Đình Châu Khê xuống cấp
Di tích - Ngày đăng : 15:00, 15/07/2022
Nhiều chỗ tường của đình Châu Khê bị nứt
Thần tích
Đình Châu Khê được xây dựng vào thời Lê, thờ thành hoàng làng là Dực Hổ hầu Hải Dương đạo bình nguyên Đại tướng quân Phạm Sỹ, đồng thời thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và liệt sĩ của làng đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Tương truyền, Đại tướng quân Phạm Sỹ là con của ông Phạm Tuyên, quê ở Thanh Hóa. Khi mới sinh, mặt mũi phương phi, thân hình cao lớn, được 7 ngày mới mở mắt, sáng như sao. Lên 9 tuổi, Phạm Sỹ thể hiện sự thông minh hơn người khi nghe 1 biết 10, thấu đạo Khổng Mạnh, binh pháp Tôn Ngô.
Sau khi cha mẹ mất, Phạm Sỹ ủy thác cho chị gái giữ gia đường, ông tìm về quê ngoại. Khi đi đến trang Chu Xá, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, đạo Hải Dương, ông thấy nơi đây là một mảnh đất quý. Sau khi nghỉ ngơi tại đây 1 đêm, ông được dân làng mời ở lại làm thầy dạy học.
Lúc đó, Phạm Ngũ Lão ở làng Phù Ủng (Hưng Yên) làm quan triều nhà Trần đến chức Thái bảo, thuộc quyền tiết chế của Hưng Đạo Vương. Một hôm Phạm Ngũ Lão về quê chơi, họp các sĩ tử lại để tập văn chương. Đêm đó, Phạm Ngũ Lão mơ thấy một người khôi ngô tuấn tú, khăn áo chỉnh tề, cầm 1 quyển văn từ ngoài vào, đứng trước cửa trường. Sáng hôm sau, Phạm Ngũ Lão được chứng kiến cảnh giống như trong mơ, không sai chút nào. Ông liền mở quyển ra xem, văn thật quảng bác uyên thâm, kỳ dị vô định. Từ đó, Phạm Ngũ Lão rất coi trọng Phạm Sỹ, cho vào triều yết kiến Trần Hưng Đạo rồi được tiến lên Thái tôn Hoàng đế và được ban chức Tham nghị. Phạm Sỹ ở lại trong triều giúp việc 3-4 năm và được thăng lên chức Dực Hổ hầu đạo bình nguyên Đại tướng quân. Khi quân Nguyên tấn công nước ta, ông thống lĩnh đạo Hải Dương với hàng vạn quân cùng với các tướng lĩnh đi thuyền thẳng tới Hải Giang, Châu Vân Đồn chiến đấu với giặc hàng trăm trận. Giặc thấy ông vũ dũng như thần không dám xông lên. Ông đã cùng các tướng lĩnh, quân dân nhà Trần đánh thắng và bắt được Ô Mã Nhi, lập chiến công vang dội.
Giặc Nguyên bình xong, vua sai ông về đạo Hải Dương chiêu dụ bọn phiêu tán, chẩn cấp tiền gạo để nhân dân an cư, lạc nghiệp. Vào ngày 1 tháng chạp, sau khi thụ yến xong ông đột nhiên ra sân vẫy mọi người và nói: "Ta ngồi ở chỗ này, chính là chỗ hàm rồng hướng vào đầu sông lấy nước...". Nói chưa dứt, chợt có một trận cuồng phong nổi lên, thấy bóng con rồng vàng, ông bay lên biến mất.
Cần sớm tu sửa
Tưởng nhớ công lao của ông, vua sai quân triều đình về nơi ông mất truyền đắp 3 lớp thạch khối, làm lăng sửa sang thờ cúng. Sau đó, nhân dân đã xây dựng đình thờ cúng ông. Đình Châu Khê có đại đình gồm đại bái và hậu cung với mặt bằng kiểu chữ Đinh nhưng mái chữ Nhị, có tả vu, hữu vu cùng 2 cổng và một số hạng mục phụ trợ. "Trải qua hàng trăm năm với 2 lần tu sửa lớn, công trình đã không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa mà đã bị pha tạp nhiều thể loại khác nhau. Một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được tu sửa sẽ không thể sử dụng được", ông Vũ Đức Mong, cán bộ văn hóa xã Thúc Kháng cho biết.
Toàn bộ sân vườn của di tích đều thấp hơn đường làng lại không có rãnh thoát nước, do đó mỗi khi mưa sân đình biến thành nơi chứa nước. Mặt sân ẩm mục, gạch vỡ, mốc rêu. Gạch xây, vữa trát và lớp ve phủ mặt tòa đại đình đã hư hỏng, tường bị nứt mạch, bề mặt loang lổ mốc đen, phía dưới chân vữa mủn tróc lộ gạch. Hậu cung đứng trên đất vườn sình lầy nên chân tường ẩm ướt, dày đặc rêu. Phần tường trên mái hiên nứt rạn lớp áo vữa.
Các con giống kìm mái, rồng chầu nguyệt cũng bị rêu mốc nặng, rơi rụng chi tiết, lộ cốt thép. Trang trí trong những ô hộc không còn rõ nét, lớp ve bong rộp không còn màu sắc xưa. Mái đại đình hư hỏng nặng khắp nơi, các mặt mái sụt gẫy, ngói xập xệ, xô lệch, ngói lót chữ thị mục vỡ. Mái hậu cung mục vỡ gây ngấm dột nặng, hư hại tới các thành phần mái dưới. Gỗ sử dụng xây dựng các hạng mục trong đại đình phần lớn bị ẩm mốc, nặng nhất là các cấu kiện giáp tường. Rui bị nước ngấm nên sinh rêu mốc, cong võng, gẫy nứt. Nhiều hoành mốc trắng, cong vênh ẩm mục. Toàn bộ xà dọc bị mốc mọt võng lưng, diện không đều. Đối với tả vu, hữu vu cũng trong tình trạng tương tự. Thượng lương bằng gỗ đã bị mục, hoành bằng gỗ tạp và tre cũng bị mối mọt. Tàu và lá mái cong vênh, rêu mốc...
Để bảo tồn công trình di tích lịch sử cấp quốc gia này, vừa qua, UBND xã Thúc Kháng đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân về tu sửa lại công trình. Xã có kế hoạch hạ giải toàn bộ công trình, những hạng mục hư hỏng sẽ được tu sửa lại, phần nào không sử dụng được thì sẽ làm mới. Kinh phí toàn bộ do nhân dân đóng góp.
Bà Hoàng Thị Lợi, năm nay 85 tuổi ở thôn Châu Khê cho biết đây là công trình văn hóa có ý nghĩa tâm linh với người dân địa phương nên ai cũng đồng lòng ủng hộ tu sửa lại. "Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng cho phép tu sửa lại công trình để tiếp tục thờ cúng thành hoàng làng cũng như các vị anh hùng dân tộc. Nếu để kéo dài, công trình sẽ càng xuống cấp thêm, nhiều hạng mục sẽ không tiếp tục sử dụng được", bà Lợi nói.
THANH HÀ