Nắng nóng kỷ lục đe dọa an ninh lương thực của châu Âu
Tin tức - Ngày đăng : 17:05, 20/07/2022
Theo đài RT (Nga), cây ngô đang trong giai đoạn ra hoa và thời tiết bất lợi có thể làm giảm số lượng hạt trong bắp khi đến thời điểm thu hoạch. Nhiệt độ ở một số khu vực ở châu Âu đã lên tới 47 độ C. Trong đó, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Liên minh châu Âu (EU) thường nhập khẩu một lượng lớn ngô từ Ukraine, chủ yếu được sử dụng làm thức ăn gia súc, nhưng năm nay các lô hàng đã bị hạn chế do xung đột. Điều này đã thúc đẩy giá của mặt hàng này tăng cao. Tại Paris, giá ngô kỳ hạn đã tăng 11% trong tháng 7 và giao dịch ở mức kỷ lục trong năm. Các cánh đồng hướng dương và đậu tương cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết khô nóng đang diễn ra.
Vụ thu hoạch lúa mì của châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng bức bất thường. Tuần trước, Pháp, nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu của EU, cho biết sản lượng lúa mì trong nước sẽ giảm khoảng 7% trong năm nay, xuống dưới mức trung bình 5 năm.
Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh nguồn cung lúa mì và các loại ngũ cốc khác từ các nhà sản xuất lớn - gồm Nga và Ukraine - giảm mạnh do xung đột. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu hàng đầu khác, chẳng hạn Ấn Độ và Kazakhstan, đã hạn chế hoặc cấm xuất khẩu ngũ cốc do lo ngại vấn đề an ninh lương thực trong nước. Những diễn biến này đã tạo ra cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu có thể xảy ra.
Các nhà khoa học cho biết tình trạng nắng nóng khắc nghiệt kéo dài trong năm nay nằm trong xu hướng biến đổi thời tiết trên toàn cầu. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng ở châu Âu dường như đang gia tăng về tần suất và cường độ với tốc độ nhanh hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới.
Ngoài hiện tượng Trái Đất nóng lên, với nhiệt độ trung bình cao hơn khoảng 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học chỉ ra một số yếu tố liên quan đến dòng lưu thông của khí quyển và đại dương khiến châu Âu trở thành điểm nóng sóng nhiệt.
Theo Báo Tin tức