Thiếu giáo viên nghệ thuật: Cần cơ chế để có đủ nguồn nhân lực

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:11, 30/06/2022

Các trường đại học cũng gặp nhiều khó khăn, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu vì phần đông các bạn trẻ hiện nay không quan tâm tới các ngành sư phạm nói chung, trong đó có sư phạm nghệ thuật.

Thieu giao vien nghe thuat: Can co che de co du nguon nhan luc hinh anh 1

Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên, môn nghệ thuật (gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật) được đưa vào là môn tự chọn ở cấp Trung học Phổ thông.

Đây được xem là một điểm sáng trong chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc chính là việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực giảng dạy bộ môn này.

Các trường “trắng” giáo viên nghệ thuật

Ghi nhận từ các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, năm học này, đa số các trường chưa thể triển khai môn Nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 10, do chưa tuyển được giáo viên.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Hiện 43/46 trường trung học phổ thông của tỉnh chưa có giáo viên các môn Nghệ thuật và nguồn tuyển cũng rất khó khăn.

Tại Gia Lai, hiện cũng chưa trường trung học phổ thông nào trên địa bàn tỉnh có giáo viên các môn học mới này. Theo ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, dù có nhiều cố gắng trong công tác tuyển dụng nhưng địa phương này không thể đáp ứng được nhu cầu giáo viên ở mức tối thiểu để duy trì việc dạy và học.

Cùng chung khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyển mới giáo viên nhưng có rất ít hồ sơ dự tuyển, khi phỏng vấn chỉ có vài ba người.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với Trường Đại học Tây Bắc về đào tạo và cung ứng nhân lực cho địa phương, tuy nhiên, với ngành học như âm nhạc, mỹ thuật, sinh viên khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập hấp dẫn hơn là về miền núi dạy học nên ít người lựa chọn.

Vào thời điểm năm học mới đã cận kề, 88 trường trung học phổ thông tại tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có giáo viên môn nghệ thuật.

Bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các môn âm nhạc, mỹ thuật, Sở đã ban hành công văn hướng dẫn các trường Trung học phổ thông tìm nguồn các sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường chưa được tuyển dụng; kết nối với Phòng giáo dục tìm hiểu trên địa bàn có giáo viên dạy trung học cơ sở, tiểu học đủ điều kiện dạy trung học phổ thông để hợp đồng dạy. Đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên 2 bộ môn này trong năm học tới…

Đề cập đến khó khăn chung của các địa phương về việc thiếu giáo viên trong thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết lãnh đạo các tỉnh, thành phố đang chỉ đạo rất ráo riết việc cần phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên, tăng cường chỉ tiêu đào tạo cho các lĩnh vực này trong các trường sư phạm để dần dần tiến từng bước có thể đảm bảo được đầy đủ giáo viên cho các nội dung trong chương trình mới.

Theo Bộ trưởng, lo ngại về thiếu giáo viên là lo lắng đúng nhưng thực hiện cần có lộ trình chuẩn bị chứ cũng không thể một sớm một chiều.

Nhiều giải pháp bổ sung nguồn tuyển

Với vai trò là một trong những cơ sở đào tạo, cung cấp đội ngũ giáo viên nghệ thuật cho các trường phổ thông trong cả nước, từ năm 2018, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương chia sẻ, để có nguồn nhân lực đủ về lượng, tốt về chất không hề đơn giản bởi nhiều nguyên nhân.

Trước hết, do những năm học trước, các trường trung học phổ thông không dạy môn Nghệ thuật nên đều chưa có biên chế giáo viên.

Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên môn này vẫn tồn tại ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các thành phố lớn nên việc mời giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở cấp dưới lên dạy cấp trên cũng hết sức khó khăn.

Thieu giao vien nghe thuat: Can co che de co du nguon nhan luc hinh anh 2

Thêm vào đó, nguồn đào tạo giáo viên nghệ thuật tại các trường đại học cũng gặp nhiều khó khăn, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu vì phần đông các bạn trẻ hiện nay khi chọn ngành, chọn trường đại học không quan tâm tới các ngành sư phạm nói chung, trong đó có sư phạm nghệ thuật.

Sinh viên các trường được đào tạo về sư phạm nghệ thuật hoặc nghệ thuật hiện nay cũng có rất nhiều cơ hội việc làm, nhiều em không đi làm đúng nghề mà chuyển hướng sang những công việc khác có thu nhập cao hơn, thay vì trở thành giáo viên nghệ thuật...

Khuyến nghị giải pháp bổ sung nguồn giáo viên dạy nghệ thuật cấp trung học phổ thông, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Đăng Phượng cho rằng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật là các môn học tự chọn, học sinh có thể chọn hoặc không.

Do đó, tùy theo điều kiện của từng trường, tùy vào số lượng học sinh đăng ký mà các trường có thể tổ chức dạy trực tiếp hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy học. Như vậy, có thể vận dụng một giáo viên dạy cho một số trường trung học phổ thông, bảo đảm thuận lợi, phù hợp, chất lượng, hiệu quả.

Nội dung dạy học nghệ thuật ở trung học phổ thông theo định hướng giúp học sinh tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến năng khiếu và sở trường của học sinh, do đó, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Đăng Phượng gợi ý các trường có thể mời các nghệ nhân, nghệ sỹ, các chuyên gia về lĩnh vực này đến dạy một số chuyên đề.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế để các trường sư phạm đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật (hoặc các trường Văn hóa nghệ thuật của địa phương) liên kết với các trường trung học phổ thông trên địa bàn để đưa giảng viên, giáo viên đến dạy tại trường.

Như vậy, cả hai bên đều có thể giúp đỡ nhau để đạt hiệu quả, trường trung học phổ thông có giáo viên dạy tốt, chuyên nghiệp mà không cần bổ sung biên chế, trường sư phạm giải quyết được bài toán thừa giáo viên, thiếu giờ dạy.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông có năng khiếu nghệ thuật, tạo nguồn đào tạo có chất lượng cho các trường nghệ thuật sau khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.

Với các trường sư phạm có đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật trình độ đại học, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đề xuất, các trường cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật. Bộ cần tạo điều kiện để mở các khóa học bồi dưỡng bổ sung kiến thức dạy học ở trung học phổ thông (bằng các môđun, tín chỉ) cho đối tượng nghệ nhân, nghệ sỹ, giảng viên âm nhạc, mỹ thuật của các trường văn hóa mghệ thuật, các sinh viên nghệ thuật đã tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, từ đó giúp họ có kiến thức sư phạm, phương pháp và cách tiếp cận mới để có thể tham gia dạy học tốt ở bậc trung học phổ thông.

Theo TTXVN