Khi mẹ vắng nhà

Gia đình - Ngày đăng : 13:25, 26/08/2022

Không người mẹ nào muốn xa con nhưng vì mưu sinh họ phải để lại con thơ ở nhà với bố hoặc gửi ông bà hai bên nội ngoại, đi làm việc ở nước ngoài. Rời xa vòng tay ấm áp, không ít đứa trẻ luôn khát khao mẹ sớm trở về nhà.


Bà Trương Thị Sâm ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) chăm sóc cháu nhỏ chu đáo khi con dâu sang Đài Loan làm việc

Bà là mẹ

Hơn 1 tuổi, bé Phạm Mạnh Hùng ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã ở với bà để mẹ sang Đài Loan làm việc, bố đi làm xa. Anh của Hùng là bé Phạm Minh Hiếu chuẩn bị vào lớp 1 nhưng nét chữ đã tròn trịa, đánh vần đâu ra đấy. Tất cả là nhờ công lao của bà nội. Bà Trương Thị Sâm, bà nội của hai bé cho biết vì mưu sinh, mẹ các cháu phải chấp nhận xa gia đình, bỏ lại con thơ đi xuất khẩu lao động đã 3 năm nay. Một mình bà chăm hai cháu nhỏ. Dịch bệnh rồi thời tiết thay đổi nên các cháu ốm đau liên tục. Mới tháng trước bà phải chăm cháu ở bệnh viện. Về được mấy hôm, bà ốm, cháu lại ốm nhưng bà vẫn phải gượng dậy để chăm cháu. “Biết là vất vả song vì các con, tôi dặn lòng phải luôn cố gắng. Tôi thường xuyên gọi điện động viên con dâu yên tâm làm ăn, ở nhà mọi việc đã có tôi lo. Thương bà nên các cháu đều ngoan ngoãn, nghe lời”, bà Sâm nói.

“Khi mẹ vắng nhà, em luộc khoai/ Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo…" - bài thơ “Khi mẹ vắng nhà” của nhà thơ Trần Đăng Khoa được bé H.T.N. ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh (Gia Lộc) đọc vanh vách khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bố mẹ bé N. đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc khi bé vào lớp 1. Ông bà không biết dùng điện thoại thông minh nên mỗi khi nhớ mẹ, bé N. phải chạy sang hàng xóm nhờ gọi video để nhìn rõ mặt bố mẹ. Bà T.T.N. là bà ngoại bé N. cho biết: “Nhiều lúc thương cháu, biết cháu cần sự chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ nên tôi khuyên các con về nhà có rau ăn rau, có cháo ăn cháo nhưng vì vẫn chưa hết hạn hợp đồng nên cuối năm nay chúng mới về được”. 

Mỗi năm Hải Dương có từ 4.000-5.000 lao động đi nước ngoài làm việc. Trong số đó có không ít phụ nữ phải xa gia đình, gửi con lại cho ông bà hoặc chồng ở nhà chăm sóc. Những người mẹ chấp nhận đi làm ăn xa cũng chỉ mong các con mình có cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, xa vòng tay của mẹ từ sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với tâm sinh lý của trẻ. 

Đánh đổi

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Cẩm Tú (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I), chuyên gia tư vấn tâm lý qua tổng đài 1900.636.115, chị nhận được không ít cuộc điện thoại của những bà mẹ từng đi xuất khẩu lao động về nước. Nhiều người trong số đó xin được tư vấn cách giành được tình cảm của con khi con không theo mẹ. Một số bà mẹ có con lớn hơn, đang trong giai đoạn dậy thì cũng gọi điện xin tư vấn cách để giáo dục con sau một thời gian dài xa mẹ. Bác sĩ Tú cho biết người mẹ sẽ bỏ lỡ một khoảng thời gian quý giá được ở bên con khi lựa chọn đi lao động nước ngoài. Mối quan hệ giữa họ và con cái cũng dễ trở nên lạnh nhạt sau nhiều năm xa cách. Bên cạnh đó, những đứa trẻ lớn lên trong gia đình không có bàn tay chăm sóc của người mẹ chịu nhiều thiệt thòi, không có tuổi thơ trọn vẹn. 

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) thừa nhận, đi xuất khẩu lao động giúp cải thiện đời sống gia đình song đổi lại mẹ và con cái phải chịu nhiều thiệt thòi. Vợ chồng chị đi làm ăn xa để các con đang trong tuổi ăn, tuổi lớn cần sự dạy bảo, chia sẻ ở nhà với ông bà. Kết quả là con gái lớn của chị khó hòa nhập với mọi người, tính khí thất thường. “Tôi phải dành rất nhiều thời gian để gần gũi, chia sẻ, uốn nắn, dạy bảo con. Ban đầu cháu phản kháng khá dữ dội vì không quen chia sẻ với mẹ nhưng nhờ kiên trì, thuyết phục, gần gũi thì con dần lắng nghe, cùng mẹ giải quyết những vấn đề khúc mắc của tuổi mới lớn”, chị Tuyết chia sẻ. 

Xa gia đình đi lao động ở xứ người vốn vất vả, khó khăn, đối với những người phụ nữ có con nhỏ thì lại càng áp lực. Đó là nỗi lo khi con ốm, con đi học, con vào tuổi dậy thì… Mỗi giai đoạn các con đều rất cần sự chăm sóc, chia sẻ của bố mẹ, nhất là người mẹ. Chị Hoàng Thị Chi ở xã Long Xuyên (Bình Giang) đang làm việc tại Hàn Quốc cho biết: “Con cái ở với ông bà thường được nuông chiều hơn. Nhiều kỹ năng ông bà không nắm được nên rất khó có thể thay cha mẹ dạy dỗ. Biết vậy nhưng những người mẹ đi làm ăn xa như chúng tôi đành chấp nhận đánh đổi. Chúng tôi sẽ bù đắp cho các con ngay khi trở về nước”. 

Không thể phủ nhận lợi ích kinh tế của việc đi lao động nước ngoài mang lại nhưng những thiếu thốn tình cảm, nhất là tình mẫu tử thiêng liêng khó ai có thể thay thế, bù đắp được. 

HẢI MINH