Kình ngư vượt qua nghịch cảnh

Trong tỉnh - Ngày đăng : 09:14, 03/07/2022

Với thể lực cực tốt, thể hình cân đối và sải tay dài, kình ngư Phạm Thị Thu là người chiến thắng mọi "cuộc đua" với các bạn trên sông nước. Ít ai biết được em đã phải nỗ lực ra sao để vượt qua nghịch cảnh trớ trêu khi người thân cứ lần lượt ra đi.


Vượt qua mọi biến cố, giờ đây Phạm Thị Thu đã trở thành một kình ngư mạnh mẽ, sẵn sàng chinh phục bất cứ đường đua xanh nào (ảnh nhân vật cung cấp)

Ai cũng có những nỗi đau sâu kín. Nhưng nỗi đau ấy không phải mang ra để gặm nhấm, thở than. Mà nỗi đau ấy phải được coi là một thử thách để bước qua và đạt đến thành công. Phạm Thị Thu - nữ kình ngư số 1 Việt Nam ở thời điểm hiện tại là một người như thế.

Những thành tích vô tiền khoáng hậu

Trở về sau SEA Games 31, Phạm Thị Thu lại lao vào tập luyện để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ở ngay lần đầu tiên tham dự SEA Games, cô gái quê thôn Hà Tiên, xã Thái Dương (Bình Giang) này đã giành 2 huy chương vàng và phá 2 kỷ lục quốc gia. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại Thu là vận động viên lặn tốt nhất của Việt Nam trong vòng 6-7 năm qua.

Cho đến hiện tại, vô địch SEA Games 31 là thành tích cao nhất Thu từng giành được ở đấu trường quốc tế. Trước đó, khi mới 17 tuổi, nữ kình ngư này giành 3 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 3 huy chương đồng Giải lặn vô địch và vô địch trẻ châu Á 2019 tại Sơn Đông (Trung Quốc). Thành tích của Thu góp công lớn giúp đội tuyển lặn trẻ Việt Nam đứng thứ ba toàn đoàn. Còn trong nước, Phạm Thị Thu là cái tên không thể thiếu trên bục nhận huy chương ở các giải đấu. 11 kỷ lục quốc gia Thu đang sở hữu là một thành tích vô tiền khoáng hậu, chưa từng có một vận động viên bơi lặn nào giành được. Nói về thành tích của Thu thì nhiều lắm, nhưng có thể gói gọn một câu "Chưa có giải đấu nào Thu không giành được huy chương". Có những giải, Phạm Thị Thu "gánh team" cho cả tuyển lặn Hải Dương. Ví như Giải bơi-lặn vô địch quốc gia bể 25m năm 2022 tại Thừa Thiên - Huế, 4tấm huy chương vàng, 2 huy chương bạc của đoàn Hải Dương đều thuộc về Phạm Thị Thu. Cô gái này giành huy chương vàng các nội dung: 50, 100, 200, 400 m vòi hơi chân vịt, vòi hơi chân vịt đôi và huy chương bạc các nội dung 50, 100 m vòi hơi chân vịt và vòi hơi chân vịt đôi. Với thành tích này, Hải Dương xếp thứ 4/17 đoàn thi đấu, tăng 1 bậc so với giải năm 2021. Đồng thời, Phạm Thị Thu cũng là vận động viên Hải Dương đầu tiên được xác định chắc suất dự SEA Games 31.

Bắt đầu vào độ chín của một vận động viên bơi lặn. Con đường của Thu còn dài lắm. Và những kỷ lục mới đang chờ đợi em phía trước. Ánh mắt long lanh, cương nghị của cô gái tròn 20 tuổi nói với tôi điều đó. Và tôi tin em, cũng như mọi người đã tin tưởng khi chứng kiến em đã vượt qua được vô vàn tầng bậc của áp lực, nỗi buồn trong cuộc sống.

