Tiếp lửa cho truyền thống hiếu học

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:27, 05/09/2022

Noi gương cha ông đi trước, các thế hệ giáo viên và học sinh Hải Dương hôm nay không ngừng phấn đấu, nỗ lực giảng dạy, học tập, đạt nhiều thành tích cao, góp phần tô đậm thêm truyền thống hiếu học của quê hương.


Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, cô Vũ Thị Hường, giáo viên Trường THPT Đường An (Bình Giang) luôn tận tâm dìu dắt để học trò tiếp lửa truyền thống hiếu học của quê hương

Thầy tâm huyết

Nhiều năm nay, Hải Dương luôn tự hào nằm trong tốp 5 tỉnh, thành phố có thành tích giáo dục tốt nhất cả nước. Kết quả ngọt ngào này có được không thể không nhắc tới tâm huyết của những "người lái đò” thầm lặng. 

Mang trọng trách trong đào tạo các đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, tập thể sư phạm Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) hiểu được rằng chỉ có cố gắng, nỗ lực đổi mới không ngừng nghỉ trong giảng dạy thì thành quả, vị thế của đất học xứ Đông mới được duy trì và giữ vững. Vì thế, từ các thầy cô tóc đã điểm bạc đến những giáo viên trẻ tuổi đều tận tâm, tận lực, hết lòng với nghề.

Cô giáo Đặng Thị Nghiệp, Tổ phó Tổ địa lý có 20 năm công tác tại mái trường này, trực tiếp bồi dưỡng 146 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 36 em đoạt giải cấp quốc gia… Trong quá trình công tác, cô Nghiệp không ngừng nghiên cứu, xây dựng và áp dụng một loạt sáng kiến như nâng cao hiệu quả dạy môn địa lý lớp 12 bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy, hướng dẫn khai thác một số bộ phim khoa học phục vụ giảng dạy môn địa lý ở trường THPT… “Tôi luôn tìm tòi phương pháp giảng dạy tốt nhất cho học sinh. Vào mùa ôn thi, ngoài thời gian dạy ở trường, tôi tạo điều kiện cho các em ăn, ngủ tại nhà riêng để có nhiều thời gian chỉ dạy”, cô Nghiệp chia sẻ.

Giáo viên các cấp học ở Hải Dương ngày nay luôn tự hào, trân trọng truyền thống hiếu học của cha ông đi trước. Họ lấy đây là động lực để vượt khó vươn lên, nỗ lực hết mình vì công việc.

Giáo viên ở mảnh đất xứ Đông giàu nhiệt huyết, yêu thương và biết "truyền lửa” cho lớp lớp học trò. Không chỉ ở các trường trọng điểm, nhiều giáo viên tại những trường được coi là “tốp dưới” cũng đã và đang vươn lên bằng lòng yêu nghề cháy bỏng. Những năm gần đây, cô giáo Vũ Thị Hường, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THPT Đường An (Bình Giang) nhận thấy ngày càng nhiều học sinh ngại học môn ngữ văn, học theo kiểu chỉ để thi tốt nghiệp. Cô đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, dự nhiều lớp tập huấn, tham khảo kinh nghiệm của các đồng nghiệp trường chuyên… Từ năm 2019 đến nay, Trường THPT Đường An liên tục xếp thứ 4/54 trường THPT trong tỉnh về điểm thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua, 36/43 học sinh lớp cô Hường phụ trách đạt từ 8 điểm trở lên ở môn ngữ văn, trong số này có 9 em đạt điểm 9, điều chưa từng có ở trường này. “Ngoài chuyên môn, tôi luôn trò chuyện với học trò về truyền thống hiếu học của quê hương, qua đó khơi dậy nghị lực vươn lên trong các em”, cô Hường nói.

Hơn 2 năm qua, học sinh nhiều lần phải học trực tuyến do dịch Covid-19 bùng phát và lây lan. Giáo viên trong tỉnh không ngại khó, ngại khổ, ban ngày dạy theo chương trình, tối đến lại mở lớp trực tuyến phụ đạo cho những học sinh yếu. Nhiều thầy cô không ngần ngại đến tận nhà học trò gửi tài liệu học tập. Không ít giáo viên mắc Covid-19, sức khoẻ không bảo đảm vẫn không quên mang theo máy tính “lên lớp” từ trong khu cách ly tập trung…

Nhiều giáo viên trẻ mới ra trường có trình độ, được nhiều nơi tuyển dụng nhưng lại chọn về tỉnh cống hiến. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên chuyên Pháp Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi kể: “Năm 2018, tôi tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ, nhiều đơn vị tại Hà Nội mời về công tác với mức thu nhập hấp dẫn nhưng tôi lựa chọn về tỉnh. Tôi muốn đem những gì học được để giúp các thế hệ đi sau toả sáng, viết tiếp truyền thống hiếu học của quê hương”.

