Ông Thuân nuôi gà trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:26, 16/08/2022

Ông Đào Hữu Thuân (sinh năm 1964) ở thôn Vĩnh Lại, xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Trang trại của ông Đào Hữu Thuân thường xuyên nuôi 7 vạn con gà

Danh hiệu này là phần thưởng xứng đáng cho ông Thuân sau bao khó khăn, vất vả đưa mô hình mới vào sản xuất.

Sau khi lập gia đình, ông Thuân cùng vợ phải làm nhiều nghề, từ buôn bán ngoài chợ đến chăn nuôi quy mô nhỏ. Sau này, ông quyết định nghỉ buôn bán, vay vốn ngân hàng, bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại, tăng quy mô đàn vật nuôi.

Đến năm 2000, quy mô chăn nuôi của gia trại nhà ông Thuân đã đạt 2.000 con gà thịt/lứa. Thời điểm này, thị trường tiêu thụ gà trắng thịt dễ dàng, gà nuôi nhanh được bán và giá cả ổn định đã mang về lợi nhuận khá cho gia đình ông. Thấy mô hình kinh tế của ông Thuân phát triển, nhiều người dân trong xã cũng đầu tư nuôi gà trắng khiến thị trường bão hòa, giá bán xuống rất thấp khiến người chăn nuôi lao đao. Gia đình ông Thuân cũng không nằm ngoài tác động đó. "Lúc đó, nhiều người bỏ vì gà nuôi ra không bán được dẫn đến vỡ nợ. Tôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng đã tìm mọi cách bám trụ với nghề. Có thời điểm, trong tay không còn đồng nào, tôi phải mượn sổ đỏ của bạn bè vay tiền ngân hàng để duy trì chăn nuôi", ông Thuân nói. 

Đến năm 2015, nhận thấy gà trắng thịt không còn được thị trường ưa chuộng, ông Thuân đi sâu nghiên cứu thị trường và nhận thấy nhu cầu tiêu thụ trứng gà rất lớn nên thay đổi chăn nuôi theo hướng này. Để nắm vững kiến thức nuôi gà đẻ, ông bỏ ra nhiều thời gian, công sức học hỏi các mô hình trong và ngoài tỉnh, đọc thêm nhiều sách chuyên môn để nâng cao kiến thức. Vì thế, việc chăn nuôi gà đẻ tương đối thuận lợi.

Với quy mô 1.000 m2, ông nuôi 2 vạn con gà đẻ trứng. So với gà thịt, trứng gà tương đối dễ bán do giá phù hợp và số lượng người tiêu thụ cũng đa dạng hơn. Cũng vào thời điểm này, có một số chủ trang trại đã gán lại trang trại và được ông sử dụng nuôi gà đẻ. 

Trải qua hơn 30 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, đến nay, ông Thuân đã có trong tay 6 trang trại, tổng diện tích 6.000 m2, nuôi 7 vạn con gà, trong đó luôn có 5 vạn con gà đẻ, 2 vạn gà hậu bị. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, được sự tư vấn của các chuyên gia, ông Thuân đã chuyển hướng từ chăn nuôi thông thường sang đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP. Ông cho biết: “Tôi đã sử dụng một số kỹ thuật như điều chỉnh ánh sáng trong chuồng theo chu kỳ, cho ăn theo độ tuổi và bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý nên chất lượng trứng, màu sắc, độ bóng đã nâng lên đáng kể. Năm 2020, sản phẩm đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt OCOP 3 sao càng tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm”.

Với 5 vạn con gà đẻ trứng, mỗi ngày, ông Thuân thu khoảng 4 vạn quả trứng, được doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua, ngoài ra ông còn bán trên sàn thương mại điện tử. Hiện ông làm thêm dịch vụ cung ứng cám, gạo cho người dân địa phương. Với mô hình kinh tế đa dạng này, năm 2021, ông thu lãi 3,85 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 12 lao động thường xuyên với mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng và 6 lao động thời vụ.

THANH HÀ