Kế hoạch táo bạo của bà Liz Truss
Bình luận - Ngày đăng : 08:16, 06/09/2022
Theo kết quả kiểm phiếu hôm 5.9, bà Liz Truss đã đánh bại ông Rishi Sunak và trở thành người kế nhiệm ông Boris Johnson. Bà Truss nhận được sự ủng hộ của 81.326 thành viên đảng, so với con số 60.399 của ông Sunak. Đây là chiến thắng đã được dự đoán trước dành cho bà Truss.
Tân Thủ tướng tuyên bố sẽ đưa ra "kế hoạch táo bạo" để cắt giảm thuế và củng cố nền kinh tế Anh sau đại dịch, đồng thời giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.
"Tất cả chúng tôi sẽ cống hiến cho đất nước, và tôi sẽ bảo đảm rằng chúng tôi sẽ tận dụng tất cả tài năng tuyệt vời của Đảng Bảo thủ", bà nói sau chiến thắng hôm 5.9.
Tuy vậy, tân Thủ tướng sẽ phải đối mặt với thực tế sụt giảm thu nhập lớn nhất ở Anh kể từ những năm 1950, với dự báo lạm phát chạm 11% cuối năm nay. Trên hết, lòng tin vào thể chế đất nước cũng đang suy yếu đáng kể.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt với những khó khăn kinh tế tương tự. Tuy nhiên, thách thức với Anh còn lớn hơn khi nước này vừa rời Liên minh châu Âu, theo Wall Street Journal.
Quan điểm bi quan của cử tri
Thách thức trong hệ thống chính trị và kinh tế của Vương quốc Anh được phản ánh từ quan điểm bi quan của cử tri. Cuộc khảo sát thực hiện từ cuối năm ngoái cho thấy 73% người dân không tin tưởng chính phủ sẽ đưa ra các quyết định giúp cải thiện cuộc sống.
Theo kết quả thăm dò ý kiến của Yonder Consulting công bố vào tháng 6,69% người dân ở Anh và xứ Wales tin rằng đất nước đang đứng trước thời kỳ suy thoái, 62% không còn coi Anh là nhà lãnh đạo toàn cầu, còn 76% cho rằng hệ thống chính trị đã bị phá vỡ.
Thông thường, quyền lực của Thủ tướng Vương quốc Anh bắt nguồn từ khả năng tập hợp sự ủng hộ từ Quốc hội. Tuy nhiên, khi ông Johnson bị Quốc hội và các tổ chức khác phản đối, ông thường phản ứng bằng cách làm suy yếu luận điểm của họ.
Bà Liz Truss được bầu làm người kế nhiệm ông Boris Johnson. Ảnh: PA Wire |
“Nhiều thể chế đã bị suy yếu. (Chức năng của) Nghị viện bị suy yếu và phớt lờ, cơ quan dân sự thì bị phớt lờ và chỉ trích, tòa án cũng bị như vậy”, Vernon Bogdanor - chuyên gia sử học và khoa học chính trị tại King’s College London - nói.
Trong thời gian làm Thủ tướng, ông Johnson bị dính vào hàng loạt bê bối. Ông nỗ lực thay đổi “quy tắc đạo đức của Quốc hội” để giúp một cựu Bộ trưởng hưởng lợi. Ông cũng chấp nhận một khoản tài trợ lớn để cải tạo căn hộ trên Phố Downing.
Thủ tướng tổ chức các bữa tiệc tại văn phòng giữa lúc Anh phong tỏa phòng dịch Covid-19, để rồi nhận án phạt từ cảnh sát. Cuối cùng, ông bổ nhiệm một quan chức dính cáo buộc quấy rối tình dục vào vị trí cấp cao trong chính phủ.
Không chỉ vậy, nhiều người cũng đang nghi ngờ về sự thống nhất của Vương quốc Anh. Ví dụ, đa số người Scotland bỏ phiếu chống lại Brexit vào năm 2016. Việc quyết định rời khỏi EU đã đẩy nhanh triển vọng về một cuộc trưng cầu dân ý khác về nền độc lập của Scotland.
Nền kinh tế ngày càng khép kín?
Trong ba năm cầm quyền, thành tích lớn nhất của ông Johnson là bảo đảm Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, ông lại không thể giải quyết tranh luận Vương quốc Anh nên hợp tác kinh tế với đối tác thương mại lớn nhất chặt chẽ như thế nào.
Thỏa thuận thương mại mong manh của Thủ tướng với khối này đã gây ra gián đoạn tại biên giới, dẫn đến biến động thị trường lao động do hạn chế di chuyển từ EU, đồng thời tạo nên vấn đề thương mại giữa Bắc Ireland và các nơi khác của Vương quốc Anh. Brexit khiến Vương quốc Anh trở thành nền kinh tế khép kín hơn nhiều khi giao thương với EU giảm mạnh.
