Người nông dân chắp cánh cho nông sản vươn xa

Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 10:30, 12/08/2022

Bằng sự say mê với nghề, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, ông Nguyễn Đức Mệnh ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đã phát triển cơ sở sản xuất nhỏ của gia đình thành một công ty chế biến nông sản có uy tín trên thị trường.


Ông Mệnh trao đổi với đại diện một doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đến tìm cơ hội hợp tác

Tìm hướng đi mới

Khi chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Đức Mệnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương thì tình cờ có đoàn công tác của một doanh nghiệp từ TP Hồ Chí Minh đến thăm nhà máy của công ty. Ông Mệnh cho biết vì sản xuất mặt hàng thực phẩm nên trước khi ký kết hợp tác, các đối tác thường đến xem thực tế sản xuất có bảo đảm an toàn vệ sinh hay không. Nếu nhiều năm trước đây ông phải đi khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm thì nay nhiều doanh nghiệp tự tìm đến đặt mua. Có thời điểm, năng lực sản xuất của công ty không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vợ chồng ông Mệnh vốn là nông dân “một nắng, hai sương”, cũng canh tác, sản xuất nông nghiệp như những hộ khác ở địa phương. Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Mệnh thường thu mua nông sản của các gia đình khác rồi đem đi các chợ bán kiếm lời. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, hàng mua về bán chậm hoặc không bán hết khiến vợ chồng ông Mệnh lời lãi chả được bao nhiêu, thậm chí thua lỗ. Buôn nông sản tươi hiệu quả không cao, ông Mệnh quyết tìm hướng tiêu thụ mới. Khi trên thị trường xuất hiện các công ty sản xuất mì ăn liền, ông Mệnh đã nhìn thấy cơ hội làm ăn, bởi các gói gia vị bên trong có một số loại nông sản như hành lá, cà rốt sấy khô.

“Hồi ấy không có thông tin hay điện thoại để liên lạc như bây giờ. Tôi thường lấy địa chỉ trên các sản phẩm rồi đến tận các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác”, ông Mệnh chia sẻ.

Năm 1992, sau nhiều lần rong ruổi khắp nơi, khi có những đơn hàng đầu tiên, ông Mệnh mở một xưởng chế biến nông sản với vài ba người làm. Nhu cầu thị trường đối với các loại mỳ ăn liền, gia vị đóng gói ngày càng lớn giúp việc làm ăn của gia đình ông Mệnh thêm thuận lợi. Khi các doanh nghiệp đối tác phát triển thì xưởng chế biến của gia đình ông Mệnh cũng lớn dần. Vừa mở rộng sản xuất, ông Mệnh vừa tìm kiếm cơ hội trên thị trường. Khi xuất hiện một sản phẩm mới nào cần đến các loại rau, củ, gia vị mà cơ sở sản xuất của mình có thì ông Mệnh lập tức đến chào hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thậm chí, một số trường hợp, ông Mệnh còn sẵn sàng hỗ trợ bán hàng trả chậm.

Hái "quả ngọt"

Cơ sở sản xuất nhanh chóng lớn mạnh, trước nhu cầu và đòi hỏi khắt khe về chất lượng của thị trường, tháng 5.2009, ông Mệnh quyết định thành lập Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương có khuôn viên rộng 11.000 m2.

Sau hơn chục năm hoạt động, hiện Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương đã xây dựng được uy tín, chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên 30 sản phẩm rau, quả như cà rốt, hành, tỏi, ớt… tươi và sấy khô với gần 40 đối tác trên khắp cả nước. Cùng với tạo việc làm ổn định cho 70 công nhân với thu nhập trung bình trên 8 triệu đồng/người/tháng, thời gian cao điểm doanh nghiệp có thêm tới hơn 100 lao động thời vụ. Nhiều năm gần đây, doanh nghiệp đều kinh doanh có lãi và nộp thuế đầy đủ. Năm 2021, doanh thu của công ty đạt trên 103 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 1,4 tỷ đồng. Với sản lượng mỗi năm hàng triệu tấn nông sản, công ty góp phần quan trọng bảo đảm đầu ra cho nông dân trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp còn thành lập HTX có sự tham gia của hàng trăm hộ dân ở huyện Cẩm Giàng và tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích canh tác 80 ha để bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng, tạo thu nhập tốt cho nông dân.

Đây cũng là một trong những doanh nghiệp chủ lực kết nối, đưa củ cà rốt của Cẩm Giàng vươn xa đến các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Cùng với phát triển sản xuất, doanh nghiệp cũng luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, "đền ơn đáp nghĩa", hỗ trợ xây dựng nông thôn mới… do địa phương tổ chức.

“Không phải lúc nào việc kinh doanh cũng thuận lợi. Có những năm do tính toán nhu cầu thị trường không sát hoặc gặp yếu tố bất lợi đột xuất mà sản phẩm bị ế ẩm, phải bán rẻ hàng trăm tấn sản phẩm để làm thức ăn chăn nuôi hoặc mang đi tiêu hủy. Trong khi đó mình vẫn phải thu mua nông sản cho bà con, vẫn phải giữ chân người lao động. Mỗi lần như vậy chúng tôi phải rất quyết tâm, kiên trì mới có thể phục hồi và ổn định sản xuất trở lại”, ông Mệnh chia sẻ.

Với những đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, ông Mệnh đã được cấp ủy, chính quyền ghi nhận. Ông Mệnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019; tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Đang dần chuyển giao công việc cho các con tiếp nối, ông Mệnh cho biết điều trăn trở của ông hàng chục năm nay chưa thành là sản xuất được một loại nước ép cà rốt có thể bảo quản đủ lâu, vẫn giữ được hương vị tươi ngon để củ cà rốt của quê hương càng thêm giá trị, vươn xa hơn nữa.

HOÀNG BIÊN