Phụ huynh lúng túng với "ma trận giá" các bộ thiết bị dạy học tiểu học
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:18, 06/09/2022
Giá chênh lệch lớn từ vài chục đến cả trăm ngàn đồng mỗi bộ
Đầu năm học, hàng triệu phụ huynh tiểu học, nhất là các lớp 1, 2, 3 lại đôn đáo tìm mua cho con em các bộ thiết bị dạy học tối thiểu như bộ Thực hành Toán - Tiếng Việt. Theo khảo sát của phóng viên tại một loạt các cửa hàng sách lớn ở Hà Nội, với mỗi bộ thiết bị học tập bậc tiểu học đều có nhiều loại với mẫu mã bìa và giá cả khác nhau. Tại nhà sách Tiến Thọ trên đường Láng (Cầu Giấy, Hà Nội), gian bày bán các bộ thiết bị học tập đa dạng nhiều chủng loại khác nhau. Cùng là bộ thực hành Toán 2, nhưng có bộ giá 237.000 đồng/bộ, bộ khác giá 165.000 đồng và sản phẩm của một công ty phát hành khác lại chỉ có giá 150.000 đồng.
Lo ngại đầu năm học xảy ra tình trạng “cháy hàng” SGK và các thiết bị học tập, chị Nguyễn Minh Thu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã đi mua từ sớm một số thiết bị và đồ dùng cần thiết cho con, thế nhưng lại không khỏi lúng túng trước hàng loạt các bộ thiết bị khác nhau với mức giá chênh lệch khá lớn.
Cùng một bộ đồ dùng học tập tối thiểu nhưng lại có nhiều loại khác nhau với giá cả chênh lệch lớn.
Cũng theo phản ánh của phụ huynh, tại nhiều trường, các bộ thiết bị này đang được bán kèm với SGK. Anh Nguyễn Quang Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trong danh mục SGK đầu năm học mà anh vừa đăng ký mua cho con có cả bộ đồ dùng học tập tối thiểu với giá gần 200.000 đồng. Trong khi đó, cả bộ SGK cũng chỉ có 208.000 đồng. Phụ huynh này cho rằng, việc mua cả bộ đồ dùng học tập tối thiểu khiến giá của bộ sách bị đội lên gần gấp đôi.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Hiền (Hà Đông, Hà Nội) có con học lớp 2 cũng cho biết: “Nhà trường liệt kê danh sách các loại sách và thiết bị học tập cần mua để học sinh đăng ký. Nếu mua cả bộ thiết bị học tập, giá bộ sách sẽ tăng thêm khoảng 300.000 đồng. Năm học trước, phần lớn thời gian năm học các con học online tại nhà, thời điểm này hầu như không dùng đến những bộ thiết bị trên, khi được trở lại trường học trực tiếp nhà trường yêu cầu học sinh mang bộ đồ dùng này lên lớp và để tại lớp để học”.
Vì thời gian con sử dụng không nhiều, các con còn nhỏ chưa có ý thức giữ gìn nên hầu như chỉ sử dụng một năm học rồi bỏ, lớp sau khó dùng lại, nên chị Hiền cũng muốn có thể tự chọn những bộ có giá thành rẻ hơn, đảm bảo chất lượng.
Cần giải pháp tổng thể để giảm giá các thiết bị giáo dục
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT quy định danh mục các thiết bị dạy học tối thiểu trong trường học cấp tiểu học bao gồm: môn Tiếng Việt, môn Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, môn Tự nhiên và Xã hội, môn Lịch sử và Địa lý, môn Tin học, môn Công nghệ, môn Giáo dục thể chất, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm và thiết bị dùng chung.
Ông Mai Văn Trinh, tân Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT.
Nói về giá của các bộ thiết bị học tập trên thị trường, ông Mai Văn Trinh cho rằng, tùy theo phân khúc khách hàng, các đơn vị sản xuất đưa ra các sản phẩm với chất lượng và mức giá khác nhau. Tuy nhiên tất cả các sản phẩm khi đưa ra thị trường đều cần đảm bảo về thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn, tính an toàn và cần thiết. Phụ huynh có nhiều lựa chọn khác nhau, tùy theo nhu cầu của gia đình, tuy nhiên cũng không cần chạy theo xu hướng mua sắm những bộ thiết bị quá đắt, mà nên đảm bảo tính thiết thực, an toàn vệ sinh, phù hợp với khả năng kinh tế.
Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD-ĐT) cũng khuyến khích, tôn vinh các thầy cô giáo tự sáng tạo, làm các đồ dùng, thiết bị học tập các môn cho học sinh trong điều kiện kinh tế tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn hạn chế. Bên cạnh đó, ông Mai Văn Trinh cũng kêu gọi giáo viên toàn quốc hưởng ứng tham gia cuộc thi về thiết bị dạy học số do Bộ GD-ĐT đang tổ chức.
