Hải Dương kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông với các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên và TP Hải Phòng

Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 20:06, 28/07/2022

Chiều 28.7, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và TP Hải Phòng phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương trao đổi với lãnh đạo VCCI tại diễn đàn kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kỳ họp lần thứ 3 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đang diễn ra tại TP Hạ Long từ ngày 26-29.7. Đây là dịp để 4 tỉnh, thành phố giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp APEC và trong nước về tiềm năng và cơ hội đầu tư, từ đó thúc đẩy liên kết vùng giữa các địa phương nằm dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái. 

Tham dự diễn đàn có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương; Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên. Cùng dự có các đồng chí: Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hải Phòng; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, TP Hải Phòng và các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trên. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của gần 300 đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp APEC, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và TP Hải Phòng ký kết thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông

Phát biểu khai mạc và chào mừng diễn đàn, các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh; Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định liên kết hợp tác tạo sức mạnh nên việc kết nối trục cao tốc phía đông hướng tới xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới để phát huy lợi thế của 4 tỉnh, thành phố. Việc liên kết 4 địa phương sẽ tạo ra vùng có diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh, 8 lần so với TP Đà Nẵng. Các tỉnh, thành phố này có lợi thế lớn về kết nối hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước để khai thác những tiềm năng nổi trội.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Trong lịch sử, dòng sông luôn là trục phát triển kinh tế và kết nối các trung tâm kinh tế, văn hoá. Ngày nay, đường cao tốc là tiền đề cho sự phát triển. Trục cao tốc phía đông là tiền đề cho sự kết nối kinh tế của 4 tỉnh, thành phố. Liên kết sẽ tạo ra không gian, tầm nhìn mới để phát triển kinh tế quy mô lớn, thúc đẩy và thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án chất lượng, tầm cỡ”. Với vai trò cầu nối, VCCI cam kết sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng 4 tỉnh, thành phố tạo ra mô hình liên kết vùng thành công với các hoạt động thực chất, cụ thể, đem lại hiệu quả tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế bền vững.


Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận kết nối trục cao tốc phía đông, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng khẳng định sự kiện này là cơ hội để 4 địa phương bàn bạc, đề xuất các nội dung, lĩnh vực kết nối để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hải Dương có hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện và kết nối tương đối đồng bộ với 2 tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên và TP Hải Phòng. Tỉnh có thế mạnh trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp mang lại nhiều giá trị gia tăng. Hải Dương đang khẩn trương triển khai 6 khu công nghiệp mới và mở rộng với tổng diện tích trên 1.200 ha. Hiện tỉnh đang quy hoạch vùng công nghiệp động lực với quy mô khoảng 10.000 ha, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp. Với dân số khoảng 2 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động gần 1 triệu người được đào đạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Nguồn nhân lực của tỉnh bảo đảm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Các trục giao thông kết nối sẽ mở rộng cơ hội hợp tác giữa các tỉnh, thành phố bằng các trung tâm logistics. 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh Hải Dương mong muốn kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông được xây dựng trên nguyên tắc hợp tác chân thành, triển khai hiệu quả cùng chia sẻ lợi ích để mở ra cơ hội cho các bên. Sau hội nghị, Hải Dương sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố và VCCI để cụ thể hoá việc kết nối bằng các chương trình, hoạt động cụ thể. 


Các đại biểu tham dự hội nghị

Trong khuôn khổ diễn đàn, Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và TP Hải Phòng ký kết thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía đông. Trên nguyên tắc kết nối hợp tác chân thành, triển khai thực chất, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng. Nâng cao hiệu quả khai thác cơ sở hạ tầng trong vùng nhằm kết nối với thị trường trong nước, Trung Quốc và quốc tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng bộ trên cơ sở nâng cao chất lượng điều hành kinh tế… Các địa phương triển khai liên kết trên 8 lĩnh vực, gồm xúc tiến thương mại, đầu tư; giao thông, dịch vụ hậu cần logistics; chuỗi cung ứng sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ; cải thiện môi trường kinh doanh; đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; nông nghiệp, chế biến nông sản và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong giai đoạn 2022-2025, 4 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp cao hơn mức trung bình cả nước, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Cải thiện, giữ vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, phấn đấu mỗi năm có ít nhất 4 hoạt động chung cấp vùng. Kết nối, phát triển cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025.

Để triển khai chương trình hợp tác này, các bên thống nhất thành lập Hội đồng Kết nối vùng là cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo. Thành viên hội đồng gồm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và VCCI. Hội đồng sẽ có 2 đồng Chủ tịch, trong đó 1 Chủ tịch của địa phương được cử luân phiên hằng năm và Chủ tịch VCCI. Ban Thư ký hội đồng là cơ quan giúp việc hội đồng và thường trực điều phối các hoạt động liên kết. Đồng thời thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vùng là cơ quan kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong vùng. VCCI chịu trách nhiệm thành lập và hỗ trợ hoạt động của cơ quan này. Các nội dung ký kết được triển khai bằng cách cụ thể hoá các chương trình, kế hoạch hoạt động riêng, có sự đồng thuận, thống nhất của các bên tham gia. Trong quá trình triển khai, nếu có phát sinh các nội dung mới, các vấn đề chưa thống nhất thì Ban Thư ký tổng hợp, báo cáo, xin ý kiến các thành viên hội đồng.

Trước đó, góp ý vào nội dung thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương đánh giá trước đây 4 tỉnh, thành phố đã hình thành các liên kết song phương, đa phương nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Với những điểm tương đồng về giao thông, địa lý, việc kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông là động lực để các địa phương khai thác thế mạnh nội tại và tranh thủ lợi thế của tỉnh, thành phố lân cận đẩy mạnh phát triển. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng cho rằng muốn kết nối thành công, hiệu quả phải thay đổi tư duy, nhận thức về liên kết. Trong đó, phải đặt doanh nghiệp, người dân là chủ thể của liên kết và cũng là yếu tố để liên kết bền vững. Lấy dẫn chứng các đợt dịch Covid-19 vừa qua là bài học sâu sắc về liên kết, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh tỉnh không cầu toàn, không nóng vội nhưng kỳ vọng kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông vươn lên tầm cao mới trên cơ sở các địa phương cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhau.

NGUYỄN MƠ - ĐỖ QUYẾT