Món mới trên "bàn tiệc" OCOP

Kinh tế - Ngày đăng : 05:45, 09/08/2022

Sự gắn kết sản phẩm OCOP và du lịch cộng đồng góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, quảng bá du lịch, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững.


Các nghệ sĩ của Phường rối nước Thanh Hải tỉ mỉ gọt giũa, thổi hồn vào những con rối để phục vụ khán giả


Phát triển nhóm ngành mới dịch vụ du lịch gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) sẽ giúp các địa phương khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của văn hóa, ngành nghề truyền thống. Đây còn là cơ sở để tỉnh phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, gia tăng giá trị, góp phần xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu và bền vững.

“Món ăn” tinh thần

Xưa kia, thôn Cậy ở xã Long Xuyên (Bình Giang) nổi tiếng bởi những món đồ gốm tinh xảo làm nên tên tuổi làng nghề. Nhưng trong xu thế hiện đại, làng nghề bị mai một, những hộ làm nghề cũng vơi dần. Hiện cả thôn chỉ còn cha con nghệ nhân Vũ Xuân Năm và Vũ Xuân Hùng vẫn còn “giữ lửa” nghề. Gắn bó với nghề truyền thống, anh Hùng đã đăng ký tham gia chương trình OCOP với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề.

Nghệ nhân Vũ Xuân Hùng chia sẻ: “Bình vôi và thạp lý hoa nâu là 2 sản phẩm đồ gốm tiêu biểu của địa phương. Đây cũng là 2 sản phẩm bình dị và quen thuộc với người Việt xưa. Hiện sản phẩm này được khách hàng ưa chuộng vì không chỉ có giá trị về lịch sử, mà nó còn có ý nghĩa phong thủy, tượng trưng cho sự may mắn và bình yên. Có thể trong tương lai không xa, gốm Cậy sẽ là điểm đến tham quan, trải nghiệm của những người ưa thích tìm về cội nguồn”.

Cũng là nghệ thuật truyền thống, múa rối nước của Phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà) đang trở nên ngày càng gần gũi hơn với công chúng khi tham gia chương trình OCOP. Thanh Hải là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước có lịch sử lâu đời của Việt Nam. Phường hiện có 25 người, trong đó có 5 người đã được phong nghệ nhân. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống là cách mà các nghệ nhân đang gìn giữ và phát triển nghề múa rối nước ở Thanh Hải. “Từ một phường rối nước nhỏ, chỉ phục vụ người dân trong xã vào các dịp lễ, Tết thì nay Phường rối nước Thanh Hải đã được khán giả biết tới nhiều hơn thông qua các buổi biểu diễn trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả ở nước ngoài. Các tích trò đều gần gũi và giản dị với mỗi người dân Việt Nam. Khi biểu diễn ở nước ngoài thì chính những tích trò ấy lại là cách để văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế”, anh Nguyễn Văn Hưng, phó Phường rối nước Thanh Hải nói.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2021 – 2025, chương trình OCOP đổi mới khi có sự tham gia của nhóm ngành dịch vụ du lịch, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Rối nước Hồng Phong (Ninh Giang) và rối nước Thanh Hải (Thanh Hà) là 2 sản phẩm tiềm năng thuộc nhóm ngành này. Mặc dù số lượng các sản phẩm tham gia còn rất hạn chế nhưng đây là động lực để các địa phương khác học và làm theo. OCOP sẽ là “bước đệm” để các ngành nghề truyền thống vươn xa hơn và trở thành một “mắt xích” trong phát triển du lịch cộng đồng.



Sản phẩm truyền thống của gốm Cậy được nhiều khách hàng ưa chuộng


Gắn với du lịch cộng đồng

Ở giai đoạn hiện nay, các sản phẩm OCOP không chỉ đơn thuần là sản phẩm ngành nông nghiệp, mà còn thuộc lĩnh vực của các ngành khác như thủ công mỹ nghệ, thảo dược, dịch vụ - du lịch. Điều đó cho thấy chương trình phù hợp với thực tiễn và đi vào chiều sâu. Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hải cho biết: “Khi tham gia OCOP, địa phương mong muốn kết nối nhiều hơn nữa với các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là trong phát triển du lịch cộng đồng. Đây không chỉ là cách để gìn giữ truyền thống mà còn là cơ hội để múa rối nước đến gần hơn với công chúng”.

Trong hơn 3 năm thực hiện chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 128 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm này đều thuộc các nhóm ngành thực phẩm và đồ uống. Sự tham gia của nhóm ngành dịch vụ du lịch sẽ là “làn gió” mới trong chương trình OCOP. Để phát triển nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng gắn với chương trình OCOP, các chủ thể và địa phương cần quan tâm nhiều hơn nhằm hình thành các điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề như thêu ren, gốm, bánh đa, rối nước...

Theo bà Phạm Thị Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, sự gắn kết sản phẩm OCOP và du lịch cộng đồng sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, quảng bá du lịch, mang lại lợi ích kinh tế. Việc lồng ghép xây dựng các sản phẩm này sẽ làm phong phú cho chương trình du lịch nông thôn, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngược lại, nhờ vào du lịch giúp quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của các nhóm ngành khác. Các địa phương cần tận dụng thế mạnh của làng nghề truyền thống, mở rộng không gian du lịch, khai thác các giá trị văn hóa bản địa gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống. Kết nối với các đơn vị lữ hành du lịch, đưa du khách đến tham quan, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, nâng cao giá trị và mang lại thu nhập cho người dân.

TRẦN HIỀN