Về phía các doanh nghiệp, ông Mai Văn Trinh cho rằng, cần xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, là trách nhiệm chung toàn xã hội, do đó các nhà sản xuất nên có tầm nhìn, trách nhiệm khác với xã hội, sản xuất các sản phẩm có ý nghĩa thiết thực, đảm bảo vệ sinh, an toàn và có các giải pháp để hạ giá thành sản phẩm, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh.
Nói về vấn đề này, ông Ngũ Duy Anh, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết, các bộ thiết bị học tập không phải mặt hàng có quy định phải kê khai hoặc thẩm định giá. Ngoài ra, mỗi nhà sản xuất lại có một chiến lược kinh doanh khác nhau, với quy mô, chi phí sản xuất khác nhau, mẫu mã, chất lượng, kích cỡ, chủng loại nguyên vật liệu cũng khác nhau nên giá sẽ khác nhau.
Ông Ngũ Duy Anh, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam
Theo ông Ngũ Duy Anh, đây là những mặt hàng phục vụ đối tượng đặc biệt - học sinh - do đó rất cần những giải pháp từ các nhà sản xuất để giảm giá bán: “Việc giảm thế nào thì cần một tổng thể các giải pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước như đưa danh mục thiết bị dạy học vào kê khai giá, các doanh nghiệp, công ty cung ứng cũng cần hướng tới tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí bán hàng… Riêng tại Hiệp hội Thiết bị giáo dục Việt Nam, thời gian tới sẽ có những chương trình vận động các đơn vị sản xuất giảm chiết khấu bán hàng cho các đơn vị cung ứng trong hiệp hội để giá bán của các đơn vị trong hiệp hội thấp hơn các đơn vị ngoài hiệp hội nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cũng như chia sẻ gánh nặng cho phụ huynh và học sinh”.
Ông Ngũ Duy Anh cũng cho rằng, hiện nay có rất nhiều bộ thiết bị học tập với các mức giá và chất lượng khác nhau, song sản phẩm thiết bị giáo dục khi đưa vào nhà trường phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu dạy và học của chương trình, ngoài ra cần đảm bảo sự an toàn cho học sinh cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Duy Anh lo ngại, nếu không có một đơn vị chức năng, mà tốt nhất nên là các đơn vị chuyên môn của Sở GD-ĐT địa phương, đứng ra tổ chức thẩm định hoặc kiểm định, định hướng đưa ra một số sản phẩm cùng loại tối ưu nhất thì phụ huynh, học sinh sẽ rất lúng túng khi lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên có có kinh nghiệm nhiều năm dạy bậc tiểu học tại Hải Dương cho biết, hàng năm nhà trường đều rà soát lại các bộ thiết bị học tập tối thiểu trong thư viện. Các lớp sử dụng các bộ đồ dùng này học sinh còn khá nhỏ, chưa có ý thức giữ gìn, nên sau mỗi năm, mỗi bộ đều bị hỏng hoặc mất một số chi tiết.
“Để tiết kiệm chi phí mua sắm, hàng năm các giáo viên đều rà soát lại từng bộ đồ dùng học tập, chọn lọc ra các chi tiết ở mỗi bộ gom vào cho đủ thành bộ, số còn lại thiếu sẽ đặt mua bộ mới. Hiện nay trên thị trường có nhiều bộ đồ dùng có độ dày mỏng khác nhau, một số bộ có chất liệu bằng nhựa, có loại bằng giấy ép nhựa, tuy nhiên tất cả đều đáp ứng nhu cầu dạy học theo chương trình và đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó chúng tôi vẫn chọn những sản phẩm có chất lượng đảm bảo, an toàn cho trẻ và đáp ứng đúng yêu cầu học tập. Với những phụ huynh có nhu cầu mua về nhà cho con em học, các cô giáo cũng khuyên tùy theo điều kiện gia đình để mua sắm, nhưng không nhất thiết phải mua những bộ quá đắt, tránh lãng phí”, cô Hương chia sẻ.
Trước tình trạng loạn giá các thiết bị dạy học, một số ý kiến của các chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng Bộ GD-ĐT cần tổ chức rà soát để lược giảm những nội dung không thật sự cần thiết phải quy định tại Thông tư 37/2021/TT-BGDĐT nhằm giúp các nhà sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm chi phí bán hàng đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để chỉ đạo đưa các thiết bị dạy học tối thiểu vào diện công khai giá, kê khai giá và đặc biệt đối với hàng hóa được mua sắm theo hình thức xã hội hóa ( phụ huynh tự bỏ tiền mua sắm) thì nên để xã hội tự quyết định nhằm đảm bảo từ năm học tới các nhà trường và các bậc phụ huynh có thể mua được những bộ đồ dùng và thiết bị dạy học với giá thấp nhất với chất lượng phù hợp và tất nhiên vẫn đảm bảo các yêu cầu dạy và học trong nhà trường. |
Theo VOV