Đề xuất xử lý các địa phương chậm, muộn tiêm vaccine

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:06, 22/07/2022

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng vừa yêu cầu Sở Y tế báo cáo cụ thể tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các huyện, thị xã, thành phố.

Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Ảnh Trần Yến (Đài Phát thanh Tứ Kỳ)

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh sẽ đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh biện pháp xử lý đối với những địa phương để xảy ra tình trạng chậm, muộn tiêm vaccine.

Tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hải Dương, đặc biệt là mũi 3 và mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên trong thời qua tăng khá chậm. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến ngày 21.7, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tiêm 3 mũi đạt 75,99%, tiêm 4 mũi đạt 4,6%, tăng lần lượt 1,06% và 2,38% so với ngày 1.7. 

Huyện Cẩm Giàng đang dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 3 mũi, đạt 87,37%, kế tiếp là các huyện Gia Lộc 83,68%, Thanh Miện 82,98%. Tỷ lệ này ở 7 địa phương khác đạt từ 70,22-79,96%; hai huyện Nam Sách, Bình Giang thấp nhất, đạt lần lượt là 62,7% và 63,16%.

Số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 4 mũi vaccine hiện ở mức rất thấp. Huyện Ninh Giang mới có 291 người đã tiêm mũi 4, đạt 0,38%, thấp nhất tỉnh. Tỷ lệ này ở 11 địa phương còn lại cũng chỉ dao động trong khoảng từ 2-8%.

Trong khi đó, chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và các nhóm tuổi phía dưới cũng diễn ra khá chậm. Đến ngày 21.7, toàn tỉnh mới có 27,06% trẻ từ 12-17 tuổi tiêm 3; 54,17% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm 1 mũi, 33,28% tiêm 2 mũi. 

Tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 đạt thấp như Nam Sách, Ninh Giang… tình trạng người dân không tiêm hoặc còn lưỡng lự tiêm mũi 3 và mũi 4 khá nhiều. Có nơi y tế thôn, xã nhiều lần tuyên truyền, đến tận nhà gửi giấy mời, vận động, thuyết phục nhưng người dân không đi tiêm. Ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc, thường chỉ đạo bằng văn bản mà thiếu sự đôn đốc, giám sát, coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ của y tế…

Khoảng 2 tháng trở lại đây, mỗi ngày Hải Dương chỉ ghi nhận vài chục ca mắc Covid-19 mới. Hơn 80 ngày đã qua, toàn tỉnh không có bệnh nhân tử vong. Dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát khiến chính quyền nhiều nơi và phần đông người dân có tư tưởng chủ quan, thờ ơ. Hiện toàn tỉnh vẫn còn trên 9.000 người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm phòng vaccine phòng Covid-19. Một tỷ lệ lớn trẻ em cũng chưa được tiêm vaccine.

Dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nhất là khi các biến thể mới của Omicron đang dần thay thế biến chủng cũ. Hải Dương đã xuất hiện biến thể BA.5.2 - một biến thể có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch và tăng khả năng lây nhiễm tới 12% so với biến thể cũ. Trường hợp ở TP Hải Dương nhiễm biến thể này là người trẻ tuổi, đã tiêm 3 mũi vaccine. Điều đó cho thấy người dân dù đã tiêm đủ mũi vaccine vẫn có nguy cơ nhiễm hoặc tái nhiễm với SARS-CoV-2. Những người chưa tiêm vaccine, nhiều bệnh nền khi mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong cao.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết nguồn cung ứng vaccine hiện rất phong phú. Bộ Y tế sẵn sàng cấp đủ số vaccine khi tỉnh đề xuất. Đến ngày 21.7, Hải Dương vẫn còn tồn 36.400 liều. 

Để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng, người dân cần chủ động đi tiêm vaccine khi đến lịch. Chính quyền các địa phương phải coi công tác tiêm phòng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm hàng đầu hiện nay. Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc một cách thực chất, có những giải pháp phù hợp hơn để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Có như vậy mới bảo vệ được thành quả chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả.

BÌNH MINH