Phụ huynh chạy đôn chạy đáo mua sách giáo khoa

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:06, 10/08/2022

Đi ba nhà sách anh Hưng mới mua được 10/14 đầu sách mà con gái cần. Thấy đã có sách để con học vào thứ 2-3, anh quyết định "về đã" vì "quá mệt".

Hôm 8.8, anh Hưng, 42 tuổi (quận Cầu Giấy, Hà Nội), xin nghỉ làm buổi sáng để đi mua sách giáo khoa cho con gái lớp 7. Cách đây hai tuần, anh đã phải chạy sáu hiệu sách một ngày mới mua đủ sách giáo khoa cho con trai lớp 2. Do đó, để tránh lặp lại trải nghiệm mà anh gọi là "đánh vật", người bố đi mua sách cho con lớn sớm hơn gần một tuần trước ngày đi học, để "không mua được đủ ngay thì vẫn còn có thời gian đi tìm".

Điểm đến đầu tiên của anh Hưng là hiệu sách lớn nằm trên đường Láng (quận Đống Đa). Khi thấy giá sách giáo khoa lớp 7 chỉ còn vài cuốn, người bố thở dài, chỉ chọn được hai sách ngữ văn tập 1 và 2, toán tập 1 và khoa học tự nhiên tập 2. Chọn được cuốn nào, anh đánh dấu lại trong tờ giấy ghi những đầu sách cần mua. Đến gần trưa, người bố đến nhà sách thứ ba, chọn được tổng cộng 10/14 cuốn cần mua. Nhễ nhại mồ hôi, anh quyết định "đi về đã, mua nốt sau" vì "quá mệt".

Anh Hưng cho biết trường THCS của con gái có tổ chức cho phụ huynh đăng ký mua sách, nhưng phải trả đúng với giá bìa. "Mua ở hiệu sách thường được giảm 15-20%", người bố giải thích. Ngoài sách, anh còn mua thêm vở và dụng cụ học tập cho con.

Hiệu trưởng một trường tiểu học công lập tại quận Đống Đa khẳng định việc mua sách giáo khoa hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện của các gia đình. "Chúng tôi sẽ gửi danh mục sách, phụ huynh có thể đăng ký với trường một phần hoặc cả bộ, cũng có thể chủ động tự mua", vị này cho hay.

Với những gia đình khó khăn hoặc vì nhiều lý do không thể mua đủ đầu sách, trường sẽ cho học sinh mượn. Nguồn sách cho mượn này được lấy từ thư viện hoặc quỹ sách được các học sinh ủng hộ trước khi lên lớp. Theo vị này, quận và thành phố cũng không ban hành quy định hay yêu cầu nào về việc mua sách giáo khoa trước năm học.

May mắn hơn anh Hưng, ông Lợi, 70 tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội), mua được gần đủ bộ sách giáo khoa cho cháu gái vào lớp 6 ngay tại nhà sách đầu tiên ghé tìm, chỉ thiếu sách mỹ thuật bộ Chân trời sáng tạo và hai cuốn tiếng Anh. Ông được nhân viên xin lại số điện thoại, hẹn 2-3 hôm tới sẽ báo dù có sách về hay không để ông đi lại ít nhất có thể.

Nhân viên nhà sách tại quận Cầu Giấy, nơi ông Lợi ghé mua, cho biết phụ huynh Hà Nội thường tìm mua sách giáo khoa thuộc hai bộ Cánh diều và Kết nối tri thức và cuộc sống. Do đó, nhà sách cũng nhập số lượng lớn sách thuộc hai bộ này, còn "sách Chân trời sáng tạo về ít, nhỏ giọt, nhiều khi cả tháng mới có".


Sách giáo khoa lớp 10 chỉ còn vài cuốn hai môn văn, toán tại một nhà sách tại quận Đống Đa, Hà Nội, ngày 8.8. Ảnh: Thanh Hằng

Tình trạng đôn đáo tìm sách không chỉ xảy đến với phụ huynh Hà Nội. Chị Lan, 45 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), cũng tự đi mua sách cho con lớp 10 vì "trường THPT của con không bán sách sẵn". Chị đã đặt được vài cuốn trên mạng, còn lại phải ra nhà sách tìm trực tiếp. "Chưa biết việc đổi mới chương trình và sách sẽ ra sao, chỉ thấy bước đầu là phụ huynh vất vả hơn, kiếm sách hơi khó", chị Lan bày tỏ.

