Kinh tế Hải Dương khởi sắc
Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 05/07/2022
Trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp của tỉnh phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 16,9%
Vượt lên ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ những biến động trên thế giới bằng tinh thần “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, "bức tranh" kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 của Hải Dương có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 11,8%, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng.
Công nghiệp phục hồi mạnh mẽ
Sau một thời gian bị tụt dốc bởi dịch bệnh, ngành công nghiệp của tỉnh đã phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ bởi những điều chỉnh chính sách của Nhà nước và nỗ lực bao phủ vaccine để thích ứng với bình thường mới. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 16,9%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng khi cùng kỳ năm trước lĩnh vực này chỉ tăng 8,2%. Điều này cho thấy hoạt động công nghiệp của tỉnh không chỉ bắt nhịp lại so với thời điểm trước dịch mà còn bứt phá để hướng tới mục tiêu cao hơn.
Trong các nhóm ngành công nghiệp, nếu như năm trước sản xuất kim loại là điểm sáng thì 6 tháng đầu năm nay bị soán ngôi bởi ngành sản xuất và phân phối điện, đạt 24%. Nguyên nhân do Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương (Kinh Môn) đã chính thức đi vào hoạt động cả 2 tổ máy nên sản lượng điện sản xuất tăng 25,3% trong 6 tháng đầu năm. Sản xuất thiết bị điện cũng ở mức cao khi tăng 20,7% với nhiều sản phẩm tăng trưởng ấn tượng như máy bơm nước tăng 33,3%, máy phát điện tăng 28,9%... Ngành sản xuất linh kiện điện tử có nhiều điểm sáng khi thị trường xuất khẩu rộng mở nên sản lượng tăng cao đã đóng góp cho ngành đạt mức tăng trưởng 19,3%. Sản xuất xe có động cơ đạt mức tăng 13,5%, nhưng xe động cơ chở từ 5 người trở lên lại tăng hơn 70% do chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ. Đồng thời, Công ty TNHH Ford Việt Nam đưa nhà máy sản xuất dòng xe mới vào hoạt động.
Thị trường xây dựng có nhiều tín hiệu tích cực do được hưởng lợi từ tăng trưởng đầu tư công và các gói kích cầu kinh tế nên ngành vật liệu xây dựng có dấu hiệu khởi sắc. Trong đó sắt thép có mức tăng cao nhất, đạt 13,7%, gạch xây dựng bằng gốm, sứ tăng 11,8%, xi măng đen tăng 5,7%... Năm trước, ngành chế biến thực phẩm giảm 1,6% vì dịch bệnh căng thẳng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách còn trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng 12,8%.
Cùng với công nghiệp, ngành thương mại, dịch vụ cũng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, biến động của giá xăng dầu, nguyên liệu, vật liệu đầu vào đã đẩy giá hàng hoá tăng cao, bào mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Nông nghiệp tiếp đà tăng trưởng với nhiều điểm nhấn, nhất là sản xuất và tiêu thụ vải quả. Ảnh: THÀNH CHUNG
Nông nghiệp tiếp đà tăng trưởng
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế còn trong thời gian bình thường mới, lĩnh vực này vẫn giữ đà tăng trưởng. 6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản của tỉnh được duy trì ổn định với năng suất khá, phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, tạo ra nét riêng biệt cho từng vùng. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 12.731 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Rau màu vụ đông tiếp tục là điểm nhấn trong ngành trồng trọt khi cả diện tích, năng suất, giá trị đều tăng cao. Giá trị sản xuất vụ đông trung bình đạt 209,8 triệu đồng/ha, tăng 1,9 triệu đồng/ha so với năm trước. Vụ vải này, mặc dù sản lượng đạt 61.500 tấn, tăng 1,12 lần vụ trước song không xảy ra tình trạng được mùa, mất giá. Việc không phụ thuộc nhiều vào thị trường truyền thống Trung Quốc đã mở ra nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông sản chủ lực của tỉnh. Diện tích gieo cấy lúa xuân giảm nhưng năng suất lại tăng nên không làm ảnh hưởng tới sản lượng.
Dù chịu tác động của "cơn bão" giá thức ăn chăn nuôi, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn đạt kết quả tương đối khả quan. Tổng đàn lợn ước đạt 389.000 con, tăng 10,36%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 31.040 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm ước đạt 15,5 triệu con, tăng 5%, sản lượng thịt hơi ước đạt 31.672 tấn, tăng 5,5% so với cùng thời điểm năm trước. Với đại gia súc, trong khi tổng đàn trâu tăng thì đàn bò giảm song không ảnh hưởng tới sản lượng. Tổng sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm ước đạt 47.603 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng nền kinh tế Hải Dương vẫn nằm trong nhóm đầu cả nước. Đây là kết quả của việc thích ứng linh hoạt, vượt qua khó khăn để tạo tăng trưởng bứt phá. Kết quả này là đòn bẩy để 6 tháng cuối năm tỉnh tiếp tục nỗ lực để hoàn thành và vượt kế hoạch tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm.
HOÀNG LINH