Cẩm Giàng: Nhiều doanh nghiệp không khói thuốc
Môi trường - Ngày đăng : 18:04, 14/08/2022
Anh Trần Thế Thiện và nhiều công nhân, lao động tại Công ty CP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam đã bỏ được thuốc lá sau một thời gian làm việc
Công nhân hưởng ứng
Nghiện thuốc lá từ khi mới 15 tuổi, anh Nguyễn Văn Lộc tưởng như không thể từ bỏ hút thuốc. Nhưng khi vào làm việc tại Công ty CP Viko (xã Cẩm Hoàng), anh Lộc không những cai được thuốc lá mà còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều đồng nghiệp cùng bỏ thuốc.
Năm 2016, anh Lộc xin vào làm việc tại công ty. Theo quy định, người lao động không được hút thuốc lá nên lúc đầu anh Lộc thấy rất khó khăn. “14 năm nghiện thuốc lá nên lúc đầu tôi thấy thật khó bỏ. Cai được thuốc, tôi mới thấy có rất nhiều lợi ích, sức khỏe được cải thiện, không tốn tiền mua thuốc, nhà cửa sạch sẽ hơn và đặc biệt con cái, bạn bè không phải sống trong môi trường độc hại do chính tôi gây ra”, anh Lộc chia sẻ. Việc cai được thuốc lá có cả quyết tâm của anh Lộc và sự động viên của gia đình, đồng nghiệp.
Đã từng mỗi ngày hút hơn một bao thuốc nên việc cai được thuốc lá với anh Trần Thế Thiện ở Công ty CP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (xã Cẩm Điền) là một “kỳ tích”. Vào làm việc, anh phải tuân thủ quy định không được hút thuốc lá trong khuôn viên công ty. Nhưng khi ra ngoài anh thỉnh thoảng vẫn hút để thỏa mãn cơn thèm. Qua nhiều lần được đồng nghiệp động viên, tuyên truyền và bản thân cũng nhận thức rõ tác hại của thuốc lá nên anh chủ động cai. Sau hơn 1 năm vào công ty, đến năm 2005, anh Thiện đã bỏ thuốc lá hoàn toàn và trở thành một trong những thành viên tích cực tuyên truyền tới các công nhân khác để cùng bỏ thuốc, xây dựng môi trường sống thân thiện. “Nhờ bỏ thuốc lá mà sức khỏe của tôi được cải thiện đáng kể. Nay tôi đã nặng hơn 60 kg, tăng hơn chục kg so với lúc còn hút thuốc, không còn ho nhiều như trước”, anh Thiện nói.
Doanh nghiệp chủ động
Cuối năm 2020, Công ty TNHH Cơ khí Ngũ Phúc (cụm công nghiệp Cao An, Cẩm Giàng) được thành lập với hơn 200 lao động, trong đó trên 80% số lao động là nam giới. Ngay sau đó, công ty đã xây dựng quy chế cụ thể, trong đó có nội dung yêu cầu công nhân không hút thuốc lá trong khuôn viên, treo biển cấm tại xưởng làm việc, khu vực công cộng, đồng thời lắp camera quản lý chung để phát hiện lao động hút thuốc. Bên cạnh đó, công ty giao trách nhiệm cho từng bộ phận giám sát công nhân thực hiện nghiêm các quy định, phạt cán bộ, công nhân hút thuốc trong công ty. “Thời gian đầu thực hiện, một số công nhân vẫn còn lén lút hút thuốc nhưng do công ty thực hiện nghiêm các biện pháp nên nhận thức của công nhân dần được nâng lên. Tình trạng công nhân hút thuốc hiện nay không còn”, chị Vũ Thị Thảo, cán bộ công đoàn công ty cho biết.
Năm 2019, Công ty CP Dây và Cáp điện Taya Việt Nam được các Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh bền vững”; Trung ương Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam công nhận “Nhà máy xanh thân thiện”. Đạt được kết quả trên do công ty đã xây dựng nhiều giải pháp để tạo dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, trong đó có quy định cán bộ, công nhân không được hút thuốc lá tại công ty. Ngay khi tuyển dụng lao động, công ty yêu cầu người lao động điền vào tờ khai có hút thuốc lá hay không. Với những trường hợp có hút thuốc lá thì sẽ giao cho các xưởng nơi người đó trực tiếp làm việc tuyên truyền, nhắc nhở, vận động để bỏ thuốc. Hằng năm, công ty tuyên truyền đến lãnh đạo các bộ phận để nhắc nhở và tổ chức ký cam kết với công nhân về quy định không được hút thuốc lá trong công ty. Theo đánh giá của anh Phan Quang Trung, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chủ tịch Công đoàn công ty, người lao động đều chấp hành các quy định, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường sạch tại công ty.
Ông Hoàng Quang Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Cẩm Giàng cho biết, huyện hiện có 143 doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp, trong đó có khoảng 70% số doanh nghiệp không khói thuốc. Hằng năm, LĐLĐ huyện đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và tổ chức tập huấn, truyền thông tại các doanh nghiệp, chỉ đạo các doanh nghiệp tự tuyên truyền cho công nhân, người lao động. Trong đó, LĐLĐ tập trung tuyên truyền tại các doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ như dệt may, sản xuất bao bì… Đồng thời, phối hợp Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền cho công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp về tác hại của thuốc lá.
THANH HÀ