Đồng nghiệp không thân mời cưới

Đời sống - Ngày đăng : 15:19, 06/09/2022

Bạn muốn từ chối lời mời đám cưới của một người đồng nghiệp không thân, song ngại ngùng và bối rối. Có một vài cách thức bạn có thể áp dụng trong trường hợp này.



Bạn rất vui lòng khi nhận được thiệp mời cưới từ người nhà, bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, trong một số mối quan hệ chưa mấy quen thân như bạn xã giao hoặc đồng nghiệp ít trò chuyện, thật khó xử để từ chối những lời mời cưới từ họ.

One Fab Day gợi ý những điều nên và không nên làm khi bạn gặp tình huống như vậy.

Nên...

Suy nghĩ trước khi quyết định

Bạn không nên vội vàng từ chối bởi điều này có thể làm tổn thương người vừa ngỏ lời mời với bạn. Trước tiên, hãy suy nghĩ một chút xem tại sao họ lại gửi thiệp mời cho mình? Liệu bạn có nên bỏ lỡ đám cưới này hay không?

Sau cùng, nếu vẫn cảm thấy mối quan hệ với cô dâu, chú rể không đủ thân thiết để tham dự đám cưới, bạn hãy lịch sự gửi tin nhắn hoặc gọi điện để thông báo mình không thể góp mặt.

Trong một vài trường hợp, nếu cần giữ thiện cảm tốt với người đồng nghiệp này, bạn có thể mời họ một bữa ăn để chia sẻ lý do của mình.

Cảm ơn

Cho dù thật lòng không muốn tham dự buổi tiệc cưới, bạn vẫn cần gửi một lời cảm ơn tới cô dâu, chú rể. Đó là một phép lịch sự tối thiểu và bạn chắc chắn cần phải làm như vậy.

Không nhất thiết phải luôn thành thật

Khi không thể góp mặt trong đám cưới của bạn bè, họ hàng thân thiết, bạn có thể nói thật với họ lý do của mình. Đó có thể do bạn vướng lịch công tác hoặc chuyến du lịch đã đặt từ lâu.

Tuy nhiên, trong một số mối quan hệ xã giao, sẽ không sao cả nếu bạn đưa ra lời nói dối vô hại nhằm từ chối một cách lịch sự. Bạn vẫn có thể thành thực với những lý do như đang khủng hoảng tài chính hoặc không muốn gặp mặt người yêu cũ trong bữa tiệc của họ.

Song đừng nói rằng "Tôi với bạn chưa đủ thân thiết để mời cưới thế này", điều này chỉ khiến mối quan hệ trở nên xa cách hơn.

Hãy vững vàng với quyết định của mình

Một khi từ chối tham gia buổi tiệc, hãy kiên định với quyết định của mình nếu không muốn tình huống thêm khó xử.

Ví dụ: Bạn nói với cô dâu, chú rể rằng không thể đến đám cưới của họ vì vấn đề tài chính. Sau đó, cặp vợ chồng đề nghị chi trả toàn bộ tiền ăn, ở cho bạn. Nếu bạn tỏ ra do dự hoặc thỏa hiệp, cuộc trò chuyện sẽ trở nên không mấy hay ho.

Vì vậy, bạn cần giữ lập trường và biết chính xác những gì mình sẽ nói ra, không nên thay đổi.

Gửi tặng một món quà nhỏ

Thay vì việc tham dự đám cưới, bạn có thể gửi tặng đồng nghiệp mình một món quà nhỏ để chúc mừng ngày vui của họ. Ngoài ra, bạn cũng có thể mời họ một bữa tối sau tiệc cưới và gửi lời chúc hạnh phúc.


Bạn cần suy nghĩ thay vì vội vàng từ chối lời mời cưới từ đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Los Muertos Crew/Pexels

Không nên...

Vô tâm

Mọi người sẽ cố gắng thông cảm khi bạn từ chối lời mời đám cưới. Nhưng bạn không nên pha trò, khoe mẽ rằng mình quá bận rộn hoặc tỏ ra không quan tâm đến cảm xúc và ngày vui của họ.

Dài dòng

Hãy cung cấp thông tin một cách vừa đủ để cặp vợ chồng hiểu được lý do vắng mặt của bạn. Càng giải thích dài dòng, chi tiết, bạn càng dễ để lộ ra rằng mình đang nói dối (nếu có) hoặc khiến người kia khó xử.

Chần chừ

Đừng để đến phút cuối mới thông báo rằng bạn không thể đến dự đám cưới của đồng nghiệp. Họ sẽ rất thất vọng và cảm thấy tổn thương khi bạn từ chối họ ngay trước thềm ngày trọng đại.

Thay vào đó, hãy thông báo sớm để giúp họ có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn cho bữa tiệc, cũng như có thể mời người khác tham dự.

Thậm chí, ngay cả khi bạn đã nói truyện với họ từ trước, hãy lịch sự gửi thêm tin nhắn hoặc email để xác nhận, tránh trường hợp quên lãng hoặc không hiểu ý nhau.

Theo Zing