Nông dân thiệt nặng vì thờ ơ với bảo hiểm nông nghiệp

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:32, 03/08/2022

Nhiều nông dân không quan tâm mua bảo hiểm nông nghiệp nên đến khi bị thiệt hại nặng mới ngậm ngùi tiếc nuối.

Hiện nay, nông dân vẫn rất thờ ơ, thậm chí là xa lạ khi nhắc tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Chỉ đến khi rủi ro xảy ra, thiệt hại lớn, họ mới ngậm ngùi tiếc nuối.

Thiệt hại lớn

Khoảng giữa tháng 7, trang trại lợn thuộc Công ty CP Thuốc thú y Amavet ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân (Nam Sách) cháy lớn làm hệ thống trần chống nóng bị thiêu rụi hoàn toàn, 300 lợn con và 100 lợn nái chết. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện. Ước tính, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 1 tỷ đồng. 
Gần 3 giờ sáng 21.7, trang trại của chị Bùi Thị Thúy ở thôn Quế Lĩnh, xã Thượng Quận (Kinh Môn) bị sét đánh vào đường dây điện, làm hỏng hoàn toàn 10 chiếc quạt thông gió của dãy chuồng 1.200 m2. Sự cố đã làm 6.000 con gà thịt ở 4 khoang giữa chết ngạt. Số gà chết đều ở lứa chuẩn bị xuất chuồng, trọng lượng từ 2,8-3 kg/con. Ước tính gia đình chị Thúy thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng. 


3. 400 con lợn của trang trại bị chết do cháy mái trần                         Ảnh: Danh Trung


Trang trại có hệ thống điện dự phòng nhưng lại không có hệ thống quạt thông gió dự phòng, không lường trước sự cố có thể xảy ra nên đã có thiệt hại lớn. Bắt đầu nuôi gà từ năm 2019, tuy nhiên chị Thúy cũng không hề biết tới BHNN. Theo chị Thúy, trang trại chuyên nuôi gà gia công cho công ty ở TP Hải Phòng nên chỉ làm theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty chứ chưa tìm hiểu BHNN.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Quận, trên địa bàn xã có hai trang trại chăn nuôi lớn gồm trang trại của chị Thúy và một trang trại chăn nuôi lợn với khoảng 500 con lợn thịt. Hiện chủ của 2 trang trại này cũng chưa tham gia BHNN. “Trước đây, khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, chúng tôi đã khuyến cáo nông dân nên mua bảo hiểm nhưng chưa trang trại nào quan tâm”, ông Minh nói.

Sự cố ở 2 trang trại trên cho thấy nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nông dân có thể mất trắng tài sản bất cứ lúc nào, nhưng hầu hết nông dân không quan tâm hoặc thậm chí chưa biết tới BHNN. Mặc dù cả 2 trang trại nêu trên, chủ các cơ sở đều nuôi gia công nên doanh nghiệp là đơn vị phải chịu thiệt hại lớn nhất, sau đó mới tới các hộ chăn nuôi. Nếu chủ doanh nghiệp hoặc nông dân tham gia bảo hiểm thì thiệt hại về kinh tế sẽ được san sẻ bởi các công ty bảo hiểm.

Chính sách chưa gần dân?

Nhằm giảm thiệt hại, rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 315/2011/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm BHNN. Tuy nhiên đến nay, loại bảo hiểm này vẫn chưa đủ sức hút, nông dân không tha thiết, doanh nghiệp bảo hiểm cũng không nhiệt tình. 

Mặc dù được triển khai từ lâu nhưng BHNN vẫn còn xa lạ với người dân trong tỉnh. Nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ như Bảo Việt, Bảo Minh, PJICO… đều có sản phẩm bảo hiểm cho cây trồng (cây lúa), bảo hiểm vật nuôi (trâu, bò, lợn), bảo hiểm nuôi trồng thủy sản (tôm)… nhưng các doanh nghiệp này mới chỉ cung cấp BHNN cho nông dân tại 20 tỉnh, thành phố nằm trong chương trình hỗ trợ chính sách BHNN của Chính phủ. 

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, chi phí cao, cơ chế chính sách chưa phù hợp và chưa được tuyên truyền rộng rãi là nguyên nhân chính khiến BHNN còn xa lạ với người chăn nuôi.

BHNN được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hiện đại, giảm  rủi ro cho người nông dân. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có hộ nông dân hay doanh nghiệp nào tham gia. Đây là thực trạng đáng buồn. Điều này chứng tỏ các chính sách BHNN chưa gần gũi và thiết thực với nông dân và doanh nghiệp.

PV