Sự kiện nổi bật ngày 6.9

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 22:14, 06/09/2022

Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8.2022... là những sự kiện nổi bật ngày 6.9.

TRONG NƯỚC


Sáng 6.9, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6.9.1902 - 6.9.2022), người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng trong sáng 6.9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu đã về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong trong cả nước và Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 6.9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8.2022. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tháng 8 và 8 tháng năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; giá dầu biến động mạnh; giá nguyên liệu đầu vào tăng; thị trường bị thu hẹp...Trong khi đó, ở trong nước các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng nặng nề hơn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự phiên họp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến "đúng, trúng", đi thẳng vào vấn đề, phân tích kết quả, các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học, dự báo tình hình để đưa ra các giải pháp phù hợp, khả thi thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN


Ngày 6.9, tại tỉnh Ninh Bình diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với chủ đề: “50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo” do UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Lễ kỷ niệm. Về phía khách quốc tế có Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO - bà Audrey Azoulay, đại sứ các nước có cơ quan đại diện tại Việt Nam đang là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu tham quan triển lãm ảnh về di sản thế giới. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Ngày 6.9, tại Hòa Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9.2022 (khu vực phía Bắc). Hội nghị tập trung vào các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình; Kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới. Trong ảnh: Quang cảnh Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9.2022 tổ chức tại Hòa Bình. Ảnh: Thanh Hải - TTXVN


Ngày 6.9, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới) phụ trách hợp tác phát triển quốc gia và khu vực Hasan Kleib thăm và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tại buổi làm việc nhằm giúp tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam nói chung và Cục Sở hữu trí tuệ về công nghệ thông tin, các dự án về khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ, đào tạo, nâng cao chuyên môn cho cán bộ về sở hữu trí tuệ… Trong ảnh: Phó Tổng Giám đốc WIPO phụ trách hợp tác phát triển quốc gia và khu vực Hasan Kleib thăm Phòng đăng ký, Bộ phận tiếp nhận - trả kết quả đơn đăng ký sở hữu Công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ). Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN


Ngày 6.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) thông tin, đơn vị vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1987, trú tại xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3, điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, để phục vụ mục đích lấy tiền tiêu xài cá nhân, từ tháng 1.2022 đến tháng 4.2022, Nguyễn Thị Thu Thủy đã lừa đảo và chiếm đoạt số tiền trên 300 triệu đồng của 8 bị hại trên địa bàn huyện Hưng Hà làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật bản. Ngoài ra, đối tượng còn nhận khoảng 300 triệu đồng của một số người trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh và thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An. Trong ảnh: Cán bộ Công an huyện Hưng Hà (Thái Bình) thu thập hồ sơ, tài liệu để làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng. Ảnh: TTXVN

QUỐC TẾ


Ngày 6.9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ VII (EEF) tổ chức tại TP Viễn Đông Vladivostosk của Liên bang Nga diễn ra phiên thảo luận “Đối thoại kinh doanh Nga - Việt” nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Nga và Việt Nam về thương mại. Các diễn giả tại phiên thảo luận gồm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, ông Andrey Yatskin; Thứ trưởng Nông nghiệp Liên bang Nga Sergey Levin; Chủ tịch Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga Alexander Shokhin; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Liên bang Nga Lê Trường Sơn; Đại diện Thương mại Việt Nam tại Vladivostok Nguyễn Hồng Thành. Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostosk Nguyễn Đăng Hiền, các doanh nhân Việt Nam và Liên bang Nga, cùng nhiều quan chức và các diễn giả tham gia theo hình thức trực tuyến.  Trong ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận. Ảnh: Duy Trinh - TTXVN


Ngày 6.9, tại số 10 phố Downing, ông Boris Johnson đã có bài phát biểu từ chức Thủ tướng Anh sau khi bà Liz Truss được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ cầm quyền. Trong bài phát biểu, ông Johnson gửi lời cảm ơn các thành viên Chính phủ, các thành viên Đảng Bảo thủ đã ủng hộ ông trong 3 năm tại vị, nhấn mạnh các thành tích nổi bật mà Chính phủ của ông đã đạt được như hoàn thành tiến trình Brexit đưa Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu, triển khai nhanh chóng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và đưa Anh trở thành những nước đầu tiên trở lại cuộc sống bình thường hay đi đầu trong hỗ trợ Ukraine trong xung đột Nga-Ukraine. Trong ảnh: Ông Boris Johnson phát biểu từ chức Thủ tướng Anh tại London. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 5.9, một thẩm phán Mỹ đã chấp thuận đề nghị của cựu Tổng thống Donald Trump qua đó chỉ định một "cố vấn đặc biệt" tiến hành đánh giá độc lập những tài liệu mà Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thu giữ sau khi khám xét dinh thự của ông Trump ở bang Florida trong tháng trước. Như vậy, với phán quyết này, chính phủ tạm thời không được đánh giá hoặc sử dụng những tài liệu đã được thu giữ trong buổi khám xét nhà ông Trump. Trong ảnh: Các tài liệu thu giữ được trong quá trình khám xét dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Palm Beach, Florida. Ảnh: THX/TTXVN


Ngày 6.9, Cơ quan Khí tượng Hungary (MOSZ) cho biết mùa hè năm nay là mùa hè nóng nhất ở nước này kể từ năm 1901. Các số liệu thu được cho thấy nhiệt độ trung bình các tháng 6, 7, 8 năm nay là 22,8 độ C, cao hơn 2 độ C so với mức trung bình ghi nhận trong giai đoạn 1991-2020. Theo MOSZ, nhiệt độ trong mùa hè năm nay ở Hungary cao hơn 0,5 độ C so với mùa hè năm 2003, vốn là mùa hè nắng nóng nhất trong lịch sử. Hungary chứng kiến tổng cộng 11 ngày có nhiệt độ trên 35 độ C, nhiều hơn 8 ngày so với mức trung bình. Trong khi đó, có 46 ngày nhiệt độ vượt ngưỡng 30 độ C, tức là hơn 20 ngày so với mức trung bình. Trong ảnh: Hồ nước Velence gần Pakozd, Hungary khô cạn do nắng nóng và hạn hán. Ảnh: THX/TTXVN