Người dân ở Kinh Môn hút nước ngầm lên bán, quản lý thế nào?
Môi trường - Ngày đăng : 05:37, 03/07/2022
Các giếng nước ngầm thường ở khu vực sườn núi, trong vườn của các hộ dân nên chính quyền địa phương khó kiểm soát việc khai thác. Trong ảnh: Một giếng nước ngầm của người dân ở xã Lê Ninh được khai thác và bán cho các hộ lân cận để sử dụng
Tự phát
Hơn 1 năm nay, gia đình ông Ninh Văn Mỳ ở thôn Ninh Xá, xã Lê Ninh lắp thêm đường ống, đồng hồ để sử dụng nước ngầm. Nước ngầm được nhà ông mua từ một hộ trong thôn với giá 6.000 đồng/m3. Ông Mỳ cho biết: “Trong thôn có hộ khai thác được nguồn nước ngầm với trữ lượng lớn nên gia đình tôi lắp đặt để sử dụng thêm. Nước ngầm được gia đình tôi dùng trong ăn uống, còn nguồn nước máy được dùng cho các nhu cầu sinh hoạt khác. Giá nước ngầm rẻ hơn so với nước ở nhà máy nên nhiều hộ lắp đặt để dùng. Vào mùa khô, nguồn nước ngầm bị hạn chế thì chúng tôi chuyển sang sử dụng nước sạch từ nhà máy”.
Tương tự, gia đình anh Mạc Văn Tám ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa cũng mua thêm nước ngầm để sử dụng. Theo anh Tám, nguồn nước này không chỉ rẻ mà cũng sạch, bảo đảm chất lượng hơn do được lấy từ sâu trong lòng đất. Ở Hiệp Hòa, hầu hết các hộ sống ven núi đều sử dụng nguồn nước ngầm này. Một số hộ tự khoan giếng để sử dụng, nhưng cũng có hộ khoan giếng lấy nước ngầm với mục đích kinh doanh.
Việc người dân dùng song song 2 nguồn nước không chỉ gây nguy cơ suy giảm nguồn nước ngầm mà còn gây khó khăn trong công tác điều hành, quản lý của doanh nghiệp cung cấp nước sạch tập trung trên địa bàn. Bà Ninh Thị Láng, nhân viên Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng phụ trách khu vực thôn Ninh Xá cho biết: “Chỉ tính riêng thôn Ninh Xá có khoảng 300 hộ đang sử dụng cả nước ngầm và nước máy. Do dùng cả 2 nguồn nước nên có tình trạng một số hộ lợi dụng tự đấu nước máy không qua đồng hồ. Khi đi chốt số nước, nhân viên có hỏi thì họ trả lời không dùng nước của nhà máy mà chỉ sử dụng nước ngầm. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý nguồn nước”.
Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lê Ninh cho biết, địa phương có 300 ha đồi núi, người dân sinh sống ven dãy An Phụ. Trước đây, khi chưa có nước sạch tập trung, người dân chỉ sử dụng nước mưa và nước ngầm. Các hộ tự đào giếng để dùng. Từ năm 2015 trở lại đây, nhà máy nước sạch Bạch Đằng có dự án cung cấp nước cho toàn bộ khu dân cư trên địa bàn xã. Cùng với đó việc khai thác nước trong thời gian dài khiến các giếng cạn dần hoặc chất lượng không bảo đảm nên phần lớn hộ dân chuyển sang sử dụng nước sạch tập trung. Tuy nhiên, một số hộ khai thác được mạch nước ngầm ở tầng sâu với trữ lượng nước lớn, dùng không hết nên bán cho các gia đình khác ở trong thôn, xóm để cùng sử dụng. Hiện trên địa bàn xã có 3 hộ kinh doanh nước ngầm cung cấp cho trên 500 hộ dân. Xã đã yêu cầu các hộ này ký cam kết không mở rộng lượng khách hàng để tránh tình trạng suy giảm nguồn nước ngầm và ảnh hưởng đến việc cấp nước của công ty nước sạch.
Nguy cơ ô nhiễm, suy giảm nguồn nước
Ở hầu hết các xã, phường khu vực miền núi như Lê Ninh, Hiệp Hòa, Phạm Thái… đều có một số hộ đang khai thác nguồn nước ngầm với mục đích kinh doanh. Giá bán nước ngầm của các hộ khác nhau, dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/m3, thu tiền theo quý. Giá rẻ, lại thu tiền theo quý nên nhiều hộ dù đã lắp đặt nước sạch từ nhà máy vẫn mua thêm nước ngầm. Việc người dân khai thác nước ngầm đều mang tính chất tự phát. Do vậy, chính quyền địa phương khó kiểm soát số hộ khai thác sử dụng cũng như chất lượng nguồn nước.
Theo ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa, hiện nay 100% số hộ sống ở khu vực ven núi đều dùng nước ngầm. Ở thôn Châu Bộ có 2 hộ dân khai thác và bán nước ngầm cho khoảng 300 hộ dân trong thôn. “Theo quy định, các hộ phải được cấp phép mới đủ điều kiện để khai thác và kinh doanh nguồn nước ngầm nhưng dù chưa được cấp phép các hộ này vẫn tự ý kinh doanh”, ông Quân nói.
Về chất lượng nước, tuy các hộ kinh doanh có mang mẫu nước đi kiểm tra tại các trung tâm nhưng việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước không theo định kỳ.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: “Trước đây, đơn vị đã lấy mẫu nước ngầm ngẫu nhiên ở một số địa phương để kiểm tra. Kết quả cho thấy tại thời điểm kiểm tra, chất lượng nước cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm tại một số khu vực đang được người dân khai thác bừa bãi sẽ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt. Nếu không được kiểm soát thường xuyên dễ dẫn đến chất lượng nguồn nước bị suy giảm, nước ngầm dễ lẫn các tạp chất gây hại đến sức khỏe người sử dụng".
Vấn đề khai thác nước ngầm bừa bãi ở Kinh Môn cần được xử lý kịp thời.
PHẠM NGUYÊN