Casino Rich World ở Campuchia còn 11 người Việt kẹt ở lại

Tin tức - Ngày đăng : 09:06, 20/08/2022

Một ngày sau thông tin vụ 40 người Việt Nam tháo chạy khỏi casino Rich World ở Campuchia bằng cách bơi sang sông Bình Di về nước, người địa phương vẫn tụ tập nghe ngóng tình hình những người còn sót lại ở Campuchia ra sao.



Lực lượng biên phòng An Giang làm việc với 1 trong số 40 người chạy từ Campuchia về

Các cơ quan chức năng đang tiếp cứu, điều tra vụ việc và nỗ lực liên hệ phía Campuchia để cứu những người còn kẹt lại.

Bị lừa sang Campuchia

Là người cứu sống những người tháo chạy khỏi casino hôm 18.8, ông Lê Bình Hổ (43 tuổi, ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) chua xót kể: Khi đang chuẩn bị đi công việc thì ông thấy mấy chục người nhảy xuống sông Bình Di ầm ầm. 

Sau đó ông báo với cán bộ biên phòng và dân quân tự vệ đang trực chốt cùng tiếp cứu. "Sông này nhỏ nên khi họ bơi tới giữa sông cũng kịp lúc tôi chạy vỏ lãi đến. Nhưng họ đông quá, phải mất 3 lần chúng tôi mới đưa hết 40 người lên bờ", ông kể.

Còn anh H., một doanh nghiệp xuất khẩu cá sang Campuchia, cho hay: "Mấy người này bị lừa sang ngồi máy tính để dụ dỗ người khác chơi game online, nạp tiền lừa đảo. Người nào làm không được thì bị đánh đập, hành hạ. 

Vừa rồi tôi mới cứu con của người bạn tôi với giá 3.500 USD. Họ dụ dỗ làm "việc nhẹ lương cao" nhưng thực chất là lên mạng lừa đảo người khác. Nếu ai không làm thì sẽ bị dọa bán lấy nội tạng. Muốn về phải kêu gia đình nộp tiền chuộc".

Ông D., từ tỉnh Kon Tum đến khu vực sông Bình Di từ sáng 19.8, để cùng lực lượng chức năng tìm kiếm con trai 16 tuổi của ông mất tích khi bơi qua sông. Con trai ông là Đ.M.H. (16 tuổi) đã trốn gia đình đi gần 4 tháng nay. 

Ban đầu H. nói đi TP Hồ Chí Minh nhưng khi sang Campuchia mới báo cho gia đình biết là "làm về máy vi tính". "Hôm qua có người báo con tôi bơi về Việt Nam nhưng đã mất tích. Tôi có hai đứa con mà nó bị như vậy gia đình buồn lắm", ông D. nói, nằm trong chốt 21 của biên phòng chờ con trai.

Theo báo cáo của đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Long Bình Lê Ngọc Tuấn, khoảng 9 giờ ngày 18.8, nhóm người này đã tập trung lại rồi đồng loạt tấn công bảo vệ casino, bỏ chạy ra cổng và nhảy xuống sông Bình Di bơi về Việt Nam. Nhóm này có 35 nam và 5 nữ. 

Có 42 người tháo chạy nhưng chỉ có 40 người thoát, còn lại một người mất tích là em Đ.M.H. và một người bị bắt lại.

Khai thác nhanh nhóm người này khai nhận họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam sang Campuchia và làm việc tại casino Rich World. Công việc hằng ngày là làm game online và lên các trang mạng dụ dỗ người đánh bạc theo sự chỉ đạo của chủ casino người Trung Quốc. 

"Do làm việc quá thời gian quy định nhưng không được nghỉ ngơi và không được trả lương nên họ tìm cách vượt biên về Việt Nam. Vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người và có dấu hiệu của tội phạm mua bán người", văn bản của biên phòng nêu.

Sẽ đưa 11 người kẹt lại về nước

Ông Trần Hòa Hợp, Chủ tịch UBND huyện An Phú, cho biết trong số 40 người trên tỉnh An Giang có 4 người, còn lại chủ yếu là người dân đến từ các vùng miền khác của cả nước, thậm chí có người ở tận Tây Bắc.

Một lãnh đạo Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị và biên phòng đã có buổi làm việc với tỉnh Kan Danl (Campuchia). Lãnh đạo tỉnh Kan Danl đã thống nhất sẽ rà soát lại tất cả lao động bất hợp pháp đang bị giữ tại casino để trao trả về Việt Nam.

"Họ thông tin bước đầu tại casino Rich World còn 11 người Việt nữa. Phía bạn sẽ làm việc để trao trả 11 người này trong thời gian sắp tới. Còn chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng điều tra tập trung xử lý những người có hành vi lừa đảo mua bán người trong vụ việc này.

Riêng những người tháo chạy khỏi casino là nạn nhân, nhưng họ cũng có hành vi xuất cảnh trái phép nên sẽ bị xử lý theo quy định", vị này nói.

Bước đầu công an xác định trong nhóm 40 người này, người làm việc ít nhất cho casino là 2 tháng, nhiều nhất là 7 tháng. Họ bị bắt buộc ngồi máy tính để dụ dỗ nhiều người chơi game, nạp tiền hoặc lừa đảo trúng thưởng.

Chiều cùng ngày, đại tá Đinh Văn Nơi, giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết: "Cơ quan điều tra Công an tỉnh đã xét nghiệm 40 người này, kết quả đều âm tính COVID-19 và âm tính về ma túy.

Hiện nay đơn vị đang khẩn trương điều tra vụ án. 40 người này có dấu hiệu là nạn nhân của nạn mua bán người, đặc biệt là việc ép nạn nhân lao động quá sức, không lương".

* Ông SIM CHY(Chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia):

Không chỉ ở các casino

Tình hình người Việt Nam bị dụ dỗ sang làm việc tại Campuchia không phải xảy ra mới đây mà đã trong thời gian dài.

Ngay cả ở Campuchia một số con em gốc Việt cũng bị dụ dỗ làm việc không chỉ ở các casino mà còn ở các công trình xây dựng có nhà thầu là người Trung Quốc. Hội Khmer - Việt Nam đã khuyến cáo rất nhiều lần nhưng thực tế vẫn tồn tại.

Nguyên nhân là do người ở trong nước dụ dỗ, lừa đảo các thanh thiếu niên này sang Campuchia chứ người Trung Quốc không sang Việt Nam để dụ dỗ, lôi kéo họ.

Hệ thống Hội Khmer - Việt Nam với chức năng nhiệm vụ của mình không thể trực tiếp làm việc với các ban ngành của Campuchia, vì những lao động bị lừa là công dân Việt Nam.

Chúng tôi chỉ có thể thông tin cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia để bảo hộ công dân. Còn để chặn đứng tình trạng lao động bị lừa sang Campuchia như lâu nay thì phải chặn từ trong nước.

Theo Tuổi trẻ