêm những điểm chụp ảnh đẹp. Không chỉ được thỏa thuê ngắm cảnh, thưởng thức những quả vải vừa hái trên cây xuống, du khách còn tha hồ lựa chọn những chùm vải tươi ngon được chăm sóc theo quy trình VietGAP mang về làm quà tặng. Có hộ còn bán cả mít, chuối, roi… trồng ngay trong khu chuyển đổi này. Du khách trải nghiệm tại vùng vải đều rất thích thú. Có người ví đây như miệt vườn miền Tây ngay giữa lòng Hải Dương.

Tuy nhiên, từ buổi trải nghiệm mới đây, tôi cũng thấy cách làm du lịch của bà con nơi đây vẫn còn một số điểm đáng bàn. Đường vào khu vực này đã được đầu tư nên khá rộng, đẹp, có bãi đỗ xe. Song từ bãi đỗ xe vào các vườn vải đường đi còn nhỏ. Trên những chiếc thuyền chở khách du ngoạn dọc theo sông, điều dễ nhận thấy là cả người chèo thuyền lẫn khách đều không có áo phao, thuyền cũng khá nhỏ, mùa vải chín lại là mùa nước lớn nên vấn đề an toàn cho khách là điều đáng được quan tâm. Dọc trục đường đi vào vườn vải, tôi thấy các chủ vườn liên tục nhắc nhở du khách không nên vặt vải ở những cây ven đường mà cần vào hẳn trong vườn. Có chủ vườn đã chuẩn bị hẳn những túm vải để mời khách. Nhưng những người tới vườn hầu hết đều thích cảm giác được tự mình trèo cây, hái quả và thưởng thức những quả vải tươi rói do chính tay mình hái. Vào khu vực thả sen cũng có người không kìm được thích thú mà hái những bông sen để thêm phụ kiện chụp ảnh cho đẹp. Khách cho rằng họ đã vào vườn thì  được tự do hái quả giống như khi vào du lịch miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Nhưng chủ vườn lại không hài lòng về điều này. Và với một người nông dân chưa quen làm du lịch, họ chưa biết cách giải thích, tuyên truyền để khách hiểu nên có khi phản ứng thái quá, tạo ấn tượng không tốt.

Giá mà trước lúc khách xuống xe, hướng dẫn viên phổ biến trước một số quy định khi vào tham quan vùng vải để du khách nắm được. Giá mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện Thanh Hà hay ai đó, cơ quan nào đó làm các tờ rơi cung cấp thông tin về vải thiều Thanh Hà, các điểm tham quan khi tới Thanh Hà, các dịch vụ, nhà hàng và cả những thông tin cần chú ý khi vào vườn vải để phát cho khách. Trước cửa các vườn vải cần treo nội quy khi vào vườn. Tôi tin rằng, khi được phổ biến trước, du khách sẽ hiểu và vui vẻ thực hiện.

UBND huyện Thanh Hà đã phê duyệt Đề án "Phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà giai đoạn 2021-2025". Theo đề án, giai đoạn 1 từ năm 2021-2023, huyện tập trung đầu tư và khai thác khu miệt vườn Đồng Mẩn-Đồng Quao ở xã Thanh Khê. Ngoài tham quan vùng vải, Thanh Hà sẽ làm đường bê tông nội đồng cho khu vườn ổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Liên Mạc; cải tạo nhà thủy đình cho phường rối nước xã Thanh Hải... Giai đoạn 2 từ năm 2024-2025, huyện tập trung đầu tư và khai thác khu vực bãi Soi ở xã Thanh Xuân và vùng bảo tồn khai thác rươi, cáy ở xã Vĩnh Lập…

Miệt vườn sông nước Thanh Hà hiện như một “viên ngọc thô”, các hoạt động du lịch mới chỉ bắt đầu. Bản chất của làm du lịch là bán đi cái khách hàng có thể khám phá, thưởng ngoạn... Đôi khi sản phẩm du lịch chứa đựng cả cái ngây thơ hồn nhiên trong đó để hút khách. Nhưng nếu để ý kỹ thì sự "ngây thơ" của những nơi làm du lịch chuyên nghiệp đều có sự sắp đặt, có ý đồ nếu không nói là ý tưởng. Bởi vậy ngay từ đầu chúng ta phải học cách làm du lịch một cách bài bản, tạo ấn tượng thật đẹp với du khách để họ không chỉ đến một lần mà sẽ trở lại, kéo thêm nhiều bạn bè, người thân cùng ghé thăm.

KIM THANH