Chủ nhân điểm tuyệt đối Olympic toán học 12 tiếng một ngày

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 18:48, 21/07/2022

Sau lần đầu giành huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm lớp 10, Ngô Quý Đăng lần thứ hai chinh phục cuộc thi này với số điểm tuyệt đối 42/42.

Một ngày sau khi trở về từ Na Uy với huy chương vàng cuộc thi Olympic toán quốc tế (IMO), Ngô Quý Đăng, lớp 12 Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), mới có thời gian trả lời tin nhắn chúc mừng của mọi người. Thức dậy sau giấc ngủ ở nhà, Đăng đã đỡ mệt vì chuyến bay và lệch múi giờ, sôi nổi kể về trải nghiệm đi thi ở xứ sở hạnh phúc.

"Na Uy có nhiều thứ để khám phá. Chúng em được thăm bảo tàng, khu vui chơi cảm giác mạnh, tòa thị chính của thành phố Oslo... và thưởng thức món ăn truyền thống", Đăng mở đầu bằng kỷ niệm chuyến đi.

Đăng là một trong sáu thí sinh đội Olympic toán học của Việt Nam đi thi năm nay và là người duy nhất trong đoàn giành 42/42 điểm. Lần gần nhất Việt Nam có thí sinh đạt điểm tuyệt đối tại kỳ thi này là năm 2013.

"Em làm hết nhưng vẫn lo vài chỗ liệu có bị trừ điểm. Đến khi thầy thông báo không mất điểm nào, em thực sự nhẹ nhõm và đi chơi thoải mái hơn", Đăng kể.


Đăng tới thăm Bảo tàng Munch, được đặt theo tên của hoạ sĩ nổi tiếng của Na Uy, Edvard Munch, sau khi giành huy chương vàng IMO 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tối muộn ngày 14.7 theo giờ Na Uy, Ban tổ chức công bố kết quả huy chương. "Em đã ăn mừng từ chiều, nhưng lúc biết kết quả của cả đội, em không vui lắm. Có hai bạn 28 điểm nhưng 29 điểm mới được huy chương bạc nên em tiếc cho các bạn", Đăng tâm sự.

Theo Đăng, năm nay có 10 thí sinh được điểm tối đa. Sáu thí sinh Trung Quốc và một thí sinh Nga đạt điểm tuyệt đối phải thi và nhận giải thưởng online. Khoảnh khắc là một trong ba em được mang cờ tổ quốc lên sân khấu nhận huy chương từ bà thị trưởng thành phố Oslo khiến Đăng thấy vinh dự.

"Em tự hào khi cầm cờ Việt Nam sánh ngang với các cường quốc năm châu. Mọi người vỗ tay chúc mừng, không khí lúc đó vui và ấm cúng. Đi thi trực tiếp thích hơn rất nhiều", Đăng cho hay, sau hai năm cuộc thi phải tổ chức trực tuyến do Covid-19.

Đây là lần thứ hai Đăng giành huy chương vàng IMO, lần đầu là năm 2020, khi em mới học lớp 10. Ở cả hai lần giành huy chương vàng, niềm vui vẫn là chủ đạo nhưng cảm xúc của Đăng có đôi chút khác biệt. Năm nay em được giao lưu với các đoàn từ hơn 100 nước khắp thế giới. Tiếng Anh không thật xuất sắc, "thỉnh thoảng nghe không hiểu" nhưng Đăng vẫn tự tin nói chuyện.

Năm ngoái, Đăng không có trong đội tuyển do trượt ở vòng tuyển chọn. Thất bại trở thành động lực để em phấn đấu cho giải năm nay. Đăng thừa nhận phần hình học vẫn là điểm yếu, chỉ có thể cải thiện bằng cách chú tâm học nhiều hơn, đi học thêm và đặt mục tiêu cao hơn.

"Em cũng không quá tiếc vì năm ngoái thi online, trong khi em có trải nghiệm đó rồi và muốn thi trực tiếp hơn. Huy chương đạt được năm nay xem như đã 'phục thù' được thất bại và có thành tích mới để không phải nhìn về quá khứ", Đăng cho hay.

Lần "sẩy chân" của Đăng là điều khó tin với các thầy cô, trong đó có tiến sĩ Lưu Bá Thắng, giảng viên Khoa Toán tin, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ôn luyện và gắn bó với Đăng từ năm em vào lớp 10 chuyên khoa học tự nhiên, tiến sĩ Thắng biết rõ khả năng của học trò.

