Khan nguồn cung vật liệu san lấp, nhiều doanh nghiệp gặp khó

Thị trường - Ngày đăng : 05:45, 21/08/2022

Nguồn cung vật liệu san lấp khan hiếm, giá lại tăng cao khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phải bù lỗ và đối mặt với nguy cơ làm chậm tiến độ triển khai các công trình.


Nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh tăng cao nhưng nguồn cung đang khan hiếm

Hải Dương đang phát triển mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh. Nhiều công trình, dự án đang được triển khai kéo theo nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp lớn. Tuy nhiên hiện nay, nguồn đang khan hiếm, giá tăng cao khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Giá tăng mạnh 

Doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp Tư doanh Vận tải Hồng Lạc ở huyện Thanh Hà đang thi công 2 công trình giao thông trên địa bàn huyện Cẩm Giàng và Kim Thành. Nhu cầu cát, đất đồi và cấp phối đá dăm để phục vụ 2 công trình rất lớn nhưng việc tìm nguồn cung gặp nhiều khó khăn. Ông Đặng Văn Long, Phó Giám đốc doanh nghiệp chia sẻ: "Hoạt động trong ngành xây dựng gần 30 năm nay nhưng chưa năm nào việc mua vật liệu san lấp lại khó khăn như thời điểm này. Giá các loại vật liệu đều tăng mạnh. Chúng tôi phải liên hệ, kết nối nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ, chủ bến bãi cung ứng vật liệu san lấp nhưng vẫn không bảo đảm được nguồn cung kịp thời cho công trình". 

Từ năm 2021 đến nay, giá vật liệu san lấp tăng liên tục. Hiện nay, giá các loại vật liệu san lấp như cát đen, đất đồi, đá, cấp phối đá dăm... đều tăng từ 70 - 90%, có loại tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2022. 

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình ở TP Hải Dương cũng trong tình cảnh "đứng ngồi không yên" vì vật liệu san lấp khan hiếm và giá tăng cao. Công ty đang thi công đường gom khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền (Cẩm Giàng). Theo hợp đồng xây dựng đã ký với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, thời gian thi công dự án là 10 tháng. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm, giá tăng cao nên có nhiều thời điểm đơn vị phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ vật liệu. Thực tế này khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng, có nguy cơ chậm tiến độ. 

Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam là chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh) đang thực hiện san lấp hạ tầng một số lô đất và thi công đường giao thông trong khu công nghiệp. Công ty đã liên hệ với nhiều chủ mỏ đàm phán về giá, khối lượng, tiến độ cung cấp song nguồn cung vật liệu san lấp tại TP Chí Linh rất ít, không bảo đảm số lượng. Để có đất phục vụ san lấp, doanh nghiệp phải tìm mua nguyên liệu từ Bắc Giang, Lạng Sơn. Theo báo giá của một số chủ mỏ ở các tỉnh này, giá đất san lấp vận chuyển đến công trình dao động từ 165.000 - 170.000 đồng/m3, chưa bao gồm thuế VAT; giá cấp phối đá dăm cũng dao động từ 265.000 - 285.000 đồng/m3. Mức giá này cao hơn nhiều so với cuối năm 2021 và cao hơn từ 43.000 - 51.000 đồng/m3 so với công bố giá của liên sở Xây dựng - Tài chính.


Nhu cầu vật liệu san lấp để thực hiện các công trình, đặc biệt là công trình giao thông hiện nay rất lớn

Cần đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác

Theo đại diện nhiều chủ doanh nghiệp xây dựng, từ đầu năm 2022 đến nay, giá vật liệu xây dựng nói chung, vật liệu san lấp nói riêng thường xuyên biến động. Trong khi đó giá công bố của liên sở Tài chính - Xây dựng chưa sát với giá thị trường làm doanh nghiệp bị ảnh hưởng do xây dựng hồ sơ đấu thầu không đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, thiệt hại. Giá thực hiện công trình tăng cao so với thời điểm trúng thầu khiến doanh nghiệp phải bù lỗ.

Ông Mạc Phúc Luân, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lộc Bình phân trần: "So với các loại công trình khác, công trình giao thông cần khối lượng vật liệu san lấp lớn hơn. Trong bối cảnh giá tăng cao, nguồn cung khan hiếm như hiện nay, doanh nghiệp phải bù lỗ lớn khi triển khai thực hiện".

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 khu vực đã được phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích hơn 142,6 ha, trong đó có 8 khu vực thuộc các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn vẫn còn khoáng sản và đang đề xuất được hoàn thiện thủ tục để tiếp tục khai thác. Toàn tỉnh còn 47 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đang được theo dõi, quản lý, trong đó có 12 giấy phép còn hiệu lực và 35 giấy phép hết hiệu lực.

Qua tìm hiểu của phóng viên, quy trình, thủ tục cấp phép mỏ khai thác khoáng sản khá phức tạp, mất nhiều thời gian nên doanh nghiệp khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm tiến độ triển khai thi công các công trình trên địa bàn tỉnh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, việc bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp rất quan trọng. Bên cạnh việc kiến nghị đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác, sử dụng các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các cơ quan chức năng cần xem xét phương án tận dụng triệt để nguồn tro xỉ thải của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. 

PHAN ANH