Giúp làng quê giảm thiểu rác thải
Môi trường - Ngày đăng : 16:25, 18/08/2022
Phụ nữ xã Hồng Quang tiếp nhận thùng ủ rác hữu cơ do Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam tài trợ
Cụm dân cư số 4 nằm xa trung tâm xã, có trên 120 hộ, gần 500 nhân khẩu. Từ trước đến nay, các hộ có thói quen để chung các loại rác thải, thường xuyên bốc mùi khó chịu. Đường vận chuyển rác từ cụm 4 đến bãi rác tập trung của xã khoảng 4 km, xa nhất so với các khu dân cư khác, vì vậy việc thu gom khá vất vả. Trước thực trạng này, ngay khi cấp trên chỉ đạo chọn địa điểm để triển khai mô hình “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường”, chị Đặng Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã Hồng Quang đã tham mưu cho cấp trên chọn cụm dân cư này để triển khai mô hình.
Ngày 27.11.2021, HPN tỉnh ra mắt mô hình tại thôn Liên Đông. Đây là 1 trong 3 mô hình được HPN Việt Nam lựa chọn triển khai điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mô hình có 30 thành viên là các gia đình trong cụm dân cư số 4. Tại lễ ra mắt, HPN các cấp tặng mỗi hộ thành viên 1 thùng rác 2 ngăn, chế phẩm sinh học và hỗ trợ thi công hố xử lý rác thải hữu cơ hoặc thùng xử lý rác bằng trùn quế. Các thành viên được hướng dẫn phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, rác tái chế, cách xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm sinh học và nuôi trùn quế. Trong đó có 20 hộ đăng ký xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học và 10 hộ đăng ký nuôi trùn quế. Sau khi ra mắt, mô hình được đông đảo người dân quan tâm, hưởng ứng, thu hút thêm một số người tham gia mô hình bằng phương pháp nuôi trùn quế.
Khi mô hình đi vào hoạt động, HPN xã, Ban Chủ nhiệm mô hình thường xuyên đôn đốc các hộ thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Chị Vũ Thị Phương, Chủ nhiệm mô hình, Tổ trưởng Tổ phụ nữ cụm dân cư số 4 cho biết khi tập huấn, các thành viên được hướng dẫn quy trình ủ phân một lần theo khối lượng lớn, đảo trộn định kỳ, tỷ lệ chế phẩm phù hợp với lượng rác thải, cách nuôi trùn quế...
Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tham quan mô hình “Tổ phụ nữ thu gom, phân loại, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường” tại thôn Liên Đông
“Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động mô hình gặp nhiều khó khăn. Các hộ xử lý rác hữu cơ từ 2-7 ngày/lần, có hộ sử dụng phân hữu cơ được xử lý bằng chế phẩm để bón lúa thì lúa bị vàng do tỷ lệ chế phẩm không phù hợp, trùn quế mẫn cảm với thời tiết. Tất cả thành viên đều lần đầu tham gia mô hình nên chúng tôi phải vừa làm vừa thử nghiệm”, chị Phương nói.
Chị Nguyễn Thị Lé, thành viên của mô hình cho biết: “Sau một thời gian triển khai, chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm hữu ích về tỷ lệ chế phẩm phù hợp với lượng rác thải, những loại rau, củ, quả tạo môi trường sống phù hợp cho trùn quế sinh sôi, quy trình vận hành bảo đảm để xử lý rác hữu cơ, qua đó chia sẻ, rút kinh nghiệm, phổ biến cho các hộ khác cùng thực hiện”.
Thực tế cho thấy việc xử lý rác bằng phương pháp ủ chế phẩm sinh học trong bể chứa bê tông rất tiện dụng, dễ phân loại rác, đảo ủ, lấy phân, phù hợp với điều kiện sinh hoạt nông thôn. Phương pháp nuôi trùn quế đòi hỏi kỳ công hơn nhưng có hiệu quả tích cực, không những cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng mà còn tạo nguồn thức ăn cho trùn quế khi nuôi với mô hình lớn.
Chị Đặng Thị Nga, Chủ tịch HPN xã Hồng Quang cho biết từ khi mô hình hoạt động đến ngày 15.8, ước tính có khoảng 10 tấn rác hữu cơ được các hộ phân loại và đưa vào xử lý, thu được khoảng 850 kg phân hữu cơ, 70 lít dịch trùn để tưới cây. Mô hình hoạt động đã giảm từ 12-17 xe thu gom rác đi chôn lấp với thời gian từ 4-5 ngày. Rác hữu cơ dễ phân huỷ được phân loại để xử lý không còn để lẫn với rác thải rắn, giảm mùi hôi thối nên thuận lợi cho việc thu gom. Mô hình điểm tổ phụ nữ thu gom rác thải rất phù hợp với sinh hoạt và sản xuất ở nông thôn, giúp làng quê giảm thiểu rác thải.
BÌNH AN