Các trường THPT sốt ruột chờ quyết sách về môn lịch sử
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 14:13, 01/07/2022
Việc môn lịch sử sẽ được dạy như thế nào trong các nhà trường vẫn chưa có quyết định chính thức. (Ảnh minh họa: PM/Vietnam+)
Chỉ còn hai tháng nữa, năm học 2022-2023 đã chính thức bắt đầu nhưng đến thời điểm này, việc môn lịch sử sẽ được dạy như thế nào đối với lớp 10 trong các trường THPT vẫn chưa được quyết định rõ ràng.
Sốt ruột chờ đợi
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018 và sẽ triển khai ở bậc THPT từ năm học tới, lịch sử là môn lựa chọn ở bậc THPT.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến cho rằng lịch sử nên là môn bắt buộc, Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vừa được Quốc hội ban hành yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo “nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”.
Các nhà trường đang sốt ruột đợi chờ vì việc môn lịch sử là bắt buộc, lựa chọn, hay vừa có phần lựa chọn, vừa có phần bắt buộc sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng chương trình năm học, kế hoạch nhân sự. Điều này thậm chí ảnh hưởng cả kế hoạch tuyển sinh của các trường vốn sẽ triển khai ngay từ đầu tháng bảy.
Theo thầy Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), việc môn lịch sử là môn bắt buộc, lựa chọn, hay vừa lựa chọn vừa bắt buộc sẽ quyết định số tiết giảng dạy trong các nhà trường. Số tiết của môn học bắt buộc nhiều hơn với khoảng 2 tiết mỗi tuần, trong khi nếu môn lựa chọn hoặc vừa lựa chọn vừa bắt buộc, số tiết sẽ có thể giảm còn 1 hoặc 1,5 tiết/tuần. Theo đó, nhu cầu về số lượng giáo viên môn lịch sử sẽ khác nhau.
“Bộ cần sớm có thông tin chính thức và có hướng dẫn đề các nhà trường thực hiện, chuẩn bị các kế hoạch giảng dạy tương ứng, đặc biệt là kế hoạch nhân sự phù hợp,” thầy Dỵ nói.
Đây cũng là chia sẻ của thầy Dương Hai Bảy Mươi, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên, Hà Nội). Theo vị hiệu trưởng này, các nhà trường đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch năm học mới, vì vậy, với việc môn lịch sử chưa có quyết định rõ ràng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chuẩn bị về mọi phương diện của nhà trường.
“Với những trường vốn đã thiếu hoặc thừa giáo viên môn lịch sử lại càng sốt ruột vì việc dạy môn học này như thế nào sẽ quyết định số lượng nhân sự cần thiết là bao nhiêu,” ông Dương Hai Bảy Mươi nói.
Cần quyết định sớm
Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có thông tin chính thức và có hướng dẫn để các trường thực hiện nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc dạy và học trong năm học tới, đặc biệt khi đây lại là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, vốn đã có rất nhiều khó khăn hơn các năm học trước.
“Nếu công bố muộn, các trường sẽ vẫn phải thích nghi nhưng không thể làm tốt công tác chuẩn bị. Điều này tất nhiên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học khi triển khai,” ông Dương Hai Bảy Mươi nói.
Tại Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cho hay vì quá sốt ruột chờ đợi thông tin về môn lịch sử, ngày 29.6, trường đã quyết định họp đội ngũ và sẽ bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch chương trình năm học mới từ ngày mai theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó môn lịch sử vẫn theo phương án chính thức hiện nay là môn học lựa chọn. Sau khi có quyết định chính thức về môn lịch sử, trường sẽ điều chỉnh kế hoạch phù hợp.
Bà Nhiếp cho hay hằng năm, trường thường bắt đầu xây dựng kế hoạch năm học mới ngay từ cuối tháng năm, dành cả đợt hè để hoàn thiện và sang tháng tám kịp trình Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đồng thời có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo trước năm học mới.
“Tuy nhiên, giờ đã hết tháng sáu, chúng tôi đã chờ đợi quá lâu và làm ảnh hưởng, chậm rất nhiều kế hoạch của trường,” bà Nhiếp chia sẻ.
Là một hiệu trưởng, cũng như lãnh đạo các trường THPT khác, bà Nhiếp cũng băn khoăn về vấn đề nhân sự. “Nếu dạy hai tiết mỗi tuần, số biên chế giáo viên phải tăng lên, kế hoạch dạy học cũng phải thay đổi,” bà Nhiếp nói.
Cũng theo bà Nhiếp, sau ba năm phải điều chỉnh kế hoạch dạy và học liên tục vì dịch COVID-19, các nhà trường cũng đã thích ứng với việc linh hoạt trong kế hoạch chương trình. Tuy nhiên, việc này sẽ mất thời gian và gây ức chế cho giáo viên.
Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa cũng rất lo lắng và sốt ruột khi theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được các nhà trường triển khai từ ngày 10.7 tới đây, trong khi lịch sử là môn học như thế nào vẫn chưa được quyết định rõ ràng.
“Trường dự kiến sẽ mời phụ huynh đến tư vấn để từ chiều ngày 10.7, phụ huynh có thể nộp hồ sơ cho con, nhưng chúng tôi sẽ tư vấn thế nào nếu chưa biết môn lịch sử sẽ được tổ chức dạy và học trong các nhà trường theo hướng nào?” bà Nhiếp đặt câu hỏi.
Đây cũng là băn khoăn của thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Thầy Bình cho hay việc lịch sử thành môn bắt buộc, môn lựa chọn hay vừa có phần bắt buộc, vừa có phần lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng các tổ hợp trong nhà trường và nhiều vấn đề khác. Vì cách dạy môn lịch sử chưa rõ ràng nên khi phụ huynh đặt câu hỏi liên quan, nhà trường cũng lúng túng chưa biết trả lời như thế nào.
Theo đó, hiệu trưởng các trường đều bày tỏ mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có công bố, sớm có hướng dẫn trong việc dạy và học môn Lịch sử.
Theo Vietnam+