Nhân viên một nhà sách tại quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) cho biết việc phụ huynh phải đi nhiều hiệu sách mới mua đủ danh mục cần thiết là chuyện "không mới", nhưng "gần đây xảy ra nhiều hơn, ngày nào cũng gặp chục trường hợp". Theo chị, tình hình nhập sách mới vẫn còn lắt nhắt từng đợt vì lớp 10 học theo tổ hợp môn nên các nhà xuất bản cần nắm được số lượng, tỷ lệ các môn được chọn để không in thừa quá nhiều sách. Do đó, phụ huynh mới gặp tình trạng "tìm được môn này nhưng thiếu môn kia".

"Tôi thấy phụ huynh đi mua sách khá mệt mỏi. Điều này gây ra nhiều bất tiện vì không phải ai cũng có thời gian. Đặc biệt riêng với sách lớp 10, tôi luôn khuyên phụ huynh phải liên hệ với giáo viên trước để mua đúng sách cho con, vì nhà sách không cho đổi trả", nhân viên này cho hay.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị phát hành hai bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức và cuộc sống và Chân trời sáng tạo, cho biết đã lường trước hiện tượng thiếu cục bộ một số đầu sách lớp 10.

Đại diện nhà xuất bản nói việc công bố danh mục sách giáo khoa mới của lớp 3, 7 và 10 năm nay chậm hơn so với thời gian quy định, nên việc cung ứng đủ sách để kịp phục vụ khai giảng là "thử thách lớn với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam".

Bên cạnh đó, chương trình lớp 10 cho phép học sinh chọn môn, nên tên sách và số lượng tương ứng phụ thuộc vào sự lựa chọn của các em. Trong khi đó, chỉ mới tuần trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư sửa đổi chương trình mới, việc tổ chức cho học sinh chọn môn cũng đang được các trường THPT điều chỉnh theo quy định mới.

"Các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ hạn chế nhập sách giáo khoa lớp 10 hoặc không nhập đủ tên sách do không nắm được chính xác nhu cầu sử dụng trên địa bàn, vì vậy xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số sách cụ thể", đại diện này nhận định. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải bám sát các địa phương, nhà trường để nắm cụ thể số lượng từng đầu sách, từ đó triển khai in cuốn chiếu, bảo đảm cung ứng đầy đủ và kịp thời sách giáo khoa cho học sinh.

Theo số liệu của nhà xuất bản, đến ngày 3.8, 45,5 triệu bản sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 (chiếm 96,8% sản lượng dự kiến) đã được in, nhập kho. Ngoài ra, hơn 69,3 triệu bản sách lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 cũng đã được cung ứng tới 63 tỉnh, thành phố, đạt 85% so với kế hoạch đặt hàng của các địa phương. Với các khối còn lại vẫn học theo sách và chương trình hiện hành, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết cũng đã hoàn thành in, nhập kho 55 triệu bản, khẳng định không để xảy ra tình trạng thiếu sách, sốt sách.

Để giải quyết tình huống nhiều phụ huynh không mua được một số đầu sách mới, đại diện nhà xuất bản khuyến cáo các gia đình, giáo viên nên đến mua sách tại các địa chỉ thuộc hệ thống của các nhà xuất bản, thậm chí có thể gọi đến đường dây nóng của từng nhà xuất bản để được hướng dẫn và tư vấn.

Trước đó, từ đầu năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các sở và nhà xuất bản, yêu cầu các đơn vị phối hợp để cung ứng đủ sách giáo khoa, đúng tiến độ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa năm học 2022-2023.

Ngày 9.8, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, phương án dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, kịp triển khai năm nay. Kế hoạch này được Bộ Giáo dục đề xuất cuối tháng 6, nhằm hỗ trợ học sinh khó khăn. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3.8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá phương án này giúp học sinh trân trọng, giữ gìn sách để sử dụng lâu dài.

Theo VnExpress