Giao cảm với mùa thu

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 07:22, 30/08/2022

“Sang thu” là cảm giác giao mùa. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết rất hay: “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu”. Chính cái lưng chừng, cái hụt hẫng đã tạo ra cảm giác mới lạ.

Sang thu

Mùa phượng đỏ sẽ về đâu em nhỉ
Nắng vừa lên tan sương sớm mịt mù
Ai rao cốm thơm từng vòng xe nhỏ
Lá sen tàn gói được cả mùa thu.

Phố đang hát lời dịu dàng khe khẽ
Một mình em thương dáng nhỏ vai gầy
Nghe nắng đổ vào thơm trong làn tóc
Tôi bất thần không níu nổi heo may.

Ngày sẽ mát tiếng ve dần nguội tiếng
Trời cứ xanh trong sâu thẳm mắt nhìn
Tôi xuống phố thả hồn theo màu gió
Áo em vàng châm lửa cả mùa lên.

Mùa sẽ tắt rụi dần theo tiếng lá
Chỉ còn mưa rơi trên nhánh khô gầy
Bên cửa sổ búp non nào đẹp quá
Sợ mai rồi mùa thu cũng qua tay.

Sang tháng chín sẽ là mùa hoa sữa
Những đêm hương sâu thẳm đến không cùng
Sợ mai mốt có một người bỏ phố
Bàn chân mình thương nhớ cả mênh mông...

LÊ ĐÌNH TIẾN

“Sang thu” là cảm giác giao mùa. Nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết rất hay: “Có đám mây mùa hạ/Vắt nửa mình sang thu”. Chính cái lưng chừng, cái hụt hẫng đã tạo ra cảm giác mới lạ. Cảm giác là tần số cao hơn cảm xúc trong thơ. Nó không rõ rệt, cứ mơ hồ, có gì vừa thổn thức se lòng kiểu như cách nói tài hoa của Lê Đình Tiến “Lá sen tàn gói được cả mùa thu” hay “Tôi bần thần không níu nổi heo may”. Khi cảm xúc được đẩy lên bằng cảm giác thì trực giác đánh thức cảm nhận có lúc đến phi lý, đó là chạm được đến: Thơ hay! Điều này chính là cái chất thi sĩ rất bản năng, là lớp nhung tuyết run rẩy thẩm thấu kỳ lạ trên “tấm áo tâm hồn” nhà thơ.

“Sang thu” của Lê Đình Tiến chính là bước đi của mùa thu, đầu thu. Bắt đầu bằng “Mùa phượng đỏ sẽ về đâu em nhỉ” của ký ức học trò, đến “Ngày sẽ mát tiếng ve dần nguội tiếng”. Tác giả không nói “tắt tiếng” mà “nguội tiếng”, chuyển trạng thái không gian từ “hạ sang thu” dần dần, lịm dần, nguội dần. “Nguội tiếng” cũng như ánh nắng hè chói chang đã nguội dần, đó là lúc giao mùa, làm thức dậy trong tâm hồn thi sĩ cái ánh vàng, sắc vàng của lá, của hoa đặc trưng của mùa thu: “Áo em vàng châm lửa cả mùa lên”. Bước chân “Thu sang” bắt đầu “Ai rao cốm thơm lừng vòng xe nhỏ”. Cốm là món quà đặc sản riêng biệt của mùa thu. “Cốm thơm” lan tỏa vào nắng thu vàng thơm để đến nỗi “Nghe nắng đổ vào thơm trong làn tóc”. Bước chân “Thu sang” theo “Tôi xuống phố bần thần theo màu gió”. Lê Đình Tiến đã sáng tạo ra những thi ảnh chập chờn, cứ níu kéo, cứ giăng mắc. Chính cái ảo ảnh ánh xạ này tạo ra sự đan xen giữa hoài niệm và lưu luyến. Đó chính là sự thi vị của thơ, đòi hỏi trí tưởng tượng và nhập thân đến độ kỳ lạ, tạo ra trường giao cảm đặc biệt, có gì mơ hồ mong manh mà ám ảnh rõ rệt.

Tôi rất thích hình ảnh sự sống, vẻ đẹp run rẩy tơ non hồ hởi của thiên nhiên, một vẻ đẹp thánh thiện sinh thành khi: “Mùa sẽ tắt rụi dần theo tiếng lá/Chỉ còn mưa rơi trên nhánh khô gầy” để bất chợt đến sững sờ: “Bên cửa sổ búp non nào đẹp quá”. Búp non, chồi non nhú lên khi mùa thu rụng lá, chỉ một từ “rụi” mà thót lòng. Tác giả nghe được lá rơi bằng trực giác của tâm hồn mình, một nỗi niềm thon thót, luyến tiếc: “Sợ mai rồi mùa thu cũng qua tay”. Tới đây, đối tượng mùa thu hiện hình như một sinh linh, một mối giao cảm thân thiện biết bao.

Khổ thơ cuối như muốn gieo vào ta: “Bàn chân mình thương nhớ cả mênh mông” khi “Sợ mai mốt có một người bỏ phố”, mà thu thì đang đẹp, đang lên hương, đang quyến rũ, đang hứa hẹn: “Sang tháng chín sẽ là mùa hoa sữa/Những đêm hương sâu thẳm đến không cùng”. Tôi dùng một phép “đảo ngược” để tìm về căn nguyên, nỗi niềm thổn thức để bâng khuâng, để chia sẻ dù mới sang thu mà nhà thơ đã lo xa đến ngày thu sang mùa mới hay luyến tiếc bao dung của một tình riêng. Tất cả đều có lý dù bây giờ mới chớm “Sang thu” như một linh cảm…

HÀ HUY