Năm 2016 mẹ mất vì bạo bệnh. Đó là cú sốc nặng đầu đời với một cô gái vừa mới lớn. Vào Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao được 4 năm, sau biến cố ấy, Thu phân vân trước bao con đường mờ mịt phía trước và câu hỏi lớn luôn lởn vởn trong đầu: Dừng lại hay bước tiếp? Ở trung tâm, thầy Phạm Đăng Khoa là người gần gũi, sẻ chia giúp em bình tâm trở lại. Những lúc cuối tuần, Thu lại đạp xe về, ùa vào lòng bố và anh trai để vơi đi nỗi nhớ mẹ. Nhưng chẳng bao lâu, người anh trai cũng mất. Câu hỏi "Dừng lại hay đi tiếp?" tiếp tục trở lại trong đầu.

- Đi tiếp thì không biết thế nào. Còn quay về thì không biết làm gì. Hay về lấy chồng rồi làm công nhân như các bạn ở quê? - Thu có lần kể với tôi như thế.

Mẹ và người anh trai duy nhất mất đi, Thu chỉ còn biết bấu víu và lấy bố làm điểm tựa tinh thần. Những áp lực trong cuộc sống, những nặng nhọc trong luyện tập đều được em đổi thành nước mắt mỗi lần gặp bố. Nhưng những đắng cay trong cuộc sống chưa buông tha em, nó như những cơn sóng dữ, hết lớp này sang lớp khác ập lên đầu cô gái trẻ. Rồi bố cũng mất sau một thời gian dài bệnh tật...

Không còn từ ngữ nào nói hết được sự khốn cùng khi ấy. Cô gái mới lớn nuôi dưỡng ước mơ trở thành vận động viên chuyên nghiệp chỉ còn một mình bơ vơ, lạnh lẽo, không biết đâu là nơi bấu víu.

Các thầy cô ở trung tâm, các bạn bè trong đội tuyển lo lắng về một viễn cảnh Thu sẽ bỏ về. Nếu Thu bỏ ngang, tiếc lắm, bởi họ đã nhìn thấy trong em là một tài năng bơi lội đang ẩn giấu. Nếu được uốn nắn, được tạo điều kiện tập luyện và thi đấu thì đường đến ngày vinh quang của Thu không còn xa nữa. Họ đã lo sợ Thu suy nghĩ thành tích mà làm gì khi không còn một người thân ruột thịt. Có giành được thành tích thì ai sẽ là người chia sẻ vinh quang?

Người ta nói "Cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra". Câu này hoàn toàn đúng với Phạm Thị Thu. Ai cũng có những đớn đau sâu thẳm, nhưng nỗi đau ấy không phải mang ra gặm nhấm, than vãn, mà nỗi đau ấy là một thử thách để Thu vượt qua.

Thời điểm ấy, Thu như một chú cá con côi cút dưới làn nước lạnh. Em ngâm mình trong nước để nỗi buồn dịu lại và để những giọt nước mắt mặn chát hòa vào dòng nước. Thu lao vào tập luyện quên ngày, quên tháng, tập tới mức ít khi nào áo quần ráo nước. Tập luyện để vơi bớt nỗi buồn, và tập luyện là con đường duy nhất để em bước tiếp, xây đắp sự nghiệp đỉnh cao của mình.

Khi còn sống, cha mẹ luôn ước ao sẽ có một ngày cùng con chia sẻ khoảnh khắc vinh quang. Nay vinh quang thì bố mẹ không còn nữa. Song những gì Thu đang làm và sẽ làm, là một cách để em làm thỏa ước mong của các bậc sinh thành.

20 tuổi, cao 1m74, sải tay dài, thể lực tốt - những yếu tố quan trọng của một vận động viên bơi lội, cộng với ý chí, nghị lực phi thường, hứa hẹn Thu sẽ có những thành công mới, mang vinh quang về cho tỉnh và cho Tổ quốc. Nói về cô học trò của mình, huấn luyện viên Phạm Đăng Khoa cho biết Thu có sức rướn mạnh mẽ, kỹ thuật toàn diện và ý thức tập luyện nghiêm túc. Thu được kỳ vọng lớn sẽ giành thành tích cao tại Đại hội Thể thao toàn quốc sắp tới. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, Thu từng giành tấm huy chương vàng quý giá ở nội dung 100 m vòi hơi chân vịt nữ với thành tích 40 giây 62, phá kỷ lục quốc gia. Chưa vận động viên lặn nào của Hải Dương có thành tích tương tự ở một kỳ đại hội.


