Tính toán giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu

Thị trường - Ngày đăng : 06:56, 09/07/2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính xử lý nhanh giải pháp về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu nếu còn dư địa để tránh tác động lớn đến CPI.


Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 8.7. Ảnh: VGP

Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá nêu tại cuộc họp chiều 8.7.

Xăng dầu tuần qua có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý không chủ quan, lơ là khi xung đột Nga – Ukraine chưa kết thúc. Nhu cầu khí đốt tới đây tại châu Âu sẽ tăng lên khi mùa đông tới gần, sẽ là yếu tố khiến giá xăng dầu tăng trở lại, trong khi nguồn cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ông nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. Giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 1.7 đã giảm nhẹ nhưng vẫn neo ở mức rất cao, như xăng RON 95-III là 32.760 đồng một lít. Vì thế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá, có ngay giải pháp về thuế tiếp theo với xăng dầu khi còn dư địa.

"Vừa qua chúng ta đã tính toán giảm thuế bảo vệ môi trường, nhưng nếu còn dư địa thì có thể đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội giảm thêm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt. Phải xử lý nhanh chính sách tài khóa này để kiểm soát giá vì xăng dầu tác động lớn đến CPI", Phó Thủ tướng nói.

Từ ngày 11.7, thuế môi trường với xăng dầu sẽ giảm thêm 1.000 đồng một lít với xăng, 500-700 đồng một lít với các mặt hàng dầu, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tức là, giá bán lẻ xăng dầu sẽ bớt tương ứng 550-1.100 đồng một lít (gồm thuế VAT). Dự kiến việc điều hành giá xăng dầu sẽ diễn ra lúc 0 giờ ngày 11.7, trùng thời điểm nghị quyết về giảm thuế môi trường với xăng dầu có hiệu lực.

Với diễn biến giá xăng dầu thế giới tính đến hôm nay, đại diện Bộ Công thương cho hay, có dư địa điều hành giảm giá khá mạnh, phản ánh được việc giảm thuế và trích lập trở lại Quỹ bình ổn xăng dầu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, giá xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá. So với đầu năm, giá xăng dầu các loại tăng 3.360 - 11.376 đồng một lít, kg, tương ứng tăng 20,54-65,44% tùy mặt hàng.

Quỹ bình ổn giá đã liên tục được chi ra để bình ổn giá nhiên liệu trong nước và đến cuối tháng 6, quỹ này chỉ còn dư trên 223,5 tỷ đồng.

Về nguồn cung xăng dầu, bộ đã giao chỉ tiêu hạn mức nhập khẩu tối thiểu và tổng nhập tăng lên cho 10 doanh nghiệp đầu mối. Cùng đó, liên bộ cũng có phương án dự phòng cho các doanh nghiệp đầu mối khác để bảo đảm nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Với các địa phương, lãnh đạo Chính phủ cần có giải pháp bình ổn, kiểm soát và kiểm tra các yếu tố hình thành giá. Trường hợp có bất thường phải thanh tra ngay. Các địa phương cũng được yêu cầu tăng cường chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới, khi giá xăng tại Việt Nam thấp hơn một số nước có chung đường biên giới, như Lào, Campuchia hay Trung Quốc.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25%.

Giá xăng tăng gần 52% so với cùng kỳ 2021 đã tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Giá gas trong nước tăng gần 26% so với cùng kỳ, làm CPI tăng 0,38%....

Trước diễn biến giá hàng hoá, dịch vụ diễn biến khó lường, Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý, địa phương cần minh bạch thông tin, công tác điều hành giá, nhất là diễn biến giá các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu... nhằm tránh tâm lý tích trữ hàng hóa, lạm phát kỳ vọng trong dân chúng.

Theo VnExpress