Tình nghĩa đong đầy

Truyện ngắn - Ngày đăng : 06:23, 21/08/2022

Gấm mở mắt. Những bức tường trắng lấp lóa trước mặt. Bên chiếc bàn nhỏ, bóng người đàn ông gục đầu xuống ngủ. Bên trong những chiếc giường sắt, người nằm, người ngồi lờ mờ.

Minh họa: PHÙNG BẢN

Gấm mở mắt. Những bức tường trắng lấp lóa trước mặt. Bên chiếc bàn nhỏ, bóng người đàn ông gục đầu xuống ngủ. Bên trong những chiếc giường sắt, người nằm, người ngồi lờ mờ. Gấm trở mình, toàn thân đau buốt, chân trái tê cứng không thể cử động. Gấm nhắm mắt, tai cô ù ù. Cô nghe thấy tiếng còi xe rít lên, tiếng phanh xe nghiến xuống đường nhựa, nghiến nát cả tiếng trẻ con kêu khóc. Gấm bị văng khỏi xe rơi xuống rìa đường, đất trời quay tít. 

Gấm ú ớ mãi không thành câu: “Cứu, cứu con tôi!”. Một bàn tay nắm lấy tay Gấm: “Chị Gấm tỉnh dậy rồi à? Cháu Mai, cháu Tuấn không sao chị ạ!”. Gấm nhận ra Chương, em chồng đang ngồi bên giường bệnh. Cô muốn nhổm dậy nhưng Chương ra hiệu cứ nằm im kẻo ảnh hưởng đến cái chân bị gãy: “Chúng không sao thật chứ?”. “Hai đứa trẻ chỉ xây xước nhẹ, đang ở nhà rồi”. “Tôi đau lắm, bị gãy chân phải không chú?”. “Gãy cổ chân. Anh Hải đang gặp bác sĩ”. Gấm ứa nước mắt. “Chị cố ăn chút cháo nhé, nhà em vừa nấu xong!”. Chương mở cặp lồng, múc cháo ra bát.

Gấm nhớ, sáng nay, Gấm cũng nấu cháo hến cho cả nhà ăn sáng. Cái Mai thích ăn món này, còn rủ cả thằng Tuấn con chú Bảy hàng xóm sang ăn. Ăn xong, Gấm nhận đưa hai đứa trẻ đến trường, sau đó định về quê gặp cô Lanh, người cô họ xa để nói chuyện. Năm tháng trước, cô Lanh đã đến gặp Gấm nhờ giúp cho Lan đứa con gái đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Gấm mới làm thêm môi giới xuất khẩu lao động được một năm, cũng được hơn chục đơn bay rồi. Muốn tạo uy tín nên Gấm luôn sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Khi cô Lanh nói nhà bí tiền, chưa chạy được mười ba triệu để nộp tiền cọc, Gấm đã ứng tiền nộp hộ và lo xin cho Lan vào học tiếng. Nhưng khi Lan học xong đã qua mặt Gấm, tự đến công ty đăng ký thi tuyển. Lan cũng tự nộp tiền cho công ty mà không liên lạc với Gấm một lần nào nữa. Thậm chí nó còn về quê tung tin nói xấu Gấm trong việc môi giới xuất khẩu lao động ăn hoa hồng quá nhiều. Vì thế nên đang có hai nhà tìm đến chỗ Gấm tư vấn định bay đã hủy hợp đồng. Việc này ảnh hưởng không tốt đến dự định mở công ty về xuất khẩu lao động trong năm tới của cô. Lại chuyện mua đất, chưa có tiền nộp tiếp khiến Gấm mất ngủ. Trên đường đưa con đi học, Gấm đã giật mình khi nghe tiếng còi xe công-ten-nơ rú lên. Nhìn phía trước thấy cái đầu xe đen ngòm lừ lừ như tiến thẳng vào mình, Gấm lạng tay lái, phanh gấp và rồi...

