Thành phố Jakarta đang chìm nhanh hơn do hoạt động đào giếng nhân tạo
Tin tức - Ngày đăng : 05:44, 06/07/2022
“Đôi khi, nước có màu trắng sữa và nồng nặc mùi clo. Có lúc, nước có màu nâu và đầy bùn”, anh Hariyanto đề cập đến nước máy.
Điều tồi tệ nhất đã xảy đến vào năm 2019, khi một đường ống cung cấp nước vào khu phố của Hariyanto bị vỡ. Điều này khiến khu vực với khoảng 200 căn hộ không có nước sạch trong suốt thời gian dài. Người đàn ông 42 tuổi cho biết anh phải thuê công nhân đào một cái giếng sâu 40m từ tầng chứa có nước đủ sạch để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.
Không chỉ Hariyanto, rất nhiều gia đình khác ở Jakarta chọn cách tương tự để đảm bảo nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Song việc tự phát khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sụt lún đất. Tại Jakarta, khu vực chủ yếu nằm trên đất và trầm tích lỏng và thiếu gắn kết, tình trạng khai thác nước ngầm đã khiến thành phố bị nhấn chìm nhanh hơn, với tốc độ lên tới 26cm mỗi năm, khiến thủ đô của Indonesia trở thành một trong những siêu đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.
Ngày nay, trên 90% khu vực ven biển của Jakarta nằm dưới mực nước biển, khiến thành phố dễ bị ngập lụt. Các con sông cũng không thể xả nước ra biển nếu không có sự trợ giúp của các trạm bơm lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt ở Jakarta, ảnh hưởng đến hàng nghìn cư dân mỗi năm.
Dù chính quyền thành phố đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật và pháp lý, nhưng việc giải quyết vấn đề khai thác nước ngầm dường như vẫn rơi vào bế tắc.
Theo bà Nila Ardhianie, Giám đốc Viện nghiên cứu nước Amrta, cho biết: “Người dân đã đào giếng và khai thác nước ngầm trong nhiều thế hệ ở Indonesia. Thật khó để thay đổi hành vi này. Thật khó để làm cho họ hiểu được hậu quả của việc đó, vì sụt lún đất xảy ra dần dần trong suốt nhiều năm”.
Theo dữ liệu từ công ty phân phối nước máy PAM Jaya của thành phố, chỉ có 900.000 ngôi nhà, văn phòng và nhà máy tiếp cận được với nước máy. Phần còn lại trong số 11 triệu dân Jakarta không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nguồn nước ngầm.
Vấn đề an toàn nước mặt
Trớ trêu thay, Jakarta được bao quanh bởi nhiều vùng nước. Có 13 con sông cắt qua thành phố, xả nước vào Biển Java ở bờ biển phía bắc Jakarta. Thành phố cũng là nơi có 117 ao hồ và lưu vực ngăn lũ. Tuy nhiên, những vùng nước này bị ô nhiễm nặng do chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Điều này làm cho nước không còn đủ an toàn để sử dụng.
Nirwono Joga, một chuyên gia quy hoạch đô thị từ Đại học Trisakti ở Jakarta cho biết: “Thực tế là Jakarta bị ngập lụt hàng năm, có nghĩa là Jakarta có quá nhiều nước vào một số thời điểm nhất định. Tuy nhiên, hệ thống quản lý nước của chúng tôi rất tệ ”.
Theo một nghiên cứu năm 2019 do Cơ quan Môi trường Jakarta thực hiện, 96% nước từ các con sông ở Jakarta bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải rắn, kim loại nặng và vi khuẩn.
Một trong những nguyên nhân sâu xa gây ra vấn nạn ô nhiễm nguồn nước là do Jakarta thiếu các cơ sở quản lý nước thải chuyên dụng. Ông Joga lưu ý: “Nếu bạn nhìn vào hệ thống cống rãnh ở Jakarta, hầu hết chúng đều dẫn đến các con sông và lưu vực gần nhất. Ngoài ra còn có những người cư trú bất hợp pháp dọc theo các bờ sông, lưu vực, họ đổ rác và chất thải trực tiếp vào các vùng nước này”.
Việc khử muối cũng không khả thi vì tất cả rác thải cuối cùng sẽ trôi xuống biển. Đây là lý do tại sao các con sông, lưu vực và biển không được sử dụng làm nguồn nước chính của Jakarta.
Do ô nhiễm nghiêm trọng ở các sông và lưu vực, 94% nước máy ở Jakarta phải được dẫn từ các tỉnh Tây Java và Banten lân cận.
Bà Elisabeth Tarigan tại Cơ quan Tài nguyên nước Jakarta cho biết thành phố đang có kế hoạch tối ưu hóa các ao trữ lũ để chúng có thể hoạt động như hồ chứa và xây dựng thêm các cơ sở xử lý nước. Hiện tại, các nguồn nước ở Jakarta chỉ có thể cung cấp 6% nhu cầu nước máy của thành phố. Bà nói thêm rằng thành phố hiện đang xây dựng thêm 6 cơ sở xử lý nước có khả năng lọc các chất gây ô nhiễm. Hai trong số các cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023.
