Phát huy thành quả của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chính trị - Ngày đăng : 13:00, 19/08/2022

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.


Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19.8.1945

Giữ vững thành quả và phát huy giá trị 

Mùa thu năm 1945 mãi mãi khắc ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám đập tan ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân và phong kiến, giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam Á.

Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. 77 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng ấy, toàn thể dân Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, công sức và trí tuệ để giữ vững thành quả và phát huy giá trị của Cách mạng Tháng Tám, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong giặc ngoài đe dọa, khó khăn chồng chất, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân ta đã làm nên những điều kỳ diệu: Thực hiện thắng lợi Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, bầu Quốc hội, thành lập Chính phủ, ban hành Hiến pháp, xây dựng và củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương; củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng nền kinh tế mới, văn hóa mới, đời sống mới. 

Khi thực dân Pháp mở cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta một lần nữa, cả dân tộc lại đứng lên “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, tạo thành sức mạnh vô địch, giành thắng lợi vẻ vang, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Vừa ra khỏi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dân tộc ta lại phải bước vào cuộc chiến đấu chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Trước thách thức to lớn đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Lời hiệu triệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã nhất tề ra trận, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Trải qua cuộc chiến đấu trường kỳ, đầy hy sinh, oanh liệt, cuối cùng nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối.

Nhiều thành tựu to lớn

Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí lực, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 5 năm (1976-1980), ta đã có nhiều biện pháp khôi phục, phát triển nền kinh tế quốc dân ở cả 3 miền. Đến những năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1981-1985), nhiều nghị quyết và quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ được ban hành nhằm từng bước sửa đổi cơ chế quản lý đối với kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế tư nhân và xóa bỏ quan liêu bao cấp.

Tuy nhiên, trong những năm đầu sau khi thống nhất, Việt Nam phải đương đầu với những thách thức, khó khăn chồng chất. Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước, từ Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng  khởi xướng công cuộc đổi mới.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đến nay, sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng với tốc độ hai con số, năm 2019 đạt mức kỷ lục trên 263 tỷ USD. Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia trên thế giới...

Kết thúc năm 2021 cũng là lúc nền kinh tế đã bước qua thời điểm được đánh giá là khó khăn chưa từng có trong 35 năm đổi mới, đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Nhưng với sự chuyển hướng chính sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, đã góp phần củng cố niềm tin của toàn xã hội vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Kinh tế tăng trưởng dương trở lại, đạt 2,58%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 của cả nước tiếp tục chinh phục kỷ lục mới khi đạt mức 668,5 tỷ USD. Việt Nam giữ vững vị thế xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp và lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế...

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày một nâng lên đáp ứng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Quốc phòng an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững...

Theo TTXVN