Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế
Chính trị - Ngày đăng : 10:01, 05/07/2022
Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII diễn ra trong 2 ngày 5-6.7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có tờ trình về kết quả cuộc kiểm tra thứ nhất năm 2022 kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26.5.2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18.2.2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân và Chỉ thị số 48-CT/TU ngày 20.10.2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên.
Một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ
Kết quả kiểm tra cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy còn có một số hạn chế, khuyết điểm. Đó là việc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW và Chỉ thị số 48-CT/TU ở một số tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị hiệu quả còn hạn chế. Ở một số buổi tiếp dân, người đứng đầu ủy quyền cho đồng chí cấp phó thực hiện. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, quyết định xử lý tố cáo chưa được theo dõi thường xuyên. Việc ghi chép trong sổ tiếp công dân, sổ theo dõi đơn thư đối với một số vụ việc chưa đầy đủ. Việc cập nhật sử dụng phần mềm theo dõi quản lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Cơ sở vật chất, bố trí địa điểm tiếp công dân, thực hiện chế độ chi bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác tiếp dân và xử lý đơn thư ở một số xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm.
Theo tờ trình, một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này do cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, có nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác tiếp dân, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân. Nguyên nhân chủ quan do việc lãnh đạo, thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật có hiệu quả chưa cao. Một số dự án, quy hoạch nhiều năm chưa thực hiện, có dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chưa triển khai thực hiện dẫn đến phát sinh khiếu kiện. Một số cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết đơn thư chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Sớm ban hành quy định tiếp nhận, xử lý đơn thư
Căn cứ kết quả kiểm tra, đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung. Đó là tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách pháp luật về công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đổi mới tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy sớm ban hành quy định về tiếp nhận và xử lý đơn thư gửi đến cấp ủy địa phương, đơn vị theo tinh thần chỉ đạo tại Quy định số 370-QĐ/TU ngày 25.3.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, công tác tiếp dân, xử lý đơn thư. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ công chức làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo, khiếu nại; xem xét, xử lý nghiêm những đơn vị thực hiện không nghiêm túc; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận sau thanh tra, kiểm tra.
PV