Đặt tên cho con xưa và nay

Gia đình - Ngày đăng : 06:00, 08/08/2022

Việc đặt tên cho con có nhiều khác biệt giữa thời xưa và nay. Ông bà ta xưa thường đặt tên cho con mộc mạc, gần gũi, còn ngày nay cha mẹ lại khá cầu kỳ trong việc này.


Hầu hết tên hoa hậu đều là những tên hay

Đơn giản, dễ nhớ

Người xưa thường sinh nhiều con, ít thì 4-5, nhiều lên tới 9-10 người, có nhà còn đông hơn. Để dễ nhớ, cha mẹ thường đặt cho các con cái tên rất gần gũi, gắn với những thứ xung quanh mình… Khi liên kết những cái tên ấy với nhau lại rất vần, nhiều người nghe không thể nhịn cười.

Ở TP Hải Dương có nhà họ Đoàn sinh được 6 người con cả trai lẫn gái. Họ đặt tên cho các con lần lượt là Măng, Mì, Miến, Cân, Nhắc, Thêm. Ở Nam Sách lại có gia đình đặt tên cho các con lần lượt là Nước, Non, Sóng, Sánh. Có nhà đặt tên con lần lượt là Thư, Từ, Thứ, Tự. Cũng tại huyện này có nhà họ Phạm đặt tên cho 3 người con lần lượt là Cân, Hạt, Mít…  Ở huyện Gia Lộc, có gia đình đặt tên con là Nên, Chăng, Tròn, Trĩnh… 

Các loại cây ăn quả như mít, na, bưởi, xoài hay một số vật dụng như dao, thuổng, bát, ly, liềm, niêu, ấm… cũng được người xưa "tận dụng" đặt tên cho con. Một gia đình ở Thanh Miện có 10 người con đặt tên theo thứ tự Nhất, Hai, Ba, Bốn, Năm, Sáu, Bẩy, Tám, Chín, Mười, sau này đẻ thêm một cô con gái út thì đặt tên là Thêm.

12 con giáp trong tín ngưỡng dân gian cũng được người xưa dùng để đặt tên cho con. Con sinh vào năm con giáp nào thì đặt tên con theo năm ấy. Ví dụ sinh vào năm con dê thì đặt tên là Mùi, sinh vào năm con lợn thì đặt tên là Hợi… Có nhà đặt tên cho con theo các hiện tượng thiên nhiên như Mưa, Bão.

Người xưa đặt tên cho con theo nhiều cách nhưng không phải tốn quá nhiều công suy nghĩ. Đặt xong tên cho con đầu lòng, họ thường đã nghĩ ra cái tên cho những người con tiếp theo làm sao liên quan, ghép vào thành vần cho dễ nhớ. Cụ Nguyễn Thị Phụ ở huyện Tứ Kỳ sinh con đầu lòng là Biển, sau đặt tên con thứ là Khơi. Con thứ 3 được cụ đặt tên là Khởi, con thứ 4 và thứ 5 đặt là Nghĩa và Quân. Tên 5 người con của cụ Phụ khi ghép lại tạo thành hai cụm từ có ý nghĩa là “Biển - Khơi” và “Khởi - Nghĩa - Quân”. Họ của con thì mặc nhiên được đặt theo họ cha còn tên đệm phổ biến là “Thị” đối với nữ và “Văn” đối với nam. “Thế hệ chúng tôi đặt tên cho con làm sao để dễ nhớ là được”, cụ Phụ nói.

Theo các cụ cao niên, người xưa đặt tên cho con thường tránh tên vua, chúa hay tên huý của các vị thành hoàng.  Thậm chí, đặt tên con càng xấu càng khoẻ mạnh, dễ nuôi. Có nơi, người xưa còn quan niệm nếu đặt tên con đẹp thì sẽ bị “ma bắt”. Ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) có lăng mộ thờ bà chúa Chén là Đệ tam cung tần Vương Phủ Nguyễn Thị Ngọc Chén. Người xưa không ai dám đặt tên con giống tên bà và cũng thường gọi cái chén uống nước là cái “chởn” vì sợ những điều xui xẻo, không may sẽ xảy ra.

Người xưa cũng hiếm khi đặt tên con trùng với tên người trong họ. Thế nên mới có chuyện nhiều người phải làm lại giấy khai sinh vì bị người trong họ phản ứng…

Cầu kỳ

Trái ngược với người xưa, nhiều cha mẹ hiện nay thường rất cầu kỳ trong việc đặt tên cho con. Họ thậm chí đã nghĩ tới việc đặt tên cho con từ khi chưa mang thai. Những cái tên thường dài. Con không chỉ còn mang họ cha mà có thể còn cả họ mẹ. Tên đệm ít khi còn là “Thị” hay “Văn” mà thay bằng những từ nghe hay hơn nhiều.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh ở Cẩm Giàng sinh con trai đầu lòng cách đây nửa năm. Từ khi con chưa lọt lòng, vợ chồng chị đã lên mạng tìm hiểu về cách đặt tên hay, ý nghĩa cho con. Bố mẹ hai bên và người thân cũng tham gia đề xuất nhiều cái tên cho con nhưng vợ chồng chị không ưng ý. Ngay cả vợ chồng chị cũng mỗi người một ý. Chỉ đến khi sinh được hơn 10 ngày thì vợ chồng chị mới “chốt”. Chị Lan Anh chia sẻ: “Cháu tên là Nguyễn Tuấn Hải Đăng. Tuấn ở đây có nghĩa là tuấn tú, còn Hải Đăng là ngọn đèn soi sáng. Với cái tên này vợ chồng tôi mong cháu lớn lên sẽ luôn khoẻ đẹp, thông minh, sáng suốt”.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ còn lên mạng để tra cứu tên hay cho con. Thậm chí họ còn cài đặt cả ứng dụng đặt tên con theo tuổi bố mẹ tốt nhất trên điện thoại để dễ nghiên cứu. Anh Trần Văn Huy ở TP Hải Dương còn đi nhờ cả một nhà sư giúp đặt tên cho con. Sau khi xem, nhà sư này đặt cho con gái anh cái tên khá dài là Trần Thị Phương Mỹ Hân. “Tên con cũng phải hợp cung tướng số, mệnh của bố mẹ thì nhà cửa mới yên ấm, làm ăn phát đạt”, anh Huy quan niệm.

Không ít cha mẹ đặt cho các con cùng một cái tên, chỉ khác tên đệm. Ví dụ như một gia đình sinh hai con trai đặt tên lần lượt là Nguyễn Hoàng Anh và Nguyễn Đức Anh. Một cặp vợ chồng khác sinh hai con gái đặt tên là Nguyễn Lê Hoài Trang và Nguyễn Lê Minh Trang…

Quan niệm trong cách đặt tên cho con giữa thời xưa và nay đã có sự thay đổi. Đặt tên cho con là việc quan trọng nhưng cái chính là cha mẹ cần chăm sóc, giáo dục con để sau này chúng lớn lên sẽ trở thành những người sống có hiếu, đạo đức, giúp ích cho gia đình và xã hội.

BÌNH MINH