Kiểm định chất lượng đầu vào công chức từ năm 2024
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 12:36, 08/08/2022
Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành dự thảo Nghị định hướng dẫn kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bắt buộc kiểm định chất lượng
Theo tinh thần của Nghị quyết số 26 ngày 19.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cần phải kiểm định chất lượng đầu vào của công chức để tuyển dụng công chức theo yêu cầu.
Theo khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2008 cũng khẳng định: Thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 37 của Luật này. Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.
Từ 2024, tất cả công chức phải kiểm định chất lượng đầu vào (trừ một số trường hợp)
Theo đó, khi tuyển dụng công chức, bắt buộc phải kiểm định chất lượng đầu vào trừ các đối tượng sau đây:
- Các đối tượng được tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức xét tuyển: Người cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Người học theo chế độ cử tuyển và sau khi tốt nghiệp thì về công tác tại địa phương nơi cử đi học. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
- Đối tượng được tiếp nhận vào công chức không thông qua thi tuyển và xét tuyển: Viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập. Cán bộ, công chức cấp xã. Người hưởng lương trong quân đội, tổ chức cơ yếu nhưng không phải công chức. Người đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng… của doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp Nhà nước có 50% vốn điều lệ… được bổ nhiệm vào công chức để giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Người trước đây là cán bộ, công chức và sau đó được điều động, luân chuyển giữa các vị trí khác không phải cán bộ, công chức tại cơ quan, tổ chức khác.
Như vậy, trừ các đối tượng này, những người khác khi được tuyển dụng vào công chức thì bắt buộc phải thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào.
Điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng
Mặc dù quy định là thế nhưng tại thời điểm Luật sửa đổi năm 2019 có hiệu lực vẫn chưa có văn bản nào được ban hành hướng dẫn kiểm định chất lượng đầu vào công chức mà mới chỉ có dự thảo Nghị định về vấn đề này.
Theo đó, điều kiện đăng ký tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức được nêu tại Điều 3 dự thảo gồm: Có quốc tịch Việt Nam; Đủ 18 tuổi trở lên; Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời/bằng tốt nghiệp có trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu kiểm định.
Đặc biệt, tại khoản 2 Điều 3 dự thảo nêu rõ những đối tượng không được đăng ký kiểm định gồm: Người không cư trú (không có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú) tại Việt Nam; Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa mà chưa được xóa án tích; đang bị xử phạt hành chính bằng hình thức đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Thủ tục kiểm định chất lượng
Nghị định cũng hướng dẫn kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo trình tự, thủ tục sau đây: Thi trắc nghiệm trên máy tính; Những bài thi trắc nghiệm kiểm định chất lượng đầu vào công chức cần phải kiểm tra được về hiểu biết của người kiểm định về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy Nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị, xã hội; quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân; kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ.
Ngoài ra, những bài kiểm định cũng phải đánh giá được năng lực tư duy, nhận thức, khoa học cũng như năng lực ứng dụng các kiến thức vào thực tiễn của thí sinh.
Với người thi tuyển vào vị trí yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, không quá 100 câu hỏi kiểm định. Người thi tuyển vào vị trí yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, không quá 80 câu hỏi.
Xếp loại kết quả kiểm định
Đến ngày 31.12.2023, sẽ vẫn thực hiện thi tuyển công chức theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP
Trình tự tổ chức kiểm định: Bước 1, danh sách thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ được thông báo và niêm yết công khai trên Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử và trụ sở làm việc của cơ quan kiểm định; Bước 2, tổ chức kiểm định trong thời gian chậm nhất 15 ngày kể từ ngày triệu tập, thông báo; Bước 3, thông báo kết quả kiểm định ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài. Đặc biệt, việc kiểm định không thực hiện phúc khảo; Bước 4, báo cáo Bộ Nội vụ phê duyệt kết quả kiểm định trong 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm định. Và kết quả sau khi được phê duyệt sẽ được đăng công khai trên Trang thông tin điện tử/Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ và cơ quan tổ chức kiểm định.
Thời gian sử dụng của kết quả kiểm định là 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.
Theo khoản 3 Điều 10 dự thảo, có 2 trường hợp bị hủy bỏ kết quả kiểm định gồm: Cố tình khai không đúng thông tin trong Phiếu đăng ký kiểm định; Dùng bằng cấp không hợp pháp để đăng ký kiểm định/đăng ký tuyển dụng. Đặc biệt, sẽ không được đăng ký tham gia trong vòng 24 tháng nếu trước đó đã bị hủy bỏ kết quả kiểm định.
Thời hạn bắt buộc kiểm định. Đến ngày 31.12.2023, sẽ vẫn thực hiện thi tuyển công chức theo Nghị định 138/2020/NĐ-CP nhưng nếu người nào đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào thì không phải thi vòng 1.
Theo Người lao động