Trò quyết tâm

Biết ơn cha mẹ, thầy cô, các thế hệ học sinh Hải Dương hôm nay ra sức thi đua, quyết tâm học tập, góp phần tô đậm bảng vàng thành tích giáo dục xứ Đông văn hiến. Những năm gần đây, 80% số học sinh các đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh đi thi quốc gia đều đoạt giải. Một số em xuất sắc giành giải quốc tế, khu vực. 

Chuyện học sinh Hải Dương nhận học bổng từ các trường đại học quốc tế không còn hiếm. Đơn cử như em Đỗ Thanh Hải, học sinh lớp chuyên toán của Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi trúng tuyển 5 trường đại học của Mỹ vào năm 2020. Không ít sinh viên người Hải Dương đã tốt nghiệp các trường đại học quốc tế và trở về cống hiến cho đất nước. Một số người trở thành những gương mặt tiêu biểu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Học sinh ở các trường đại trà cũng đang vươn lên mạnh mẽ, giành những thành tích ấn tượng. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, toàn tỉnh có 5 thủ khoa thì Trường THPT Đoàn Thượng (Gia Lộc) có 2 em.

Không thể kể hết những tấm gương điển hình trong học tập của học sinh Hải Dương. Nhưng phải khẳng định rằng, ở thời kỳ nào, tỉnh Đông cũng có những cái tên xuất chúng. Các em đã và đang viết tiếp truyền thống khoa bảng vẻ vang của quê hương.

Hải Dương tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia

Truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư, trọng đạo cũng như ý thức tôn vinh các bậc hiền tài của tỉnh không ngừng được gìn giữ, kế thừa và phát triển. Những năm gần đây, Hải Dương tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi quốc gia. Đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Hải Dương đã xuất sắc vươn lên đứng vị trí thứ ba cả nước chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng. Đội tuyển sinh học, địa lý và tiếng Nga có 9 trong tổng số 10 em dự thi đoạt giải. Cả 2 dự án tham gia Cuộc thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật dành cho học sinh trung học đều đoạt giải quốc gia. 

Đây chính là kết quả của những đổi mới mà ngành giáo dục đã chỉ đạo trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, là trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi các cấp theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trích phát biểu của đồng chí TRIỆU THẾ HÙNG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi năm học 2021-2022

Phát hiện, bồi dưỡng năng lực đặc thù của học sinh từ sớm

Để duy trì và nâng cao số lượng cũng như chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong những năm học tới, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, kích thích sự hứng thú, tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh. 

Ngoài các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực chung của học sinh, các trường tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng lực, sở trường đặc thù từ cấp THCS trong từng tiết học, hoạt động giáo dục, đồng thời tích cực tuyên truyền trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT để thu hút nhiều học sinh giỏi tham gia kỳ thi và trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Chú trọng nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về đẩy mạnh phong trào học sinh giỏi; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, khuyến học, khuyến tài... 

ĐỖ DUY HƯNG
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương


Nhân rộng các mô hình học tập

Để khơi dậy tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh, cần kiên định mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”...

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2030. Động viên, khuyến khích và tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân được tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời, hướng tới công dân số, công dân toàn cầu, góp phần xây dựng thành công xã hội học tập.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo tôi cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành để phát triển nguồn lực thông tin, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong giai đoạn 2021-2030.

NGUYỄN VĂN NHANG
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh


Gia đình là nơi khởi nguồn khơi dậy tinh thần học tập

Vai trò của gia đình đối với việc học của con em mình rất quan trọng. Đây là nơi khởi nguồn cho sự khơi dậy tinh thần học tập của mỗi người.

Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học và bác học Aristoteles đã đánh giá rất cao vai trò giáo dục của gia đình. Gia đình có ảnh hưởng sâu sắc đến bước đầu đời của con trẻ. 

Gia đình phải là nơi tuyên truyền, giáo dục con em mình hiểu rõ truyền thống hiếu học của xứ Đông, các bậc hiền tài đã làm rạng rỡ non sông. Tùy vào từng điều kiện mỗi gia đình, những thế hệ sau này phải biết được những hiền tài hiếu học như Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, người thầy của muôn đời Chu Văn An, khai quốc công thần Nguyễn Trãi, nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ... Tiếp đến là những người học vấn cao trong gia đình và nhân tài sau này. Phải cho con em mình hiểu được các bậc hiền tài trên đều là những ngọn đuốc soi đường sự học cho muôn đời sau, đồng thời giáo dục con cháu thấu hiểu đạo lý "Tiên học lễ, hậu học văn", "Học đi đôi với hành"...

Tôi nghiệm ra rằng học tập là sự nghiệp suốt đời, quan trọng nhất vẫn là đọc sách. Đọc xong phải ghi lại những điều cốt yếu để tránh bị quên.

ĐÀO HỮU THẢNH
Nhà nghiên cứu giáo dục ở TP Hải Dương

PV