"Lần ấy thi xong, tôi hỏi Đăng 'con làm bài thế nào?', nghe em ấy trả lời, mặt buồn lắm, tôi biết hỏng rồi. Tôi đã rất tiếc", thầy Thắng nhớ lại.

Tiến sĩ cho rằng sơ sẩy của Đăng một phần do chủ quan và chuẩn bị chưa tốt. Do đó, trong các buổi dạy đội tuyển năm lớp 12, thầy Thắng đặc biệt chú ý rèn Đăng. Giải xong một bài, thầy yêu cầu em lên bảng diễn giải, làm sao cho mọi góc cạnh của bài toán chỉn chu nhất.

"Đăng rất xuất sắc. Nhiều năm gần đây, tôi chưa thấy em nào học lĩnh vực của mình xuất sắc như thế", thầy Thắng nhận xét.

Đề thi Olympic toán có sáu bài, diễn ra trong hai ngày, mỗi ngày ba câu và kéo dài trong 4,5 tiếng. Đề được chọn ngẫu nhiên, bảo đảm mỗi trong bốn phân môn đại số, số học, hình học, tổ hợp được xuất hiện ít nhất một lần và nhiều nhất hai lần.

Đọc đề thi ngày một, Đăng ngạc nhiên và vui vì không có hình. Bài 1 và 2 ngang nhau, trong khi độ khó của bài 3 tăng lên rất nhiều khiến em mất phần lớn thời gian để giải quyết. Bài hình xuất hiện ở ngày thứ hai nhưng không phải bài khó nhất.

"Đề thi khá thuận lợi cho em. May mắn hai bài khó rơi vào số học và tổ hợp nên em được hưởng lợi nhiều", Đăng khiêm tốn trả lời.

Đăng áp dụng chiến thuật làm lần lượt nhưng có những bài trình bày dài, liên tục khoảng một tiếng cũng chán nên em dừng lại 10-15 phút để nghĩ thêm rồi quay lại làm tiếp. Trong lúc nghĩ chưa ra, em giải quyết các bài khác.

Trong cả hai ngày, Đăng đều còn khoảng 15 phút để xem lại bài. Rà soát một lượt, em bổ sung được một số chi tiết để bài làm dễ hiểu hơn. Nam sinh đánh giá đề thi năm ngoái khó hơn vì có hai bài hình và ngày một có tới hai bài khó. Hình là điểm mạnh của thí sinh Việt Nam nhưng không phải với Đăng.

Đăng làm quen với toán từ năm mới 4-5 tuổi khi được ông là giáo viên toán giới thiệu về số và các phép tính đơn giản. Niềm yêu thích với những con số lớn dần lên và trở thành đam mê bắt đầu khi Đăng vào cấp hai trường Archimedes. Ở đó, Đăng gặp các thầy cô giỏi, được truyền cảm hứng học toán.

Đăng cho biết em đi học thêm nhiều, chịu được áp lực của việc học nhiều ca hay 9-10 tiếng một ngày. Ngày bận rộn nhất, tính cả học thêm và tự học, Đăng dành 11-12 tiếng cho toán.

Lên cấp 3, chương trình đội tuyển của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên cho phép các em dành toàn tâm cho môn toán. Đăng có thời gian để viết lại những bài khó mà các thầy chữa cho vào một quyển sổ để có thể đọc lại. Đọc lần đầu chưa thấm nhưng càng đọc càng giúp Đăng hiểu được ý tưởng đằng sau bài toán và áp dụng được vào các bài tương tự.

Đăng từng đặt mục tiêu số bài làm được một ngày nhưng sau đó bỏ vì độ khó các bài không giống nhau và thời gian làm cũng khác.

"Nhiều bài em không giải được, cũng có khi em mất vài ngày mới nghĩ ra. Làm được bài vẫn luôn là một cảm giác sung sướng, khó tả", Đăng cho hay.

Tháng 9 tới, Đăng sẽ vào học ở Khoa Toán, Đại học Khoa học tự nhiên và dự định du học Pháp sau đó. Em bắt đầu học tiếng Pháp để chuẩn bị cho hành trình nghiên cứu toán học.

"Thi thoảng em cũng vấp ngã nhưng có nhiều cơ hội nên mỗi lần như vậy, em tiếp tục học và cố gắng. Ngay cả khi không được đi thi quốc tế, kiến thức em lĩnh hội được cũng không rơi đi đâu. Em còn kết thêm nhiều bạn có niềm đam mê giống mình", Đăng nói.

Theo VnExpress