Trào lưu trên TikTok: Lợi bất cập hại với giới trẻ
Xã hội - Ngày đăng : 15:37, 25/08/2022
Trào lưu ăn mặc hở hang, khoe thân của nhiều bạn trẻ thực hiện trên ứng dụng TikTok (ảnh chụp màn hình)
Bắt "trend" quá đà
Gần đây, người dùng mạng xã hội không còn xa lạ với clip "dọa ma", phụ huynh sẽ khóa trái cửa sau đó nhốt con trong phòng để theo trào lưu trên TikTok. Đáng chú ý, các em nhỏ trong clip trên đều tỏ ra hốt hoảng, sợ hãi, la hét, đập cửa... nhưng lại thu hút hàng triệu lượt người xem, tương tác. Người sử dụng cũng dễ dàng tìm các từ khoá "dọa ma trẻ em", "bố mẹ dọa ma con và cái kết"... trên ứng dụng TikTok. Theo một số chuyên gia tâm lý, trò đùa tưởng chừng vô hại này có thể gây ra những tổn thương tâm lý cho trẻ nhỏ.
Mỗi video trên TikTok chỉ khoảng vài chục giây nhưng sức truyền đạt thông tin, hình ảnh bắt mắt, nền nhạc hấp dẫn thu hút đông đảo bạn trẻ theo dõi. Tuy nhiên, không ít những clip phản cảm được nhiều bạn trẻ thực hiện để sống ảo, câu "view", từ việc "ăn mặc hở đủ chỗ" đến cố tình "khoe khéo những điểm nhạy cảm trên cơ thể"... Bên cạnh đó, không ít trào lưu thử thách người chơi như "Ăn cà rốt chấm mù tạt để giảm cân", "Tự tẩy trắng răng tại nhà bằng baking soda"... được nhiều bạn trẻ tiếp cận. Anh Vũ Văn Vụ ở huyện Bình Giang cho biết chỉ vì bắt "trend" trên TikTok với trò "Thử thách mật ong đông lạnh" nên con trai anh đã tự pha chế đồ uống bằng cách trộn mật ong với tương ớt, trà sữa sau đó ăn thì bị buồn nôn, đau bụng.
Là phụ huynh có con học lớp5 rất mê TikTok, chị Nguyễn Thị Thanh ở xã Chí Minh (Tứ Kỳ) cũng không giấu được lo lắng. Chị cho biết con gái chị thường "chơi" TikTok mỗi ngày từ 4-5 tiếng nhưng gia đình không giám sát được. Gần đây, nhiều câu nói của con gái khiến chị giật mình như "ông trời tạo ra địa chấn và cái đầu anh là điểm nhấn", "tiền thì em không thiếu nhưng nhiều thì em không có"... Khi hỏi con thì chị Thanh mới biết rằng những câu nói trên đang là trào lưu trên mạng TikTok.
"Tôi thấy con có thể học được các điệu nhảy hay cách sáng tạo đồ vật trên TikTok. Tuy nhiên, cũng không ít video có hình ảnh phản cảm, bạo lực, thậm chí có cả trò chơi thử thách, ảnh hưởng tâm lý cho trẻ nên tôi khá lo lắng khi con sử dụng mạng xã hội này", chị Thanh nói.
Tiềm ẩn nguy hại
Theo thống kê gần đây, lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. Vì thế, trẻ em có thể rơi vào "mê trận" của những video không được sàng lọc. Bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng TikTok, thậm chí dễ dàng trở thành một "TikToker".
Nếu không có định hướng của người lớn trong sử dụng TikTok có thể ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của nhiều trẻ em. Chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Ninh Giang cho biết con trai chị vì học theo ứng dụng TikTok đã lấy hai ngón tay kẹp mạnh vào má. Kết quả, mặt cháu bị bầm tím như bị đánh.
Hiện nay, nhiều thanh thiếu niên có thể sử dụng ứng dụng TikTok để giải trí, sáng tạo nội dung. Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Bí thư Huyện đoàn Thanh Miện, nhiều nội dung trên TikTok hay, ý nghĩa được các bạn trẻ thực hiện nhằm truyền cảm hứng, có sức lan tỏa như thời trang, làm đẹp, giáo dục... Thậm chí, nhiều bạn trẻ có thể sử dụng TikTok trở thành một kênh đem lại nguồn thu nhập cho bản thân. Tuy nhiên, mạng xã hội này cũng có mặt tiêu cực.
Cô giáo Cao Thị Thu Hằng, phụ trách Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Cao đẳng Hải Dương khuyến cáo bên cạnh những sáng tạo và tiện ích mà TikTok mang lại thì vẫn tồn tại nhiều mặt trái. Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ con em mình sử dụng ứng dụng này bằng cách thường xuyên xem lại lịch sử TikTok mà con đã xem trên điện thoại thông minh hay máy tính. Định hướng cho con những thứ vui vẻ, hữu ích. Ngoài ra, cho con tham gia các hoạt động ngoài trời để hạn chế sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động, ti vi, máy tính...
NGUYỄN THẢO