Chàng trai về quê lập nghiệp để chăm bố ốm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:39, 01/08/2022

Tốt nghiệp đại học với công việc ổn định nhưng chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Phương ở xã An Lâm (Nam Sách) lại bỏ việc về quê, mở trang trại nuôi chim công, và có thu nhập từ 500 - 700 triệu mỗi năm.


Trang trại nuôi công của anh Phương có gần 200 cá thể chim bố mẹ

Khởi nghiệp với chim công

Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Nguyễn Văn Phương về công tác tại Xí nghiệp Địa chất mỏ Đông Bắc với công việc ổn định. Tuy nhiên, do phải đi làm xa nhà, bố lại bị tai biến nên anh quyết định bỏ việc về quê lập nghiệp để gần gia đình, tiện chăm sóc bố.

Khi mới về quê, anh tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi như nuôi nhím, thỏ New Zealand... Một lần tình cờ đọc báo, thấy mô hình nuôi chim công rất thú vị, bản thân lại đam mê chăn nuôi gia cầm từ bé nên anh đã thử sức với mô hình này. Nghĩ là làm, anh vay vốn người thân và ngân hàng được 92 triệu đồng, mua một đôi chim công sinh sản, một đôi chim trĩ bảy màu, vịt trời và một số giống gia cầm dễ nuôi khác.

Năm 2015 anh Phương khởi nghiệp. Khi đó có rất ít mô hình nuôi công tại Việt Nam, còn nhiều thứ mới lạ trong chăn nuôi với anh do chưa nắm rõ đặc tính, thói quen, cách chăm sóc, chữa bệnh cho công. Qua thời gian, anh cũng đúc rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Anh cho biết công thuộc họ trĩ, bộ gà nên áp dụng cách chăm sóc, chữa bệnh của gà thì hiệu quả cũng được 80%. Chế độ ăn cho chim công đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng hơn gà. Do công là loài lông vũ, cần có bộ lông đẹp nên cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất. Thức ăn chủ yếu gồm thóc trộn với rau và cám. 


Anh Nguyễn Văn Phương giới thiệu con chim công má vàng có giá trị nhất trong trang trại

Những lứa chim đầu tiên được ấp nở thành công, anh đăng lên các hội nhóm trên Facebook và được nhiều người hỏi mua. Thấy chim công và chim trĩ có sức đề kháng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên anh mở rộng quy mô.

Trong 7 năm nuôi chim công, có những thời điểm khó khăn mà anh muốn bỏ nghề. “Đó là năm 2018, khi bố tôi mất. Năm đó, tôi nhập được đàn chim công trắng về nhưng lại bị dịch bệnh. Thời gian chăm sóc bố, tôi không để ý nhiều đến đàn chim nên cả đàn chết hết, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Lúc đó, tôi đã có ý định bỏ nghề nhưng lại cố gắng. Sau 1 năm, tôi đã gỡ lại được”, anh Phương nhớ lại.

Trang trại công 4.000 m2

Vượt qua giai đoạn khó khăn, trang trại nuôi công của anh Phương hiện đã có quy mô 4.000 m2 với gần 200 cá thể chim bố mẹ trưởng thành, sinh sản ra hàng nghìn con chim giống mỗi năm. Thị trường tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Giá bán chim giống 1 tháng tuổi, đã tiêm vaccine tại trại của anh Phương dao động từ 1,8-7 triệu đồng/cặp, tùy từng loại. 

Chim công thường sinh sản vào cuối mùa xuân đến đầu mùa hạ. Hết thời điểm đó, chim công bố mẹ sẽ rụng và thay lông. Tận dụng bộ lông này, anh bán cho các cơ sở thu mua với giá bình quân khoảng 3 triệu đồng/bộ. Ngoài ra, anh còn bán cho một số người có thú chơi tiêu bản công trong nhà với giá khoảng 40 triệu đồng/tiêu bản công.


Một tiêu bản chim công trắng Ấn Độ được trưng bày trong nhà anh Phương

Đến nay, trang trại công giúp anh thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng mỗi năm. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình giúp anh trả hết nợ, xây dựng nhà cửa khang trang, có của ăn, của để. Thời gian tới, anh Phương muốn phát triển những con giống tốt hơn; đẩy mạnh tìm kiếm, nhân giống loài công má vàng do đây là giống chim quý hiếm.

LINH LINH