Tái nhiễm biến chủng BA.5 có nguy hiểm?
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 21:50, 16/07/2022
Năm 2020, các ca tái nhiễm nCoV được coi là rất hiếm. Vào năm 2021, hiện tượng nhiễm trùng đột phá ở người đã tiêm chủng có xảy ra, nhưng nguy cơ thấp. Đến năm 2022, tình trạng này trở nên phổ biến hơn rất nhiều, các ca tái nhiễm và nhiễm trùng đột phá được coi là điều bình thường.
Các nhà khoa học Anh đã phát hiện nguy cơ tái nhiễm trong đợt bùng phát Omicron cao gấp 8 lần so với làn sóng Delta năm ngoái.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thấy mọi người mắc bệnh hơn một lần mỗi năm", tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden, cho biết trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6. Dù vậy, ông lạc quan nhận định Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành mầm bệnh theo mùa giống cúm.
Nguy cơ tái nhiễm hiện nay còn cao hơn, vì các biến chủng phụ BA.4 và BA.5 đã chiếm ưu thế. Chúng là lý do chính khiến số ca mắc mới tại Mỹ và thế giới tăng cao.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho biết hai biến chủng phụ này dễ lây truyền và trốn tránh miễn dịch tốt hơn so với phiên bản trước đây của Omicron.
"Những người đã mắc Covid-19 trước đó, ngay cả với BA.1 hoặc BA.2 vẫn có nguy cơ nhiễm BA.4 và BA.5", bà nói.
Các chuyên gia đồng ý rằng người đã tiêm chủng, kể cả tiêm liều tăng cường vẫn có thể tái nhiễm virus.
"Thật không may, việc tái nhiễm là điều khá bình thường. Đây chỉ là bản chất của virus", Akiko Iwasaki, giáo sư sinh học miễn dịch tại Đại học Yale, nói.
Ông Fauci cho biết các chủng virus corona khác gây ra cảm lạnh cũng có thể tái nhiễm. Tuy nhiên, các đợt tái nhiễm có thể xảy ra sau mỗi hai hoặc ba năm, vì virus không biến đổi nhiều.
Tuy nhiên, nCoV là trường hợp hoàn toàn khác. Các biến chủng phụ của Omicron phát triển rất nhanh chóng, hiệu quả trong việc né tránh miễn dịch. Kết hợp với đó là tình trạng suy giảm kháng thể tự nhiên theo thời gian ở người. Tiến sĩ Iwasaki nhận định "không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy các ca tái nhiễm xuất hiện ngày càng nhiều".
Điều này cũng đặc biệt đúng với những người đã nhiễm biến chủng BA.1 hồi mùa đông năm ngoái. BA.4 và BA.5 có các đặc điểm khá khác biệt với phiên bản đầu tiên của Omicron, vì vậy "không có gì đảm bảo" người đã nhiễm Omicron trong quá khứ sẽ an toàn trong đợt dịch mới.
Các chuyên gia chưa thể ước đoán số lần tái nhiễm ở một người. Với mức độ lây lan cao tại các nước như Mỹ, bất kỳ ai cũng có cơ hội tiếp xúc lần thứ hai, thứ ba với virus và tái nhiễm.
Tiến sĩ Julie McElrath, Giám đốc bộ phận vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, giải thích khả năng tái nhiễm của một người phụ thuộc vào độ mạnh của phản ứng miễn dịch và tình trạng tiêm phòng. Bà cho biết những lần mắc bệnh không triệu chứng cũng là hàng rào bảo vệ hiệu quả trước virus. Sau mỗi lần tiếp xúc với mầm bệnh, phản ứng miễn dịch trưởng thành và được củng cố xa hơn.
"Chúng ta nên coi việc tái nhiễm là một phần của cuộc sống bình thường mới. Hy vọng với nhiều lần mắc bệnh, phản ứng kháng thể sẽ liên tục cải thiện", bà nói.
Câu hỏi các nhà khoa học liên tục đặt ra trong suốt hai năm đại dịch là khả năng miễn dịch của Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu sau khi nhiễm bệnh? Ông Fauci cho biết giới khoa học vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể để kết luận điều này.
"Theo kinh nghiệm từ các bệnh truyền nhiễm khác, thời gian có thể là vài tháng. Đây là lúc bạn thực sự có đủ khả năng miễn dịch bền vững để không còn tái nhiễm nữa. Phần lớn, thời gian bảo vệ sẽ là vài tháng, nhưng (kháng thể) sẽ suy yếu dần", ông nói.
Nhiều trường hợp bệnh nhân tái nhiễm trong một khoảng thời gian ngắn hơn, khoảng 4 tuần. Nghiên cứu ở Qatar, chưa được bình duyệt đã phát hiện người nhiễm Omicron trong vòng 6 tháng có miễn dịch hiệu quả 80% đối với các biến chủng phụ BA.4 và BA.5. Tuy nhiên, kháng thể từ các đợt mắc bệnh trước đây (như Alpha hoặc Delta) kém hiệu quả hơn nhiều, chỉ 28%.
Phần lớn các ca tái nhiễm có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, nhờ vào mức độ miễn dịch.
Nghiên cứu tại Qatar với gần một triệu người cho thấy miễn dịch từ lần lây nhiễm trước có khả năng bảo vệ khoảng 97% khỏi chuyển nặng vì bất kỳ biến chủng nào. Nói cách khác, tái nhiễm không dẫn đến triệu chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, miễn dịch từ vaccine cũng hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong.
Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp phát triển triệu chứng nguy hiểm sau khi tái nhiễm, ví dụ những người tiếp xúc với lượng virus cao hơn nhiều so với lần đầu, hoặc khả năng miễn dịch đã suy yếu hoàn toàn. Ông Fauci cho biết người cao tuổi, có bệnh nền tiềm ẩn hoặc bị suy giảm miễn dịch vẫn có thể chuyển nặng.
Theo VnExpress