Thời bão giá, không thân xin đừng tìm nhau bằng được để mời cưới
Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 24/07/2022
Thật khó xử khi nhận thiệp mời cưới của những người không có mấy tương tác trong đời thực
Tôi gặp lại người bạn, nói đúng hơn là người quen cũ sau nhiều năm. Chúng tôi học cùng trường hồi cấp ba, không thân, chỉ cùng trong đội bóng của trường. Sau khi tốt nghiệp, hãn hữu lắm chúng tôi mới gặp nhau trong đám cưới của một số bạn cũ, và đã không nhìn thấy nhau gần chục năm nay.
Mới đây trong một cuộc nhậu, tôi gặp lại người này. Sau khi hỏi han tình hình các bạn ngày xưa, đứa này vẫn chưa kết hôn, đứa kia đã ly dị..., cậu ấy nói mình cũng sẽ lấy vợ lần thứ hai và sẽ mời tôi dự hôn lễ vào cuối tuần sau đó. Vì không thân thiết, tôi không muốn dự nên ý nhị nói luôn là những ngày đó tôi bận, không thể đi được. Tôi cũng lảng tránh khi được hỏi địa chỉ hay số điện thoại.
Ấy vậy mà không hiểu bằng cách nào, cái thiệp mời cưới của cậu vẫn đến được tay tôi qua một người bạn chung. Tôi định bụng sẽ "ỉm đi" thì sau đó nhận được cuộc gọi của chú rể để nhắc lại lời mời.
Cuối cùng thì tôi cũng không dự đám cưới ấy. Nhưng để có sự "kiên định" của ngày hôm nay, tôi đã trải qua nhiều năm cả nể, đi hàng trăm đám cưới của người mình chỉ quen biết sơ sơ dù trong lòng không muốn. Đó là những người tuy quen nhưng rất ít tương tác trong đời thực; ngày thường hầu như chẳng hỏi han gì đến nhau, không trò chuyện gặp gỡ, gần như chỉ nhớ đến nhau khi đưa thiệp cưới. Thật ngán ngẩm khi vừa mất thời gian, không vui vì phải ngồi ăn cỗ với những người không phải "cạ" của mình, vừa tốn kém, rất tốn kém. Có những tháng, tôi mất đến 1/3 tháng lương cho những đám cưới người dưng như vậy.
Sau 2 năm ít phải đi đám cưới vì COVID-19, gần đây tôi lại "cháy túi" vì liên tục nhận được mời ăn cỗ. Dù đã xác định bỏ qua những tấm thiệp đến từ mối quan hệ "trời ơi đất hỡi" như trường hợp trên, tôi vẫn phải đau đầu vì tiền mừng, vì rất nhiều người tuy không thân nhưng vẫn nằm trong vùng "đi cũng dở, không đi cũng dở".
Thật ra, tôi là người thích đi ăn cưới, nhưng là đám cưới của những người mình có tình cảm và có tương tác, như họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác thân thiết. Mối quan hệ đó phải đủ để tôi muốn chia sẻ niềm vui hoặc thể hiện sự quan tâm của mình đối với họ trong ngày trọng đại. Nếu không, chiếc thiệp mời sẽ trở thành gánh nặng, chẳng khác gì cái phiếu thu tiền, nó không truyền tải một điều nào khác ngoài thông tin bạn sắp mất một khoản tiền. Mà trong thời buổi kinh doanh khó khăn, việc làm khó kiếm, thu nhập dễ giảm khó tăng, còn giá cả thì "lớn nhanh như thổi" hiện nay, tiền mừng cưới cũng là một con số đáng kể.
Đám cưới là nơi mọi người đến chung vui với cô dâu chú rể và gia đình hai bên; điều này đòi hỏi mối quan hệ thân tình hoặc thân thiết nhất định. Tiền mừng thực chất là quà cưới, vừa thể hiện chút tình, vừa là sự chia sẻ với gia đình. Nhưng cái kiểu mời cả những người có quan hệ "bắn đại bác không tới", hay bạn bè cả đời không gặp thì dễ bị hiểu là ép người dưng góp tiền lo đám cưới cho mình.
Nhiều người sẽ lý luận rằng họ mời hết, không dám bỏ sót ai vì "ma chê, cưới trách", nhưng nếu như ngày thường đã không có giao tình thì làm sao người ta nhớ đến để mà trách cơ chứ! Còn trong thời bão giá, khan tiền này, né được một cái đám cưới xã giao, người ta càng mừng. Tôi chỉ muốn nhắn các cô dâu chú rể cũng như phụ huynh có con sắp thành gia thất, nếu không đủ thân thiết xin đừng cố tìm nhau bằng được để mời đi ăn cưới.
Theo VTC