Chương bê bát cháo ngồi xuống chiếc ghế nhựa cạnh đầu giường. Gấm ngại, đành nói: “Chốc tôi ăn. Giờ thấy ngâm ngẩm đau bụng”. Chương cố dỗ chị: “Chắc cái dạ dày lại đau đấy. Giờ ăn vào mới không đau. Chị ăn đi kẻo cháo nguội mất ngon”. Gấm chẳng biết phải từ chối sao nữa. Đã chục năm Gấm làm chị dâu Chương mà Chương vẫn nhớ tới cả khi đói quá Gấm bị đau dạ dày. Còn Gấm, chẳng khi nào cô nghĩ có lúc nằm viện để Chương bón cháo cho ăn thế này.
*
*     *
Sáng ấy, Chương đèo Gấm ra ga lên nhập học. Đây không phải lần đầu tiên hai đứa đèo nhau xe đạp. Nhiều sáng tới trường, lúc Gấm đèo, lúc thì Chương đèo, đoạn đường 6 cây số cũng thành gần. Hai đứa vốn học cùng nhau từ  lớp 6 nên thân thiết. Chúng bạn còn hay ghép đôi trêu chọc. Gấm mến Chương vì Chương hiền lành, ưa nhìn lại học giỏi. Đến mùa hoa phượng cuối cùng mỗi đứa thi một trường. Gấm chọn học trung cấp xăng dầu. Chương ước mơ làm bác sĩ, nhưng thi thiếu nửa điểm nên ở nhà ôn tiếp. 

Xe đang bon bon bỗng thủng săm. Dắt xe tìm được quán sửa xong, đạp lên tới ga Cẩm Giàng thì tiếng còi tàu rúc lên hồi dài và từ từ lăn bánh. Hai đứa đành tìm quán nước cạnh ga ngồi chờ tàu. Gấm uống nước vối và ăn quả ổi chín xong thì mặt mày nhăn nhó vì đau bụng. Chương cuống quýt: “Để tớ đi mua thuốc nhé!”. Gấm xua tay: “Tớ chỉ bị đau dạ dày tí thôi. Chắc tại sáng nay vội đi chưa kịp ăn”. “Giờ tớ mời Gấm ăn bánh cuốn chả nhé. Bánh cuốn chả ga Cẩm Giàng ngon nức tiếng đấy”. “Thôi, tớ đỡ rồi”. Gấm đành nói dối. Gấm biết nhà Chương nghèo, mẹ Chương một mình nuôi năm anh em ăn học. Bố Chương mất khi Chương mới được hai tháng tuổi. Chương như đoán được ý nghĩ của Gấm móc túi quần ra một nắm tiền lẻ: “Mấy hôm rồi trời nắng, tớ đi móc cua bán được nhiều tiền lắm. Mừng cậu lên trường, tớ nhất định chiêu đãi cậu món bánh cuốn”. Quả là chưa bao giờ Gấm được ăn bánh cuốn chả ngon đến như vậy. Bánh mềm, thơm, chả ăn ngọt thỉu đi. Lúc Gấm lên tàu còn dặn Chương: “Trời nắng, Chương đến phơi thóc giúp mẹ Gấm nhé!”. Chương gật đầu.

Con tàu chuyển bánh, Gấm nhìn theo bóng Chương đứng vẫy vẫy dưới sân ga. Cái bóng nhỏ dần rồi mất hút. Mới lên trường, tháng đầu tiên Gấm còn viết thư về cho Chương. Sau, mải mê với việc học, với bạn mới, cũng chẳng còn thư từ gì nữa. Cả hai cứ dần xa nhau từ đó. Tình cảm thời học trò đã tan nhanh như một cơn mưa ban trưa.

Ba tháng sau, Gấm về chơi, vừa xuống ô tô thì gặp Hải phóng xe máy qua. “A, thím Gấm đi học về đấy à? Lên anh chở về”. Hải là anh cả của Chương, đã học xong đại học nông nghiệp đang làm Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật ở huyện. Gấm vẫn thầm ngưỡng mộ anh Hải học giỏi, có bằng đại học đầu tiên ở vùng này, lại tài giỏi, có xe máy đầu tiên ở xã này. Hồi trước, Gấm lên nhà chơi cùng Chương, Hải vẫn đùa gọi là thím Gấm. “Anh cứ đùa em thế, em không thích đâu. Chúng em chỉ là bạn thân thôi” - Gấm ngúng nguẩy. “Anh không đùa nữa. Em lên xe anh đèo về”. Gấm lên xe, Hải chở về. 