Vấn đề biên giới này có thể được giải quyết nếu Vương quốc Anh chấp thuận một vài quy định của EU và tiến gần hơn tới khối. Tuy nhiên, những bước đi vấp phải sự phản đối từ phe phái chống EU trong Đảng Bảo thủ.
Trước cuộc trưng cầu dân ý, Vương quốc Anh đã gặp vấn đề đầu tư kinh doanh thấp, dẫn đến tăng trưởng năng suất tổng thể thấp. Sau đó, đầu tư kinh doanh bị đình trệ, giảm thêm do đại dịch Covid-19 và chưa phục hồi kể từ đó. Điều này không giống như ở các nền kinh tế hàng đầu khác.
Những người ủng hộ Brexit kỷ niệm việc Vương quốc Anh rời EU vào tháng 1.2020. Ảnh: Reuters |
Jonathan Portes - giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học King's College London - nói rằng trong gần ba thập niên cho đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Anh - với công thức thị trường lao động linh hoạt, cộng với chính sách nhập cư tương đối tự do và mở cửa thương mại nhờ tư cách thành viên của EU - có tỷ lệ việc làm khá cao, tăng trưởng hợp lý và nguồn thu thuế mạnh.
Công thức này sụp đổ sau năm 2010, mà lý do chưa được phân tích rõ. Giáo sư Portes tin rằng các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ là một phần nguyên nhân. Một lời giải thích khác là Vương quốc Anh có rất nhiều công ty nhỏ, trong khi trên toàn cầu, hầu hết khoản tăng năng suất đều dồn từ các công ty lớn.
Thu nhập hộ gia đình Anh đã giảm 2% năm 2007-2018, sau khi điều chỉnh sức mua của đồng nội tệ. Một lý do khác cho sự chênh lệch là giá trị của đồng bảng Anh giảm mạnh.
Các hộ gia đình Ireland hiện có thu nhập khả dụng trung bình cao hơn 6% so với hộ gia đình ở Anh. Báo cáo cho biết Vương quốc Anh cũng có mức phân bổ thu nhập bất bình đẳng nhất so với mọi quốc gia châu Âu, ngoại trừ Bulgaria.
Cơ quan giám sát tài chính của Chính phủ Anh ước tính về lâu dài, nền kinh tế nước này sẽ nhỏ hơn khoảng 4% so với khi ở lại EU. Điều đó đồng nghĩa doanh thu từ thuế cũng sẽ thấp hơn.
Do đó, việc thực hiện một trong những mục tiêu chính sách đặc trưng của ông Johnson - “nâng cấp” thành phần hậu công nghiệp của Vương quốc Anh để giảm bất bình đẳng - sẽ khó mà đạt được.
Ông xác định những người bị "tụt hậu" về kinh tế trong những năm gần đây là động lực chính của cuộc bỏ phiếu Brexit. Tuy nhiên, sau 3 năm, một báo cáo tính toán một số khu vực nghèo nhất của đất nước ở phía bắc và đông bắc sẽ chịu tác động kinh tế lớn nhất từ Brexit.
Không rõ mô hình kinh tế mới của Anh sẽ ra sao. Một số nhà kinh tế cho rằng Vương quốc Anh nên tập trung cải thiện các điều kiện cho lĩnh vực mà nước này có thế mạnh: Cung cấp dịch vụ tài chính, kinh doanh và giáo dục nâng cao.
Về lĩnh vực thuế và chi tiêu, tân Thủ tướng Liz Truss vạch ra khoản cắt giảm thuế 30 tỷ bảng, bao gồm loại bỏ đề xuất tăng thuế doanh nghiệp và đảo ngược quyết định tăng mức bảo hiểm quốc gia đưa ra trước đó, theo Sky News.
Bà cũng muốn loại bỏ “thuế xanh” nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt hộ gia đình. Ngoài ra, tân thủ tướng theo đuổi kế hoạch xem xét lại toàn bộ hệ thống thuế, cam kết cải cách nhằm ngăn tình trạng người dân bị phạt khi nghỉ làm để chăm sóc các thành viên gia đình.
Mặc dù không loại trừ khả năng hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình dễ bị tổn thương, bà hiện tại ngừng nêu cam kết và nhấn mạnh sau khi nhậm chức, tân thủ tướng sẽ đưa ra kế hoạch dựa trên dữ liệu mới nhất.
Trước đó, bà Truss từng hứa sẽ mở “ngân sách khẩn cấp” nhằm thúc đẩy cắt giảm thuế nhanh chóng hơn.
Theo Zing