Bến đò “3 không”, ẩn họa mùa mưa bão

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 10:15, 14/07/2022

Những bến đò, bến khách ngang sông "3 không"- không giấy phép, không bảo đảm điều kiện an toàn, không tuân thủ đúng quy định... vẫn ngang nhiên hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.


Đò Từ Xá ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện) thô sơ, thiếu an toàn

Nguy hiểm

Nhiều năm qua, đò Từ Xá là con đường gần nhất để từ xã Đoàn Kết (Thanh Miện) sang xã Minh Tân, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Vì hoạt động trong thời gian dài lại không được quan tâm cải tạo, nâng cấp đúng mức nên đò đã xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2019, huyện Thanh Miện đã đình chỉ tuyến đò này để bảo đảm an toàn cho người dân. Nhưng ngày 5.7, khi đi kiểm tra cùng lực lượng công an huyện Thanh Miện, chúng tôi vẫn thấy đò này hoạt động. Đò là 1 con thuyền vỏ sắt, mái che bằng lưới đen, khá thô sơ và thiếu an toàn. Dù có trang bị áo phao nhưng cả 2 khách ở trên đò vào thời điểm đó đều không mặc. Lái đò Trần Văn Sáu thừa nhận đò này bị đình chỉ hoạt động từ năm 2019 do không có giấy phép hoạt động, không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa. Ông Sáu biện bạch: "Nếu đò không hoạt động nữa thì người dân di chuyển sẽ mất thời gian hơn vì đi đường bộ phải gần 10 km. Chúng tôi chỉ mong chính quyền có chính sách hỗ trợ hoặc tháo gỡ khó khăn để đò này tiếp tục được hoạt động".

Sau khi Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Thanh Hà kiểm tra việc bảo đảm trật tự ATGT tại các bến đò, phà, bến khách ngang sông trước, trong và sau mùa mưa bão, ngày 21.6.2022, UBND huyện thông báo đình chỉ hoạt động 8 bến không đủ điều kiện gồm bến đò Nhân, Gang, Tú, Quán Trang, Lạng, Sỹ, Vực và Mía. Giấy phép của những bến này đều đã hết thời hạn. Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu chủ bến làm thủ tục công bố lại hoạt động của bến khách ngang sông. Theo Ban ATGT huyện, đến sáng 11.7 các chủ bến vẫn chưa thực hiện xong thủ tục công bố lại. Thế nhưng 10 giờ ngày 8.7, có mặt tại đò Lạng, xã An Phượng (Thanh Hà) chúng tôi vẫn thấy đò hoạt động. Hầu hết hành khách và chủ phương tiện đều không mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi theo quy định. Theo bảng giá vé, xe máy mỗi lượt phải trả 6.000 đồng, nhưng thực tế lại thu 8.000 đồng/lượt. Một người dân ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thường xuyên đi đò cho biết mức giá đã tăng từ khi giá xăng tăng. 

Bến đò Lạng ở xã An Phượng (Thanh Hà) vẫn hoạt động dù bị đình chỉ


Xử lý nghiêm

Ngày 1.7, báo Hải Dương điện tử phản ánh đò Kiều không giấy phép vẫn ngang nhiên hoạt động. UBND huyện Thanh Miện đã yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra các bến khách ngang sông trên địa bàn. Trong đó các xã Cao Thắng, Lê Hồng, Đoàn Kết phải kiên quyết ngăn chặn không để đò Kiều, đò Từ Xá tái diễn hoạt động chở khách chui, nhất là trong mùa mưa bão. Lực lượng công an huyện phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các chủ phương tiện và lái đò, lập biên bản xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Đến ngày 6.7, đò Kiều, đò Từ Xá đã dừng hoạt động.

Ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết: "Đò Kiều do 2 hộ dân ở xã Cao Thắng và xã Lê Hồng thay nhau lái. Mặc dù chính quyền 2 địa phương nhiều lần nhắc nhở nhưng các chủ bến đò này vẫn lén lút hoạt động. Vừa qua, xã đã phối hợp lực lượng công an, Ban ATGT huyện lập biên bản và yêu cầu chủ bến đò chấp hành nghiêm quy định".

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 60 bến khách ngang sông đang hoạt động, nhiều bến đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương. Ông Vũ Duy Bôn, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết tháng 6 qua, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức kiểm tra bảo đảm trật tự ATGT tại các bến đò, phà, bến khách ngang sông, đồng thời yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra các bến đò, bến khách ngang sông trên địa bàn. Đợt kiểm tra vừa qua, Ban ATGT tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp vi phạm do các lỗi như không gắn biển ghi số người được phép chở trên phương tiện, không niêm yết nội quy hoạt động, không niêm yết giá vé theo quy định... 

HÀ NGA - ĐỖ QUYẾT