Từ Tuyên ngôn độc lập đến xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân

Xây dựng Đảng - Ngày đăng : 10:14, 02/09/2022

14 giờ ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, trong cuộc mít tinh lớn của nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập.


Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I, người dân Việt Nam đã thực sự làm chủ. Trong ảnh: Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV thảo luận, quyết sách nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: TTXVN

Bản tuyên ngôn bất hủ

Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân soạn thảo và đọc là Tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tuyên ngôn độc lập này kế thừa những tinh hoa trong hai bản Tuyên ngôn độc lập trước đây, cùng những bài hịch, lời bố cáo của ông cha, nhằm nhấn mạnh hơn nữa quyền làm chủ đất nước của nhân dân và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước mới giành lại được qua cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh anh dũng của toàn dân: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân là sự khẳng định và củng cố thành quả của Cách mạng Tháng Tám. Đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, vận dụng một cách sáng tạo kinh nghiệm của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên này, Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam không thực hiện ngay việc xây dựng nền chuyên chính vô sản mà tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chiến lược giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Về điều này, Đảng ta đã xác định, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bước đầu thành công trong Cách mạng Tháng Tám, nhưng cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó chưa hoàn thành, vì nước ta chưa hoàn toàn độc lập. Nhiệm vụ cứu nước của giai cấp vô sản chưa xong, giai cấp vô sản phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là: Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết.

Ngay sau khi tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng là củng cố và tăng cường sức mạnh của bộ máy chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ “Cách tổ chức các UBND” theo nguyên tắc: “... Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các ủy ban này”. Người cũng khẳng định, Chính phủ là công bộc của dân. Các công việc của Chính phủ là phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên, Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Nhà nước phải mang lại tự do, dân chủ, hạnh phúc cho nhân dân

Theo Người, UBND các cấp cũng “có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”. Yêu cầu và nguyên tắc xây dựng bộ máy nhà nước cũng như tinh thần, thái độ của cán bộ, đảng viên một đảng cầm quyền phải xuất phát từ lý tưởng, mục tiêu, bản chất của Đảng; từ nguyện vọng, sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh giành chính quyền. Dưới sự phát động, lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đấu tranh anh dũng để giành độc lập hoàn toàn và triệt để, giữ vững chủ quyền dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng cuộc sống hạnh phúc, ấm no, tự do, dân chủ, tiến bộ. Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng phải dựa vào nhân dân, mang lại ấm no, hạnh phúc cho dân. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật rõ ràng: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, trong tình thế đất nước có nhiều khó khăn vì thù trong, giặc ngoài, Đảng ta vẫn tập trung quan tâm xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đồng thời với việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách: diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm. Việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân được tiến hành trên nhiều mặt, nhằm giữ vững và phát triển những thành quả đã giành được trong cách mạng. Việc tổ chức Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (ngày 6.1.1946), thông qua Hiến pháp đầu tiên đã củng cố, hợp pháp hóa chính quyền cách mạng. Một chính quyền thực sự do nhân dân làm chủ, nhân dân được tham gia chính quyền, tham gia thảo luận, quyết định mọi công việc trọng yếu của quốc gia, bầu ra các đại biểu của bộ máy nhà nước...

Việc xây dựng bộ máy chính quyền, theo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân là một nhân tố quan trọng đưa tới những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua các giai đoạn lịch sử từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay...

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, việc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội chứng tỏ nhân dân Việt Nam đã thực hiện điều mà Tuyên ngôn độc lập khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Thực tiễn cũng chứng tỏ rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vừa giữ vững độc lập, tự do vừa phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

GS.TS. PHAN NGỌC LIÊN

(Trích bài viết trong sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tầm nhìn chiến lược về thời đại mới trong Tuyên ngôn độc lập”)