Nước máy không tin cậy
Để cải thiện độ tin cậy của việc cung cấp nước máy cho người dân, bà Tarigan cho biết Jakarta đang mở rộng mạng lưới đường ống nước máy, hiện bao phủ 65% diện tích 661 km2 của thành phố. Bà nói: “Mục tiêu của chúng tôi là bao phủ 100% diện tích Jakarta vào năm 2030. Điều này sẽ đòi hỏi rất nhiều kinh phí”.
Một số người đã đặt câu hỏi liệu đây có phải là một mục tiêu thực tế. Ông Firdaus Ali, chuyên gia kỹ thuật môi trường tại Đại học Indonesia, lưu ý Jakarta đã phải mất 25 năm để có thể đạt được độ bao phủ nước máy từ 54% diện tích thành phố lên 65% như hiện nay. “Chúng ta vẫn còn 35%. Làm thế nào sẽ làm được điều đó trong 8 năm?”, ông Ali nói.
Ngay cả khi toàn bộ Jakarta được kết nối với mạng lưới nước máy, không có gì đảm bảo rằng hoạt động khai thác nước ngầm sẽ ngừng lại. Chuyên gia Joga nhận định lý do người dân Jakarta miễn cưỡng sử dụng nước đô thị và tiếp tục khai thác nước ngầm là vì cho đến ngày nay, không có sự đảm bảo về chất lượng, khối lượng và sự ổn định của nước máy.
“Cư dân phàn nàn rằng chất lượng nước máy quá tệ. Lượng nước trong mùa khô rất hạn chế, và nguồn cung không liên tục”, ông nói.
Cũng giống như nhiều người dân Indonesia, Sadikin cho biết nhiều cư dân trong khu phố của ông thích sử dụng nước giếng để tắm rửa, giặt giũ và dọn dẹp, dù những căn hộ trong khu vực đều có nước máy. Ông chia sẻ: “Nước giếng sạch hơn nhiều và không cạn kể cả trong mùa khô. Nước máy đôi khi bị bẩn. Vào mùa khô, nước máy chảy chậm, có khi ngừng chảy hoàn toàn”.
Người đàn ông 57 tuổi cho biết có 7 giếng nước trong khu phố của ông, hầu hết được đào từ những năm 1970, khi Jakarta vẫn còn thưa dân cư.
Nước ngầm đang cạn kiệt
Dân số của thành phố đã tăng hơn gấp đôi trong 50 năm qua, dẫn đến việc khai thác nước ngầm ngày càng rộng rãi. Trong khi đó, nhiều không gian xanh đã được bê tông hóa, làm giảm diện tích hấp thụ nước mưa xuống nền đất để tạo nước ngầm.
Heri Andreas, chuyên gia về Trắc địa, giải thích: “Do đó, con người ngày càng đào sâu hơn để tiếp cận các tầng chứa nước dưới lòng đất. Việc này đang khiến mặt đất dễ bị lún hơn, và một khi đã bị lún, quá trình này không thể đảo ngược”.
Giải pháp của thành phố
Chính quyền thành phố nhận thức được vấn đề này phải được giải quyết nhanh chóng. Ông Muslim Muin, cố vấn của Thống đốc Jakarta, nói rằng nhà chức trách đang cố gắng giảm thiểu vấn đề bằng cách xây dựng hệ thống thoát nước đứng – cống dọc.
“Nếu mỗi ngôi nhà được trang bị một cống dọc, một ngôi nhà rộng 100 m2 có thể hấp thụ 3.650 m3 nước mưa mỗi năm, đồng thời ngăn nước ngầm bốc hơi. Với lượng nước hấp thụ nhiều như vậy, sẽ không có vấn đề gì vì người dân chỉ sử dụng một phần nhỏ của lượng nước ngầm đó”, ông nói.
Cho đến nay, chính quyền Jakarta đã xây dựng 72.000 cống dọc khắp thành phố. Ông Muin tuyên bố rằng tình trạng sụt lún đất đã chậm lại ở những khu vực có hệ thống thoát nước này.
Bà Tarigan của cơ quan tài nguyên nước nói thêm rằng một quy định được đưa ra để hạn chế việc sử dụng nước ngầm. Quy định năm 1998 yeu cầu cư dân phải xin giấy phép để khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, , quy định này nhiều khi không được tuân thủ. Bà nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu thực thi quy định này nhưng sẽ thực hiện dần dần ở những khu vực đã có nước máy. Chúng tôi sẽ xử phạt nếu người dân vi phạm”.
Bắt đầu từ năm tới, thành phố sẽ cấm sử dụng nước ngầm ở 9 quận có hệ thống nước máy toàn diện, và tiếp tục mở rộng chính sách này sang các khu vực khác. Tuy nhiên, chuyên gia trắc địa Andreas cho rằng chính phủ trước hết nên tập trung vào tìm giải pháp thay thế đáng tin cậy cho việc khai thác nước ngầm.
“Trách nhiệm cung cấp nước thuộc về chính phủ. Nó được viết trong Hiến pháp của chúng tôi. Chính phủ phải cung cấp cho cư dân một giải pháp thay thế khả thi. Nếu chính quyền không thể làm điều đó, thì làm sao họ có thể ngăn người dân khai thác nước ngầm?”, ông nói.
Theo Báo Tin tức