Bác sĩ hướng dẫn cách giảm nghẹt mũi ngay tức thì
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:43, 29/08/2022
Theo bác sĩ Lê Thiện Kim Hữu - Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cơ sở 3, việc bấm huyệt giúp giảm tình trạng nghẹt mũi, nhất là với người bị ngạt mũi do cảm cúm, cảm lạnh. Ngoài ra, một số người bị viêm mũi dị ứng cũng rất dễ gặp phải tình trạng này khi thay đổi thời tiết, môi trường. Nếu bị nghẹt mũi lâu, bạn cần đến bác sĩ khám để thăm khám để tìm ra nguyên nhân, bởi đây có thể là dấu hiệu đầu tiên, cảnh báo một bệnh căn bệnh khác nghiêm trọng hơn.
Khi bị ngạt mũi, bác sĩ khuyên bạn có thể áp dụng các cách day bấm huyệt thay vì lạm dụng thuốc. Chỉ với một vài động tác đơn giản, các huyệt đạo trong cơ thể của bạn sẽ được khai thông, giúp lưu thông khí, tăng tuần hoàn, tăng miễn dịch và giúp cơ thể mau khỏe lại hơn.
Dưới đây là một số cách bấm huyệt để hết nghẹt mũi, nhưng bạn cần thực hiện nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để tránh làm cơ thể bị thương.
Bấm huyệt nghinh hương
Huyệt nghinh hương là huyệt đạo nằm ở hai bên cánh mũi, trên rãnh mũi má. Nằm cách cánh mũi khoảng 0,8cm. Bấm huyệt này giúp thông khiếu, thanh khí hỏa, tán phong nhiệt, trị các bệnh các bệnh về mũi, cả các bệnh như mặt ngứa, mặt bị phù hay liệt dây thần kinh VII. Mỗi khi nghẹt mũi, hãy cùng hai ngón tay ấn huyệt nghinh hương, day khoảng 5 - 10 phút. Sau khi bấm huyệt, có thể thoa dầu vào hai huyệt đạo này. Để kích thích huyệt đạo làm việc tốt hơn, hạn chế chảy nước mũi.
Bấm huyệt toán trúc
Huyệt toán trúc nằm ngay dưới hai bên đầu lông mày của bạn. Khi bị nghẹt mũi, hãy day ấn hai huyệt này một cách nhẹ nhàng, day nhẹ khoảng 3 – 5 phút. Lặp lại 2 – 3 lần/ngày để giảm nhanh triệu chứng khó chịu ở mũi.
Bấm huyệt ấn đường
Huyệt ấn đường nằm ngay chính giữa hai đầu lông mày. Đây là huyệt vị chữa các chứng đau đầu, làm thông mũi, mắt, giúp an thần. Bạn có thể thoa chút dầu gió để việc xoa bóp hiệu quả hơn. Sử dụng ngón tay cái để day, ấn từ nhẹ đến mạnh dần huyệt khoảng 3 phút và lặp lại sau vài giờ để giảm bớt cảm giác khó chịu ở mũi và đầu.
Bấm huyệt ế phong
Huyệt ế phong nằm ở vị trí sau hai dái tai, phía trước dưới xương chũm. Bạn nên ấn mỗi bên từ 5 - 10 phút để giúp mũi nhanh hết nghẹt và hạn chế chảy nước mũi. Thường xuyên áp dụng cách bấm huyệt hết nghẹt mũi này còn giúp giảm hiện tượng sưng, khó chịu ở mũi.
Bấm huyệt quyền liêu
Huyệt quyền liêu nằm ngay phía dưới xương gò má ở hai bên. Khi nghẹt mũi, bạn chỉ cần nhẹ nhàng day ấn vùng này trong 5 phút là mũi dễ chịu lại ngay.
Bấm huyệt hợp cốc
Huyệt hợp cốc nằm ở khe giữa vùng kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ hai bàn tay. Dùng ngón tay cái của tay này bấm huyệt cho tay kia để chữa nghẹt mũi. Tốt nhất là dùng lực hơi mạnh, vừa bấm vừa day trong vòng 2 giây rồi thả ra. Bạn nên bấm mà huyệt đạo truyền đến cảm giác hơi đau tê một chút, lặp lại trong khoảng 1 - 3 phút. Cách bấm huyệt giảm nghẹt mũi với huyệt này còn giúp chữa các bệnh cảm mạo, đau đầu, sốt cao. Bạn cần tThường xuyên bấm huyệt hợp cốc cũng giúp kích thích và khởi động hệ miễn dịch, giúp nâng cao khả năng phòng chống bệnh tật của cơ thể.
Nghẹt mũi nhẹ thường không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng của cơ thể, có thể tự khắc phục và xử trí tại nhà bằng bấm huyệt. Tuy nhiên, nếu bạn bị nghẹt mũi kéo dài hơn 3 – 5 ngày hoặc kèm với tình trạng sốt cao, ho kéo dài hơn, nước mũi trở thành chất nhầy màu xám xanh hoặc màu vàng… thì cần tới bác sĩ khám.
Theo VTC