Ông Hỗ, bố Gấm đang dọn ao trông thấy Hải ở cổng, liền mời vào uống nước. Lúc Hải ra về, ông Hỗ bảo: “Con mà lấy được thằng Hải thì có phúc. Nó là anh cả, biết lo cho các em phương trưởng như thế nó sẽ biết lo cho vợ con”. Gấm giãy nảy: “Bố thì, anh ấy chỉ mới chở con về”. Tối ấy, Hải lại lên chơi. Hải nói chuyện có duyên nên ông Hỗ cứ cười nói suốt buổi tối, chẳng như mấy anh con trai làng vào chơi, ông không buồn tiếp chuyện. Lúc Gấm tiễn Hải ra cổng, Hải đưa cho Gấm một túi ruốc. Gấm ngại không cầm, Hải cứ dúi vào tay: “Em như em gái anh. Ruốc này chiều nay anh làm cho thằng Chương một gói cho em một gói đấy”. “Chương dạo này thế nào ạ?”. “Nó ôn thi em ạ. Mai rảnh lên nhà anh chơi, động viên nó. Sắp tới, có khi Chương xuống thành phố thuê trọ ôn thi, đỡ phải đi lại vất vả em ạ”. “Mai nhà em có giỗ, xong thì chiều mai em đi rồi”. “Lần sau về ô tô cứ rẽ vào trạm gọi anh chở về”. Cứ thế, Hải thân mật với Gấm. Lần nào Gấm đi Hải cũng cho Gấm khi thì cân cá khô, khi thì gói ruốc, lúc ít tiền tiêu vặt. Gấm không có nhà, Hải cũng thường xuyên lên nhà Gấm chơi cờ với bố Gấm. Chưa đầy sáu tháng sau thì Gấm đã nhận lời yêu Hải.
*
*     *
Gấm đã thiu thiu ngủ thì Hải vào. Hải gọi Chương ra cửa nói chuyện. Hải rầu rầu: “Anh gọi cho cậu bạn làm bác sĩ tuyến trên, cậu ấy bảo, chuyển viện cho chị Gấm thôi. Chứ cái bàn chân gãy gần như rời như thế ở dưới này khó”. “Thì anh cứ chuyển viện cho chị”. “Đang lúc khó khăn thì rơi vào hoàn cảnh này. Sắp tới, chỗ cọc mua đất đòi ba trăm triệu. Mấy chỗ Gấm vay lãi giúp hai đứa học sinh bay đi Đài cũng giục. Lên tuyến trên cũng phải cọc mấy chục triệu tiền mặt. Anh đã bảo cô ấy làm gì cũng phải suy tính. Cái gì cũng tham, tiền thì toàn đi vay, bây giờ thế này khéo hỏng hết”. “Anh đừng lo nhiều. Lúc này cứ lo phẫu thuật cho chị Gấm đi đã. Tiền mặt nhà em có hơn chục triệu rồi, để em hỏi họ hàng mượn hộ anh chị xem thế nào”. “May mà hai đứa trẻ không sao chứ không thì...”. “Vâng thế là còn may mắn lắm rồi. Tối nay chị Chuyền bảo lên trông chị Gấm thay anh, để em về đón chị lên”. Chương vừa định đi ra thì Tuyên, anh trai thứ hai khoác ba lô đi đến. “Em nghe điện là bắt xe về ngay. Tình hình chị Gấm thế nào rồi anh?”. Hải ra hiệu cho Tuyên vào thăm rồi ra cửa nói chuyện để Gấm chợp mắt. Tuyên vào nhìn Gấm nằm trên giường rồi quay ra cửa, ngồi xuống ghế băng. Gấm vờ nhắm mắt ngủ nhưng cô vẫn nghe được những tiếng xì xầm to nhỏ, cả tiếng Tuyên kéo khóa rút cọc tiền đưa cho Hải “Anh cầm tạm lo viện phí cho chị Gấm”. Nước mắt Gấm lại chảy.
*
*     *
Tuyên cũng từng đưa cho Gấm tiền đóng học phí. Tuyên học Đại học Hàng hải, ra trường đã hai năm, làm trong nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Lần ấy, Gấm đi thực tập ở Hải Phòng về nhà lấy tiền lo cho tháng thực tập cuối cùng thì bị móc mất ví trên xe. Tuyên ra chơi mấy tối, nghe cô bạn cùng trọ trong phòng kể Gấm bị mất tiền, Tuyên đã rút ví đưa toàn bộ số tiền tám mươi nghìn đồng cho Gấm. Lúc đầu Gấm ngại: “Anh cũng phải chi tiêu chứ”. “Anh lo gì, trưa ăn cơm cơ quan, tối về tự nấu cơm”. “Vậy anh cho em mượn, tháng sau em trả”. “Em cứ thực tập cho tốt là anh vui rồi”. Tối hôm sau, Tuyên vào rủ Gấm đi ăn chè. Tuyên đạp xe đưa Gấm đi loanh quanh các phố. Lúc về còn mua cho ba đứa bạn gái mỗi đứa một cốc chè. Mấy tối, thấy Tuyên cứ vào rủ Gấm đi chơi như thế, bọn bạn gái bảo: “Có khi anh Tuyên thích mày Gấm ạ”. Gấm giật mình. Nhớ lại lời Tuyên nói lúc tối: “Em cứ học xong, thích ra đây làm việc, anh xin cho em”. Tối hôm sau, Tuyên gọi cửa, Gấm vờ đau bụng, bảo đứa bạn ra bảo hộ, Tuyên đành lủi thủi quay về. 