Nụ cười rạng rỡ của kình ngư Phạm Thị Thu tại SEA Games 31 (ảnh nhân vật cung cấp)

Gác lại nỗi buồn

Không nhắc lại những nỗi buồn đã trải qua, Thu kể với tôi giờ đang theo học Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Em sẽ cống hiến và thi đấu với năng lượng tích cực nhất, khi không còn thi đấu, nếu được, em sẽ chuyển sang làm công tác huấn luyện. Các vận động viên bơi lội của Hải Dương nhiều em có tiềm năng lớn, nếu được rèn giũa thì hoàn toàn có thể thi đấu đỉnh cao.

- Vận động viên bơi lội nào là người em thần tượng?

Tôi bất ngờ hỏi, và không do dự, em nói:

- Em thần tượng... chính em!

Một câu trả lời bất ngờ nhưng đã nói lên rất nhiều điều về cô gái vàng của bơi lội quốc gia này. Quả là như vậy, nếu em không tôn trọng, không thần tượng bản thân mình thì em đã dễ dàng buông bỏ sự nghiệp kể từ khi các biến cố gia đình liên tục xảy ra. Thần tượng bản thân và em đã vượt qua được chính mình, vượt qua thần tượng để viết tiếp ước mơ, dù con đường phía trước còn nhiều chông gai lắm.

Sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp. Ấu thơ của Thu là những buổi cùng chúng bạn đi khắp kênh rạch mò cua bắt tép. Khả năng bơi lội của Thu đến một cách tự nhiên như thế. Với thể lực cực tốt, thể hình cân đối và sải tay dài, Thu là người chiến thắng mọi "cuộc đua" với các bạn trên sông nước. Những kỹ năng bơi lội sơ khai nhưng tiềm ẩn những tố chất của một vận động viên tài năng ấy của Thu đã được các huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương chú ý. 10 tuổi, em tạm biệt gia đình khoác ba lô lên trung tâm ăn tập.

- Khi bé lên trung tâm, em nhớ nhà lắm, nhưng nhớ lời bố mẹ phải chịu khó và nghe lời thầy. Nếu chịu khó sẽ thoát được cảnh chân lấm tay bùn như cha mẹ. Nhớ nhà nhưng không dám khóc. Rồi dần cũng quen đi - Thu kể.

Phạm Thị Thu tại đường đua xanh SEA Games 31 (ảnh nhân vật cung cấp)

Nhớ hôm từ SEA Games 31 trở về. Thu lặng lẽ đặt 2 tấm huy chương vàng lên thắp nhang cho bố mẹ và anh. Thu khóc. Khóc vì em đã làm được điều như ước nguyện của bố mẹ khi còn sống, và khóc vì không còn ai để chia sẻ niềm vui chiến thắng. Mặc dù đã có những thành công vang dội nhưng để trở thành một tượng đài thể thao giống như lực sĩ cử tạ của Hải Dương Nguyễn Thị Thiết, chặng đường phía trước của em vẫn còn dài. Song với tôi, với nhiều người khác, Thu đã là một tượng đài của niềm tin chiến thắng, của sự quả cảm, của ý chí và nghị lực phi thường. Trong câu chuyện dài với tôi, Thu chưa từng rơi lệ khi tôi nhắc đến hoàn cảnh gia đình. Thu chỉ nói về hiện tại, về phía trước và về những dự định trong tương lai. Là người yếu đuối, mong manh và không có ý chí sắt đá, hẳn Thu đã gục ngã giữa con đường sự nghiệp, chứ chưa nói đến giành được vinh quang.

- Trong bài báo, anh không nhắc tới hoàn cảnh của em được không?

Thu đề nghị, nhưng tôi không thể làm như thế. Bởi lẽ, không nhắc tới những đớn đau em đã trải qua thì không ai thấy được giá trị của những tấm huy chương em giành được. Nhắc đến hoàn cảnh của em hoàn toàn không phải để lấy đi những giọt nước mắt hay thương hại, mà là để mọi người hiểu thêm về bước đường Thu đã đi qua và khâm phục ý chí của cô gái trẻ này. Vinh quang nào cũng có những giọt nước mắt và sự hy sinh.

TIẾN HUY