Phải trả giá nếu chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:30, 08/07/2022

Ở Hải Dương chỉ có một số trường hợp mắc SXH có yếu tố nội địa nhưng cũng cho thấy bệnh SXH đã tồn tại trong cộng đồng và có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào.

“Sốt xuất huyết chủ yếu bùng phát ở các tỉnh phía Nam chứ ngoài mình có vài chục ca ăn thua gì”; “Hải Dương mình đã có ca nào nặng đâu mà lo lắng”. Đây là hai trong nhiều ý kiến thể hiện sự chủ quan mà tôi nghe được ở một nhóm người về bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue đang lan rộng tại nhiều nơi.

Đúng là bệnh SXH Dengue đang hoành hành chủ yếu ở các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, SXH đã bắt đầu lan ra nhiều địa phương ở miền Bắc khi số người dân đi du lịch tăng cao. Đến ngày 30.6, 26 trong tổng số 30 trường hợp mắc SXH Dengue tại Hải Dương có yếu tố ngoại lai, đi từ các tỉnh có dịch về. Đáng chú ý trong số những trường hợp này có một bệnh nhân quê Ninh Giang phải chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị trong tình trạng nguy kịch, tiểu cầu chỉ còn 20 G/L, xuất hiện tình trạng cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da. Trước đó, bệnh nhân này đi du lịch tới TP Hồ Chí Minh, sau khi về nhà 6 ngày thì có kết quả xét nghiệm mắc SXH.

Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 5.7, cả nước ghi nhận khoảng 92.000 ca SXH, tăng khoảng 15.000 ca so với thống kê 10 ngày trước đó. Đã có 36 trường hợp tử vong vì SXH, tăng 6 trường hợp so với 10 ngày trước đó. Năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn. Các ổ dịch vẫn đang phát triển nhiều ở các tỉnh, thành phố phía Nam và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguy cơ SXH sẽ phát triển mạnh ra các tỉnh, thành phố ở miền Bắc, trong đó có Hải Dương là rất cao.

Ở Hải Dương chỉ có một số trường hợp mắc SXH có yếu tố nội địa nhưng cũng cho thấy bệnh SXH đã tồn tại trong cộng đồng và có khả năng bùng phát bất cứ lúc nào. Kết quả giám sát véc tơ truyền bệnh SXH Dengue do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện tại các ổ dịch trong tỉnh đều cho kết quả vượt ngưỡng cảnh báo rất cao.

Nếu phát sinh các ổ dịch SXH Dengue trước hết sẽ khiến sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, tỉnh chắc chắn sẽ phải chi ra một nguồn ngân sách không nhỏ cho công tác chống dịch, các cơ sở y tế quá tải, các nhân viên y tế lại thêm vất vả… sau hơn 2 năm đã phải gồng mình chống dịch Covid-19.

Sở Y tế đã đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương hưởng ứng và huy động cán bộ, nhân viên tham gia chiến dịch “Tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng để phòng chống SXH” nhưng dường như việc này chưa được nhiều nơi quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền về tình hình SXH Dengue ở nhiều địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Điều này càng làm cho ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân thêm chủ quan, lơ là.

Bộ Y tế dự báo số người mắc SXH thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngay từ bây giờ cùng với sự chủ động của ngành y, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân hãy cùng vào cuộc phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, đừng để sự chủ quan, xao nhãng khiến chúng ta có thể phải trả giá đắt.

NGUYỄN GIA (Thanh Miện)