Chủ nhật, Gấm về nhà, Hải lên chơi, lúc hai đứa ngồi dưới bếp đun nước, Gấm kể chuyện Tuyên ra chỗ mình chơi cho Hải nghe: “Có khi anh Tuyên cũng thích em sao ấy”. Hải cười, ôm lấy Gấm: “Làm gì có, chỉ là anh em đồng hương quý nhau”. Hôm sau, Gấm lại ra Hải Phòng thực tập. Đến tối thứ sáu thì Tuyên bất ngờ đứng trước cửa phòng trọ. Sau hồi chào hỏi xã giao, Tuyên đưa bao gạo nhỏ và gói ruốc cho Gấm: “Anh Hải nhờ gửi cho Gấm đấy”. Gấm đỏ mặt. Từ đấy, Tuyên không ra chơi lần nào nữa cho đến lúc Gấm về trường. Khi Gấm đã xin việc ở công ty xăng dầu thành phố, sắp làm đám cưới, Hải mới kể: “Lần ấy, chú Tuyên về, anh bảo: “Chú cầm cho anh ít gạo ra cho cái Gấm nhà ông Hỗ, nó là người yêu anh đấy. Có đứa nào định tán tỉnh thì chú trông cô ấy giúp anh”.
*
*     *
Gấm được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Phẫu thuật đến hai lần thì cái chân mới ổn định. Hôm đón Gấm về, cả Chương, Tuyên cùng lên bệnh viện với anh Hải. Ở nhà, mẹ chồng Gấm vừa trông hai đứa nhỏ và nấu hai mâm cơm cúng giỗ bố chồng Gấm. Thằng Sơn mới hai tuổi, vừa xa mẹ ba tháng, nhìn thấy mẹ lạ, khóc thét lên không chịu ra. Gấm khóc nức nở: “Con ơi, mẹ nhớ con quá...”. Cả nhà ai cũng rưng rưng. Dỗ thế nào, cu Sơn cũng chạy ra ôm lấy chú Chương. Gấm khóc to hơn: “Khổ thân tôi, giờ thì tập tễnh, công nợ chồng chất, con thì không nhận mẹ”. Chú Tuyên nói: “Chỗ tiền mua đất, em và chú út đã xoay được hòm hòm cho anh chị mượn rồi”. Anh Hải an ủi: “Chỗ cái Lan lật mặt làm em mất hơn chục triệu tiền cọc cũng đừng tiếc nữa, coi như của đi thay người. Giờ em lạc quan lên, khỏe lại để sang năm còn thành lập công ty chứ”. Còn chú Chương dỗ cu Sơn: “Mẹ bị đau phải đi viện, Sơn không thương mẹ à?”. Cu Sơn chậm chạp đi về phía Gấm, miệng mếu máo: “Mẹ!”. Gấm ôm con vào lòng như ôm trọn tình nghĩa đong đầy. 

Truyện ngắn của CẨM DƯƠNG