Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp hàng loạt vấn đề nóng của kỳ thi tốt nghiệp THPT
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:12, 09/07/2022
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Hàng loạt vấn đề nóng đã được phóng viên đặt ra tại buổi họp báo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 8.7, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi.
Học sinh thiệt thòi nhưng đề thi khó hơn?
Lứa học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là những em đã chịu nhiều thiệt thòi do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong suốt ba năm học, đặc biệt là trong năm lớp 12. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ điều chỉnh đề thi theo thực tế này. Tuy nhiên, đề thi một số môn được thí sinh đánh giá khó hơn và có độ phân hóa cao hơn đề thi năm 2021.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho hay đề thi được ra theo ma trận, bảo đảm đủ bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Cũng theo ông Thành, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng khiến cho học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài và mức độ, thời gian học trực tiếp khác nhau giữa các địa phương.
Ông Nguyễn Xuân Thành thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Theo ông Thành, nếu giảm mức độ đề thi sẽ không công bằng với những thí sinh ở các địa phương đã được học trực tiếp sớm hơn, cũng không công bằng với những thí sinh giỏi do sẽ nhiều thí sinh ở mức khá nhưng vẫn có thể đạt điểm tối đa.
Vì vậy, ông Thành cho rằng về nguyên tắc, đề thi vẫn phải bảo đảm theo ma trận. Điều này không chỉ bảo đảm tính phân hóa để lấy điểm xét tuyển đại học mà còn là kết quả để đánh giá tác động của dịch bệnh trong trình dạy và học. Theo ông Thành, điều này sẽ được phân tích sau khi có kết quả thi.
Vì sao số thí sinh vi phạm quy chế tăng gần 3 lần?
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hai ngày thi, cả nước có 50 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật, tăng gần ba lần con số 18 thí sinh của kỳ thi năm 2021. Trong đó có đến 44 thí sinh bị đình chỉ thi do lỗi mang điện thoại vào phòng thi.
Trước một số ý kiến cho rằng việc yêu cầu thí sinh phải để vật dụng cách điểm thi 25m nhưng chưa bảo đảm việc trông coi an toàn đã khiến thí sinh không yên tâm, từ đó có xu hướng mang điện thoại vào phòng thi, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng giáo dục cho rằng lập luận này là không thỏa đáng.
Theo ông Phong, việc bố trí vật dụng của thí sinh cách xa phòng thi 25m dù có khó khăn với một số nơi nhưng qua kiểm tra cho thấy đều đã được các địa phương linh hoạt thực hiện và bảo đảm yêu cầu. Trong đó có việc trông coi vật dụng cho thí sinh.
“Việc này nhằm triệt tiêu ý định của thí sinh trong sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Công an để có các giải pháp tích cực trong phòng ngừa gian lận,” ông Phong chia sẻ.
Có cần bố trí phòng chờ?
Cũng liên quan đến việc bảo đảm an ninh, an toàn của kỳ thi, theo phản ánh của ban chỉ đạo thi tỉnh Bắc Ninh, việc bố trí phòng chờ cho thí sinh tự do chỉ chi một số môn thành phần của bài thi tổ hợp khiến cho các điểm thi phải phát sinh nhiều vấn đề như bố trí cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ.
Theo đó, vị này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể giải mật đề thi của môn thi thành phần ngay sau khi kết thúc phần thi để thí sinh có thể ra về mà không cần phải ngồi chờ.
Ông Lê Mỹ Phong cho rằng việc bố trí phòng chờ là cần thiết để bảo đảm an toàn cho kỳ thi. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trả lời vấn đề này, ông Lê Mỹ Phong cho hay Chính phủ đặt mục tiêu kỳ thi là phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan, chất lượng, trong đó an toàn là mục tiêu đầu tiên.
Để bảo đảm mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hướng dẫn rất cụ thể, ví dụ việc không bố trí các điểm thi riêng cho thí sinh tự do hay thí sinh hệ giáo dục thường xuyên như trước đây mà phải trộn lẫn, trong đó thí sinh hệ trung học phổ thông đang học lớp 12 phải chiếm tối thiểu 60% tổng số thí sinh ở mỗi điểm thi.
Bên cạnh đó, theo quy định, đề thi là tối mật trong 100% thời gian làm bài với môn trắc nghiệm, 2/3 thời gian với môn tự luận. Vì vậy, ví dụ học sinh khi thi hết một, hai môn thành phần của bài thi tổ hợp ba môn ra về trước sẽ khiến đề thi bị lộ, không bảo đảm mục tiêu an toàn là số một của kỳ thi.
Để thi ngữ văn không dễ đoán?
Trước thực tế một cá nhân có thể đoán trúng đề thi môn ngữ văn trong ba năm liền, một số báo đặt câu hỏi liệu cách ra đề thi đã hợp lý khi có thể liên tục bị đoán trúng?
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho rằng số lượng tác phẩm trong chương trình là có hạn. Số lượng tác phẩm càng giảm khi thực hiện tinh giản chương trình do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Vì vậy, theo ông Thành, việc đoán trúng tác phẩm trong đề thi là hoàn toàn có thể xảy ra. “Tuy nhiên, mỗi tác phẩm sẽ có các cách hỏi, nội dung, đoạn trích khác nhau với những câu lệnh khác nhau và đây mới là điều quan trọng của đề thi,” ông Thành nói.
Cũng theo ông Thành, thời gian tới, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều sách giáo khoa, ngữ liệu khác nhau nên việc ra đề sẽ có nhiều đổi mới và việc đoán đề sẽ khó khả thi hơn.
Kỳ thi sẽ thay đổi như thế nào trong chương trình giáo dục phổ thông mới?
Liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới khi năm học 2022-2023 tới đây, chương trình được bắt đầu triển khai ở bậc trung học phổ thông với lớp 10. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc đến năm học 2024-2025, khi chương trình mới thực hiện đến lớp 12, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được triển khai như thế nào, có thay đổi gì, ông Lê Mỹ Phong cho hay bộ sẽ sớm có thông báo về vấn đề này.
“Về cơ bản kỳ thi sẽ diễn ra ổn định nhưng sẽ có điều chỉnh từ này đến năm học 2023-2024. Khi học sinh lớp 12 học theo chương trình mới thì thi tốt nghiệp sẽ có cách thi hoàn toàn mới. Trước khi thực hiện, bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ, theo hướng sao để kỳ thi ngày càng tinh gọn hơn và bảo đảm mục tiêu của kỳ thi,” ông Phong nói.
Theo Vietnam+