Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng: 50 cán bộ diện trung ương quản lý bị kỷ luật
Tin tức - Ngày đăng : 16:03, 28/06/2022
Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học - Ảnh: THÀNH CHUNG
Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức vào sáng 28.6, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho biết hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 do Bộ Chính trị chủ trì tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 30.6.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực - sẽ chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức tập trung tại hội trường Trung ương Đảng và được truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành trung ương, 63 tỉnh, thành ủy; nhiều địa phương kết nối trực tuyến đến các điểm cầu ở cấp huyện, cấp xã.
Cụ thể, cả nước có hơn 4.100 điểm cầu, trong đó 44 địa phương tổ chức điểm cầu đến cấp huyện, xã với hơn 500 điểm cầu cấp huyện, hơn 3.500 điểm cầu cấp xã.
Theo Ban Nội chính trung ương, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương (tháng 2-2013) đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt.
Tham nhũng đang "từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm", góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức Đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1.083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý.
Đặc biệt, thời gian gần đây đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Về công tác thu hồi tài sản tham nhũng, Ban Nội chính cho biết đã có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,7% (năm 2013, tỉ lệ này chỉ đạt dưới 10%).
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 41,3%.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hằng năm có xu hướng giảm dần; riêng năm 2021, 100% địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng.
Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên...
Theo Tuổi trẻ